24/12/2024

Tiền thuê đất tăng phi mã, doanh nghiệp khốn khổ

Tiền thuê đất tăng phi mã, doanh nghiệp khốn khổ

Chỉ trong vòng mấy năm, tiền thuê đất của các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp đã tăng đến 13 lần.
Tiền thuê đất tăng cao, nhanh khiến KCN Hiệp Phước không thể kêu gọi các doanh nghiệp vào đây /// Ảnh: Đình Sơn
Tiền thuê đất tăng cao, nhanh khiến KCN Hiệp Phước không thể kêu gọi các doanh nghiệp vào đây ẢNH: ĐÌNH SƠN
Điều đáng nói dù luật cho phép doanh nghiệp (DN) được đóng tiền thuê đất 1 lần cho 50 năm, nhưng TP.HCM vẫn “ép” DN đóng hằng năm.

Kết liễu doanh nghiệp

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Minh Phát, cho biết năm 2014 công ty ông thuê gần 5.000 m2 đất trong Khu công nghiệp (KCN) Tân Bình mở rộng của Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Tân Bình (Tanimex), với thời hạn 50 năm, giá thuê 1.400 đồng/m2/năm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sau 2 lần tăng giá, giá thuê đất đã tăng lên đến 23.000 đồng/m2/năm.
Thấy mức tăng quá mạnh, năm 2017, ông Hiếu làm đơn gửi UBND TP.HCM và Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) xin được đóng tiền thuê đất 1 lần cho khoảng thời gian còn lại, nhưng đến nay ông vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức.
“Mức tăng giá quá cao, quá kinh khủng, tăng không có biên độ, lộ trình và DN cũng không biết mức tăng là bao nhiêu nên không dám mở rộng nhà xưởng vì không tính toán được chi phí đầu vào”, ông Hiếu cho biết.
Theo lãnh đạo một DN đang thuê đất tại KCN Hiệp Phước (H.Nhà Bè), quy định cho phép DN được chọn 2 phương án đóng tiền thuê đất, có thể đóng 1 lần cho 50 năm và đóng tiền thuê từng năm. Tuy nhiên, riêng TP.HCM không cho đóng 1 lần cho 50 năm và cũng không có văn bản nào giải thích cho quy định này. Với quy định cũ trước đây, nếu DN trả tiền thuê đất hằng năm thì biên độ tăng giá chỉ 15%/chu kỳ 5 năm, còn hiện nay giá thuê đất tăng phi mã và không có biên độ.
“Mới 10 năm đã tăng giá thuê gấp 13 lần, còn 40 năm nữa chưa biết tăng đến bao nhiêu, DN làm sao chịu nổi. Chúng tôi chỉ yêu cầu sự công bằng. Quan hệ làm ăn giờ chỉ có 1 chiều, nhà nước nắm thế chủ động còn DN như cá thớt, vào thuê đất xây nhà xưởng rồi phải ngậm đắng nuốt cay trả tiền thuê đất quá cao”, vị này cho biết.
Các DN ngoài KCN thuê đất nhà nước cũng phải chịu cảnh tương tự. Như trường hợp Công ty TNHH An Hạ, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc công ty, bức xúc nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp của công ty trên địa bàn H.Củ Chi, TP.HCM tắc 2 năm nay vì liên quan việc thuê chưa đến 390 m2 đất công trong tổng số gần 30.000 m2. Theo đó, do không có quyết định thuê và giao đất nên công ty không thể triển khai dự án.
Sau nhiều lần “kêu gào”, đến ngày 14.10.2020, UBND TP.HCM có Quyết định số 3845 cho công ty thuê đất với hình thức sử dụng đất là đóng tiền thuê đất hằng năm. Từ đây lại phát sinh thêm vướng mắc khi thuê đất hằng năm sẽ không được cấp sổ hồng và như thế công ty không có tài sản để có thể thế chấp vay vốn từ ngân hàng. Trong khi để làm cơ sở hạ tầng và nhập khẩu máy móc, DN đã phải bỏ ra hơn 100 tỉ đồng từ năm 2018.
“Luật quy định cho DN được chọn phương án đóng tiền thuê đất 1 lần, nhưng TP không cho với lý do mà người đại diện của Sở TN-MT đưa ra rằng luật quy định vậy, nhưng UBND TP.HCM có quy định khác. Điều này như kết liễu DN của chúng tôi vậy”, bà Thắm bức xúc.

Làm sai luật

Ông Trần Quang Trường, Tổng giám đốc Công ty Tanimex – chủ đầu tư KCN Tân Bình, cho biết từ năm 1997 Tanimex được TP.HCM giao đất làm KCN Tân Bình. Khi đó, Tanimex đầu tư hạ tầng và cho các DN thuê lại theo đơn giá nhà nước phê duyệt, với giá thuê đất ổn định trong 5 năm đầu, sau 5 năm điều chỉnh một lần, với mức tăng không quá 15% theo giá hợp đồng thuê đất. Nhưng từ năm 2005, khi Nghị định 142 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước ra đời đã quy định tiền thuê đất chỉ ổn định trong 5 năm, sau 5 năm phải tính lại “trên cơ sở tham chiếu giá thị trường của đất ở khu vực tiếp giáp”.
Chính vì vậy, từ năm 2010 – 2014, Tanimex ký hợp đồng cho thuê lại đất với 5 DN theo đơn giá của Sở TN-MT tại thời điểm ký hợp đồng là 1.740 đồng/m2/năm. Đơn giá thuê đất này được Tanimex thông báo thay đổi theo quy định pháp luật hiện hành, tức Nghị định 142. Đến tháng 10.2014, Sở Tài chính ban hành văn bản xác định đơn giá cho thuê đất tại KCN Tân Bình mở rộng chu kỳ 5 năm tiếp theo là 10.440 đồng/m2/năm. Đến năm 2018, đơn giá thuê đất điều chỉnh lần hai tăng lên 23.000 đồng/m2/năm.
Như vậy, chỉ sau 2 lần điều chỉnh, tiền thuê đất của các DN tại KCN đã tăng hơn 13 lần. Mức giá tăng nhanh và quá cao khiến nhiều DN đang thuê đất trong các KCN của Tanimex không đồng ý nộp tiền thuê đất theo giá mới. Thậm chí Tanimex phải kiện DN ra tòa để yêu cầu trả tiền.
“DN không xin giảm giá thuê, nhưng phải cho biết lộ trình tăng giá để tính toán giá đầu vào và phải cho DN đóng tiền thuê đất 1 lần theo luật. Nếu không, các DN sẽ dọn về các tỉnh hết và nguy cơ dẫn đến chủ đầu tư KCN phá sản hàng loạt là rất cao”, ông Trường lo ngại.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các KCN tại TP.HCM, cũng nói rằng quy định về tiền thuê đất tại KCN áp theo giá thị trường của đất ở tại khu vực liền kề trong Nghị định 142 là vô cùng bất cập và gây nhiều khó khăn cho các DN thuê đất tại KCN lẫn các chủ đầu tư KCN. DN sản xuất thì bị động chi phí đầu vào và trong khi sản xuất là câu chuyện đường dài, cần sự ổn định của tiền thuê đất để họ yên tâm. Còn các KCN, nơi thì bị ách tắc không cho thuê được như KCN Hiệp Phước, nơi thì phát sinh kiện tụng giữa chủ đầu tư KCN và DN thuê đất.
“Trong khi các tỉnh thành làm điều này và DN được cấp sổ hồng cho khu đất trong thời hạn này để vay ngân hàng, hợp tác đầu tư thì tại TP.HCM không cho đóng tiền thuê đất 1 lần mà bắt đóng hằng năm với sự mù mờ không rõ ràng và cũng tăng quá nhanh, quá cao. Những vướng mắc này làm cho việc thu hút đầu tư tại các KCN của TP.HCM kém hấp dẫn”, ông Bé nhấn mạnh.
Tiền thuê đất tại các KCN không phải là nguồn thu chính, mà nguồn thu chính là từ sự phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh tại đây. Khi KCN thu hút được nhiều DN đầu tư thì sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm, thu hút chất xám công nghệ và khi đó ngân sách sẽ tăng một cách bền vững lâu dài từ thu thuế, phí… Do đó, cần một chính sách ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho các DN đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Bé
ĐÌNH SƠN
TNO