22/01/2025

Mỗi ngày ‘đốt’ 200 triệu đồng, chủ đầu tư xin ‘trả’ dự án chống ngập 10.000 tỉ

Mỗi ngày ‘đốt’ 200 triệu đồng, chủ đầu tư xin ‘trả’ dự án chống ngập 10.000 tỉ

Đã hoàn thành 93% khối lượng, dự kiến vận hành vào tháng 12 nhưng dự án chống ngập do triều có tổng mức đầu tư 10.000 tỉ đồng tại TP.HCM đang đứng trước nguy cơ trở thành dự án “treo” vĩnh viễn
Dự án chống ngập 10.000 tỉ chật vật hơn 4 năm vẫn chưa hẹn ngày về đích /// Ảnh: CTV
Dự án chống ngập 10.000 tỉ chật vật hơn 4 năm vẫn chưa hẹn ngày về đích  ẢNH: CTV
Chiều nay (30.11), Tập đoàn Trung Nam (chủ đầu tư dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến biến đổi khí hậu – giai đoạn 1″) tổ chức buổi họp báo thông tin về tình hình thực hiện dự án.

Loạt vướng mắc “trói” dự án

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam thông tin tổng tiến độ dự án đã đạt 93% nhưng hiện đang phải tạm ngưng do nhiều vướng mắc.
Cụ thể, UBND TP và chủ đầu tư chưa ký kết phụ lục hợp đồng BT gia hạn thời gian hoàn thành dự án (đã hết hạn từ ngày 26.6.2020). Tổ Đàm phán đã thống nhất một số nội dung của Phụ lục hợp đồng BT gia hạn thời gian thực hiện dự án từ ngày 24.9 nhưng người được giao ký phụ lục hợp đồng BT này là Ủy viên UBND – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn chưa đồng ý ký. Đáng nói, dự án đã được ký phụ lục hợp đồng lần 1, lần thứ 2 này gần như chỉ có tính chất gia hạn thêm hợp đồng nhưng phía Sở Kế hoạch và Đầu tư lại yêu cầu phải rà soát lại toàn bộ hồ sơ dự án. Vì chưa ký phụ lục hợp đồng, chủ đầu tư không thể tiếp tục triển khai vì sẽ dẫn đến những hệ lụy về pháp lý như không mua được bảo hiểm, Ngân hàng nhà nước ngưng giải ngân tái cấp vốn cho ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để giải ngân cho dự án…
Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã được ngân hàng BIDV cấp vốn hơn 7.094 tỉ đồng, tương ứng khoảng 80% giới hạn số tiền cho vay được phê duyệt, dư nợ đến hạn phải trả vào ngày 15.11 là hơn 2.639 tỉ đồng. Phía ngân hàng và chủ đầu tư đã gửi công văn cho UBND TP về việc bố trí vốn thanh toán số nợ này nhưng đến nay TP.HCM vẫn chưa thực hiện việc bố trí vốn để hoàn trả cho ngân hàng theo cam kết tại Phụ lục Hợp đồng BT số 4769.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng , hiện còn vướng mặt bằng của 2 hộ dân tại cống kiểm soát triều Mương Chuối và mặt bằng của 35 hộ dân tại 3 đoạn đê kè trên địa bàn huyện Nhà Bè.
“Đáng ra hôm nay UBND huyện Nhà Bè sẽ tổ chức lễ bàn giao mặt bằng của 20 hộ dân khu vực cống Mương Chuối nhưng chúng tôi từ chối nhận vì dự án chưa thể thi công. Bây giờ nếu nhận mặt bằng thì sẽ phải tốn nhân lực, vật lực trông giữ, bảo quản mặt bằng tránh tái chiếm… rất vất vả” – ông Tiến nói.
Mặt khác, UBND TP đến nay vẫn chưa có thông tin rõ ràng về việc thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư theo quy định của Hợp đồng BT đã ký kết.
“Trước đây Chính phủ có văn bản 285, cho phép UBND TP.HCM thanh toán cho chủ đầu tư dự án chống ngập do triều bằng đất, hết đất thì trả bằng tiền. Trong quá trình thực hiện dự án, UBND TP tiếp tục báo cáo Chính phủ đề xuất được trả 15% bằng đất, 85% trả bằng tiền. Thủ tướng Chính phủ tiếp tục trả lời UBND TP, chỉ đạo tiếp tục thực hiện theo văn bản 285. Điều này làm lúng túng. UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Tổ đàm phán làm việc với chủ đầu tư, đàm phán trả cho nhà đầu tư khoảng 16% hợp đồng bằng đất, còn lại 84% trả bằng tiền. Quỹ đất UBND TP dành cho dự án đã có nhưng đến thời điểm này, khi dự án đã dần hoàn thành, chủ đầu tư nhiều lần yêu cầu bàn giao quỹ đất nhưng UBND TP chưa giao một mảnh đất nào cho nhà đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tranh luận về cơ sở thanh toán 85% hợp đồng bằng tiền, đã gửi văn bản xin ý kiến lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng vẫn chưa có kết quả. Dự án tiếp tục tắc.” – vị này chia sẻ.
Mỗi ngày 'đốt' 200 triệu đồng, chủ đầu tư xin 'trả' dự án chống ngập 10.000 tỉ - ảnh 1

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam chia sẻ về tiến độ thực hiện dự án chống ngập 10.000 tỉ

Nguy cơ thành dự án “treo” vĩnh viễn

Theo nhận định của đại diện chủ đầu tư, dự án ngăn triều kéo dài sẽ kéo theo rất nhiều hệ quả tiêu cực.
Thứ nhất, do vướng mắc nhiều thủ tục, chủ đầu tư đã phải gồng mình để dự án có thể tiếp tục triển khai. Thiệt hại ước tính mỗi ngày khoảng 200 triệu đồng. Trong trường hợp không tìm ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc , nhà đầu tư chỉ có thể cầm cự tối đa 2 tháng nữa, buộc phải dừng thi công, lặp lại kịch bản đã từng xảy ra hồi tháng 4.2017 và sau đó sẽ phải mất gần 1 năm mới có thể tái khởi động. Dự án trễ hẹn quá nhiều lần không chỉ ảnh hưởng nhiệm vụ giảm ngập của thành phố mà còn làm mất lòng tin của người dân vào chính quyền TP.HCM.
Thứ hai, tình hình thực hiện dự án kéo dài, chi phí lãi vay và các chi phí theo thời gian phát sinh hàng ngàn tỉ đồng, những phát sinh không hợp lý sẽ dẫn đến vượt thẩm quyền giải quyết của UBND TP.
Thứ ba , với việc Ngân hàng Nhà nước dừng giải ngân tái cấp vốn hơn 1.800 tỷ đồng còn lại cho Dự án Ngăn triều và tình trạng chậm giải quyết thủ tục của thành phố thì việc tìm nguồn vốn khác sẽ không khả thi , dự án sẽ đi đến bế tắc vì không có nguồn vốn để hoàn thành . Bảo hiểm của Dự án đã hết hạn và nguy cơ mất an toàn công trình , giao thông thủy … sẽ rất cao và thiệt hại rất lớn
“Thực tế khối lượng công việc dở dang chưa được thanh toán , khối lượng đang làm cũng như những thiệt hại tính toán được do tạm ngừng vào khoảng 600 – 700 tỉ đồng . Chưa kể đến thiệt hại về hiệu quả kinh doanh , tài chính , uy tín , nguồn nhân lực và trang thiết bị của nhà đầu tư khi dự án kéo dài 1 năm qua. Chúng tôi đã gửi văn bản gửi UBND TP xin được bàn giao lại hiện trạng dự án trong trường hợp những vướng mắc không được nhanh chóng giải quyết. Với nguồn lực hiện tại của TP.HCM, việc mua lại toàn bộ dự án chống ngập do triều là rất khó khả thi, đồng nghĩa với việc dự án đứng trước nguy cơ trở thành dự án treo vĩnh viễn.” – Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam thông tin
Dự án chống ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), khởi công từ tháng 6.2016. Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.
Theo tiến độ ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 4.2018, sau đó phải ngưng thi công 10 tháng và điều chỉnh thời gian hoàn thành đến tháng 6.2019 do nhiều vướng mắc liên quan việc tái cấp vốn. Tái khởi động vào tháng 2.2019, phía chủ đầu tư cam kết hoàn thành dự án vào cuối năm 2019, đưa vào vận hành trong quý 1.2020 nếu được bàn giao mặt bằng trong tháng 6.2019. Khi đó, lãnh đạo các quận, huyện đã cam kết với UBND thành phố sẽ giao mặt bằng sạch cho Trung Nam trước ngày 30.6.2019 nhưng tới nay dự án vẫn tiếp tục nằm trong vòng luẩn quẩn, chưa tìm thấy lối ra.
HÀ MAI
TNO