23/12/2024

Trung Quốc siết thuỷ sản, trái cây nhập khẩu

Trung Quốc siết thuỷ sản, trái cây nhập khẩu

Hàng thuỷ sản, trái cây đông lạnh Việt lại gặp khó với chính sách mới tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc).
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lo lắng chi phí xuất hàng sang Trung Quốc sẽ bị đội lên trong thời gian tới /// ảnh: công hân
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lo lắng chi phí xuất hàng sang Trung Quốc sẽ bị đội lên trong thời gian tới  ẢNH: CÔNG HÂN

Lo lắng đội nhiều chi phí, thời gian thông quan

Lo lắng đại dịch Covid-19 có thể quay trở lại qua con đường thực phẩm nhập khẩu, mới đây, thành phố Thượng Hải đã yêu cầu tất cả thực phẩm đông lạnh nhập khẩu có nguy cơ cao được lưu trữ, chế biến hay bán tại thành phố này phải được đưa vào kho quá cảnh để xét nghiệm Covid-19 và khử trùng bao bì, việc giao hàng sẽ được thực hiện trực tuyến. Cụ thể, các doanh nghiệp (DN) khi xuất hàng đông lạnh vào Trung Quốc sau khi bắt buộc phải điền đầy đủ thông tin về chủ xe, tờ khai hải quan, phương tiện, tài xế, luồng hàng theo yêu cầu và ký vào “Biên bản cam kết công tác phòng, chống dịch”, toàn bộ các container hàng lạnh phải được đưa vào kho quá cảnh do chính phủ Trung Quốc chỉ định chờ xét nghiệm, ngoại trừ hàng đã được khử trùng tại cảng.
Bộ Y tế Việt Nam cũng vừa có công văn gửi các Bộ NN-PTNT, Công thương, Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố thuộc T.Ư về việc thực hiện các biện pháp kiểm soát đối với thực phẩm nhập khẩu (đặc biệt thực phẩm đông lạnh) từ các nước đang có dịch bệnh Covid-19. Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 trên thế giới vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, một số quốc gia đã phát hiện vi rút SARS-CoV-2 trên bao bì sản phẩm thực phẩm đông lạnh. Bộ yêu cầu thực hiện lấy mẫu trên bao bì để xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 đối với các thực phẩm và báo cáo kết quả về Bộ Y tế (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19).

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), quy định mới này được Trung Quốc áp dụng từ giữa tháng 11 khi truyền thông nước này cho biết có phát hiện vi rút SARS-CoV-2 trên bao bì thực phẩm được nhập về từ 20 quốc gia, bao gồm các sản phẩm thịt heo Đức, thịt bò Brazil và cá Ấn Độ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định nhu cầu nhập hàng thủy sản đông lạnh của Trung Quốc mới “loe ngoe” tăng trở lại, việc Trung Quốc siết chặt quy định kiểm dịch trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ làm phát sinh thêm nhiều chi phí bảo quản, kho bãi và thời gian giao hàng cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Thời gian chờ để kiểm tra hàng hóa có thể đội lên gấp 3 lần so với thông thường.
Tương tự, với hàng trái cây lạnh xuất chính ngạch sang Trung Quốc, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cũng nhận định việc “siết” nhập khẩu trái cây của Trung Quốc nếu được áp dụng sẽ gia tăng thêm nhiều khó khăn, áp lực cho DN. Bà nói: “Mặt hàng đông lạnh thủy sản chậm sẽ tăng chi phí nhưng không bị hư hỏng vì có thể ghim điện lưu tại cảng. Nhưng với trái cây như thanh long, chuối, xoài được bảo quản lạnh chỉ cho thời gian cho tối đa là 20 ngày, quá thời gian trên sẽ hỏng”.

Các Bộ cần sớm đàm phán với phía Trung Quốc

Ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh cá tra Việt Nam  sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi đây là mặt hàng đang có sự phục hồi đáng kể tại thị trường Trung Quốc, chiếm hơn 35% tổng kim ngạch. Còn các DN xuất khẩu trái cây chính ngạch sang thị trường lớn này lại lo lắng quả thanh long Việt sẽ bị ảnh hưởng lớn do hàng trái cây Việt cập cảng thành phố Thượng Hải chủ yếu là thanh long.
Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, sau đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều nước, Trung Quốc cũng có động thái kiểm dịch tương tự đối với hàng đông lạnh Việt xuất sang nước này liên quan phòng chống dịch Covid-19. Đến tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đưa ra quy định mới cho các đơn vị nhập khẩu thực phẩm đông lạnh vào thị trường này nếu không đạt yêu cầu xét nghiệm Covid-19 trong quá trình kiểm tra đóng gói 2 lần sẽ bị đình chỉ vận chuyển hàng đến Trung Quốc trong 1 tuần, vi phạm 3 lần sẽ bị cấm cửa 1 tháng. Quy định được đưa ra sau khi cơ quan quản lý phát hiện thực phẩm cá hồi đông lạnh nhập khẩu có nhiễm Covid-19. Ngoài ra, trong báo cáo của VASEP cũng cảnh báo sắp tới, chính phủ Trung Quốc có thể đưa ra một số chính sách nhằm giảm nhập khẩu thủy sản do trữ lượng tồn kho sản phẩm cá thịt trắng, cá rô phi của DN thủy sản Trung Quốc còn nhiều vì xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Ông Trương Đình Hòe cho rằng quy định mới từ phía Trung Quốc chủ yếu “siết” hàng đông lạnh từ các quốc gia đang có đại dịch lan tràn. Việt Nam hiện là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, nếu hàng hóa Việt cũng bị đối xử như hàng nhập từ các quốc gia chưa kiểm soát được dịch bệnh, rõ ràng là thiệt thòi lớn. Trong khi đó, đây là mùa Trung Quốc đang có nhu cầu mua thực phẩm đông lạnh tăng mạnh. “VASEP cũng đã kiến nghị Bộ NN-PTNT Việt Nam cần phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao để làm việc với cơ quan thẩm quyền Trung Quốc nhằm sớm tháo gỡ vướng mắc này cho DN. Đối với DN, đừng vì lo lắng hàng khó đi, bị ùn ứ mà nôn nóng chào giá rẻ, ảnh hưởng đến xuất khẩu của ngành sang thị trường này. Giữa DN hai nước vẫn có thể đàm phán, trao đổi, thỏa thuận để có tiếng nói chung, có lợi cho cả hai bên”, ông Hòe nói.
NGUYÊN NGA
TNO