25/01/2025

Hơn 60 triệu ca nhiễm Covid-19

Hơn 60 triệu ca nhiễm Covid-19

Số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu vượt cột mốc đáng buồn mới, buộc các nước phải tiếp tục siết chặt những biện pháp phòng chống dịch.
Cấp cứu một bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm y tế United Memorail ở Texas, Mỹ /// Ảnh: Reuters
Cấp cứu một bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm y tế United Memorail ở Texas, Mỹ  ẢNH: REUTERS

Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu hôm qua 26.11 vượt mốc 60 triệu, với tốc độ lây nhiễm gia tăng đáng báo động ở nhiều nước và trên phạm vi toàn cầu. Phân tích của Reuters cho thấy số ca mắc Covid-19 tăng từ 50 triệu lên 60 triệu chỉ trong vòng 17 ngày, với khoảng 580.000 ca được ghi nhận mỗi ngày trong tuần qua.

Diễn biến phức tạp

Tại Mỹ, có đến hơn 2.400 ca tử vong vì Covid-19 được ghi nhận trong vòng 24 giờ vào hôm qua, con số cao nhất trong vòng 6 tháng. Tuy vậy, tỷ lệ tử vong trong số những người mắc Covid-19 tại Mỹ đang giảm dần, theo tờ The New York Times.
Phó giáo sư Leora Horwitz tại Đại học New York cho rằng tỷ lệ tử vong giảm nhờ các bác sĩ đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc theo dõi, chăm sóc và điều trị. Tuy nhiên, bà cảnh báo xu hướng trên có thể thay đổi với số ca nhập viện tăng trong mùa đông.

Phân tích của Reuters cho thấy số ca mắc Covid-19 tăng từ 50 triệu lên 60 triệu chỉ trong vòng 17 ngày, với khoảng 580.000 ca được ghi nhận mỗi ngày trong tuần qua

Tại châu Âu, Ukraine ghi nhận con số kỷ lục là 15.331 ca mắc Covid-19 trong hôm qua, cao hơn kỷ lục trước đó là 14.580 ca vào ngày 21.11. Pháp cũng ghi nhận làn sóng mới về số ca mắc và tử vong Covid-19, còn Đức ghi nhận 410 ca tử vong trong ngày, con số tồi tệ nhất kể từ đầu dịch.

Tại châu Á, Hàn Quốc ghi nhận thêm 583 ca mắc Covid-19 trong hôm qua và là lần đầu tiên vượt mốc 500 kể từ ngày 6.3, dù đã có các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn tại Seoul và một số điểm nóng khác. Trong khi các cụm lây nhiễm trước đó chủ yếu xuất phát từ việc tụ tập tại các cơ sở tôn giáo thì cơ quan chức năng giờ đây phải đối phó với các trường hợp khác như các cuộc gặp mặt riêng. Trong khi đó, Trung Quốc cũng ghi nhận thêm 21 ca mắc Covid-19 trong ngày 25.11, so với chỉ 5 ca một ngày trước đó.
Tại Trung Đông, Iran hôm qua ghi nhận thêm 13.843 ca mắc Covid-19 và là con số cao nhất kể từ đầu dịch. Iran hiện là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch tại khu vực Trung Đông, với gần 900.000 ca mắc và hơn 46.000 ca tử vong.
Đại dịch còn lây lan đến Tập đoàn Top Glove (Malaysia), nhà sản xuất găng tay lớn nhất thế giới chuyên cung cấp găng tay, khẩu trang và các thiết bị bảo hộ cho nhiều nước trong đại dịch Covid-19, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng nguồn cung các thiết bị bảo hộ này. Covid-19 lây lan tại 28 nhà máy khiến hơn 2.400 công nhân nhập viện và tập đoàn đã phải tạm đóng cửa 20 nhà máy với hy vọng dập tắt dịch bệnh.
Hơn 60 triệu ca nhiễm Covid-19

Bệnh nhân Covid-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Franco-Britannique ở Pháp  ẢNH: AFP

Sức ép lên hệ thống y tế

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh sau gần 1 năm kể từ khi Covid-19 bắt đầu lây lan ở Trung Quốc, nhiều nơi đang báo động về áp lực đối với ngành y tế khi số ca nhập viện tiếp tục tăng. Đài CNN đưa tin số ca Covid-19 gia tăng tại hạt Los Angeles (bang California, Mỹ) có thể dẫn đến tình trạng thiếu giường bệnh thông thường và tại khoa chăm sóc tăng cường trong vòng 2 – 4 tuần tới, nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp diễn.
Tại bang Arizona, các bệnh viện đang tiếp nhận nhiều ca mắc Covid-19 đến mức cơ quan y tế hôm qua quyết định tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân chuyển viện từ các bang khác.

Chưa thể thoát khỏi bóng ma đại dịch

BBC dẫn lời đồng sáng lập Công ty dược BioNTech (Đức), Giáo sư Ugur Sahin dự báo nếu tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 được triển khai đại trà thì cuộc sống có thể trở lại bình thường vào mùa đông năm 2021. Tuy vậy, ông Chris Chapman, Giám đốc danh mục đầu tư tại Hãng Manulife Investment (Canada), phát biểu trên Bloomberg rằng ngay cả khi hệ thống vắc xin ngừa Covid-19 thành công thì đây cũng không phải là phương thuốc tức thời chữa được bách bệnh cho nền kinh tế. “Để nền kinh tế thế giới thực sự trở lại như thời tiền Covid-19 hoặc về lại được xu hướng tăng trưởng thì có thể sẽ phải mất hơn một năm nữa”, chuyên gia Chapman nhận định.
Tại hội nghị cấp cao G20 vừa qua, các nhà lãnh đạo cũng cho biết nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu khởi sắc nhưng khả năng phục hồi vẫn không đồng đều, không chắc chắn và có nhiều rủi ro đi xuống. Dự kiến, G20 sẽ có kế hoạch giãn nợ cho các nước nghèo đến giữa năm 2021, cũng như giải quyết các vấn đề nợ trong thời gian sau đó. Reuters dẫn lời tỉ phú Bill Gates – nhà sáng lập Tập đoàn Microsoft, cho rằng viễn cảnh lạc quan nhất là các nước giàu sẽ gần như bình thường trở lại vào cuối năm 2021 nếu vắc xin Covid-19 có hiệu quả, được cung cấp sớm và trên quy mô hợp lý.
Trong khi đó, các nước nghèo sẽ phụ thuộc nhiều vào các kế hoạch phân phối của liên minh vắc xin toàn cầu và các quỹ hỗ trợ, dự kiến là 2 tỉ liều trước thời điểm hết năm 2021. Giám đốc khoa học WHO Soumya Swaminathan dự báo từ năm 2022, cuộc sống mới bình thường trở lại khi thế giới sản xuất được 2 tỉ liều vắc xin vào cuối năm 2021. Tuy vậy, các yêu cầu duy trì giãn cách xã hội và đeo khẩu trang để phòng chống Covid-19 sẽ phải tiếp diễn.
Danh Toại

Tại Ý, chính quyền vùng Sicily đang nhờ Cuba gửi thêm khoảng 60 bác sĩ và điều dưỡng vì các bệnh viện tại đây đang thiếu hụt nhân sự trong làn sóng thứ 2 của đại dịch.

Còn tại Nhật, theo tờ The Japan Times, hệ thống y tế đang trên bờ vực tại một số vùng do số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng. Theo hội đồng chuyên gia Bộ Y tế Nhật, tình trạng hiện tại ở một số khu vực thuộc tỉnh Hokkaido và vùng đô thị Tokyo nếu tiếp diễn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến hệ thống y tế địa phương không thể cứu sống những bệnh nhân lẽ ra có thể cứu được.
Hơn 60 triệu ca nhiễm Covid-19

Một bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Madrid, Tây Ban Nha  ẢNH: AFP

Tăng cường đối phó

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hay nước này sẽ gia hạn lệnh phong tỏa một phần trên toàn quốc ít nhất cho đến ngày 20.12, với khả năng kéo dài sang tháng 1.2021. Lệnh phong tỏa một phần tại Đức hiện buộc các nhà hàng, quán bar đóng cửa, người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc, gặp gỡ, trong khi trường học và các cửa hiệu vẫn mở cửa.
Bên cạnh đó, bà Merkel thông báo quy định đeo khẩu trang bắt buộc đối với tất cả những người đi bộ tại những khu vực đông đúc và trung tâm thành phố. Thủ tướng Đức còn cho hay nước này sẽ kêu gọi châu Âu cấm các dịch vụ nghỉ dưỡng trượt tuyết để đề phòng dịch bệnh.
Cũng trong hôm qua, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho hay chính phủ đang cân nhắc giới hạn việc tụ tập vào lễ Giáng sinh ở mức tối đa là 6 người nhằm đề phòng Covid-19. “Đây không phải là con số ngẫu nhiên mà do các chuyên gia, nhà khoa học khuyến cáo nhằm đề phòng một đợt lây nhiễm mới”, ông nêu rõ.
Tại Nga, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin hôm qua thông báo gia hạn khuyến cáo tự cách ly đối với người trên 65 tuổi và các nhóm nguy cơ, kéo dài đến ngày 15.1.2021. Ông Sobyanin cho biết ít nhất 30% nhân viên tại các công ty ở Moscow đang làm việc ở nhà và nên tiếp tục duy trì đến thời hạn trên.
Tại Hàn Quốc, quân đội áp dụng quy định phòng dịch nghiêm ngặt hơn, trong đó có lệnh cấm binh sĩ nghỉ phép, kéo dài trong 10 ngày tới. Quy định được đưa ra sau khi hơn 50 ca mắc Covid-19 được ghi nhận tại một cơ sở huấn luyện quân đội.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) báo động tình trạng mọi người thiếu vận động thể chất trong đại dịch Covid-19. Tình trạng thụ động ước tính gây ra khoảng 5 triệu trường hợp tử vong vốn có thể tránh được, bên cạnh thiệt hại 54 tỉ USD chi phí chăm sóc y tế trực tiếp, và 14 tỉ USD thất thu từ hoạt động sản xuất hằng năm.
KHÁNH AN
TNO