Khám mắt bằng AI giúp phát hiện sớm bệnh Parkinson

Khám mắt bằng AI giúp phát hiện sớm bệnh Parkinson

Với giá tiền thấp hơn rất nhiều so với máy CT hay MRI, cách kiểm tra này giúp các bác sĩ phát hiện sớm bệnh Parkinson – căn bệnh ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới.

 

Khám mắt bằng AI giúp phát hiện sớm bệnh Parkinson - Ảnh 1.

Có thể khám mắt để phát hiện sớm bệnh Parkinson thông qua trí tuệ nhân tạo – Ảnh: AFP

Một phương pháp khám mắt đơn giản kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể phát hiện sớm bệnh Parkinson. Đó là nội dung của một nghiên cứu được trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội X-quang Bắc Mỹ (RSNA), theo SciTechDaily.

Bệnh Parkinson là một rối loạn của hệ thần kinh trung ương ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Các chẩn đoán thường dựa trên triệu chứng như run rẩy, cứng cơ và mất thăng bằng. Cách tiếp cận này có nhiều hạn chế đáng kể.

“Vấn đề của phương pháp ấy là bệnh nhân thường tiến triển triệu chứng chỉ sau khi các tế bào thần kinh dopamine trải qua chấn thương lâu ngày. Điều này nghĩa là chúng ta chỉ chẩn đoán bệnh nhân vào giai đoạn muộn của bệnh”, Maximillian Diaz – nghiên cứu sinh tiến sĩ kỹ thuật y sinh tại Đại học Florida lãnh đạo, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Tiến triển bệnh đặc trưng bởi sự suy yếu của tế bào thần kinh gây giảm độ dày của võng mạc, lớp mô nằm ở phía sau nhãn cầu. Bệnh này cũng ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ của võng mạc. Các đặc trưng này cho thấy có thể kiểm tra các hình ảnh mắt, tìm kiếm dấu hiệu bệnh Parkinson từ giai đoạn sớm.

Khám mắt bằng AI giúp phát hiện sớm bệnh Parkinson - Ảnh 2.

Một mẫu hình ảnh chụp đáy mắt – Ảnh: RSNA

Trong nghiên cứu mới, nhóm của Diaz đã dùng một công cụ AI gọi là SVM. Sử dụng ảnh phía sau mắt của bệnh nhân Parkinson, họ dạy cho SVM phát hiện dấu hiệu bệnh. Kết quả cho thấy nó có thể phân loại bệnh Parkinson dựa trên hệ mạch máu võng mạc.

Phương pháp này cũng bổ sung vào ý tưởng rằng các thay đổi sinh lý của não bộ có thể quan sát được trong mắt.

“Phát hiện quan trọng nhất của nghiên cứu này là một căn bệnh liên quan đến não có thể được chẩn đoán chỉ với hình ảnh cơ bản của con mắt. Nó khác xa các cách tiếp cận truyền thống rằng phải dùng các hình ảnh não bộ khác nhau để tìm vấn đề trong não”, Diaz nhận định.

Diaz nói thêm các phương pháp truyền thống bằng ảnh MRI, CT và kỹ thuật y học hạt nhân thường rất tốn kém. Trong khi đó, cách mới này chỉ dùng phép chụp ảnh cơ bản với dụng cụ có sẵn ở các phòng khám mắt. Thậm chí hình ảnh cũng có thể chụp bằng điện thoại thông minh với ống kính đặc biệt.

“Nó chỉ là một tấm ảnh mắt đơn giản, và bạn có thể có được nó trong chưa đầy 1 phút, và giá tiền thì thấp hơn rất nhiều so với máy CT hay MRI. Nếu kiểm tra mỗi năm, chúng ta hi vọng có thể phát hiện bệnh sớm hơn, giúp ta hiểu rõ hơn về căn bệnh và tìm ra cách chữa hoặc làm chậm tiến triển bệnh”, Diaz chia sẻ.

Cách tiếp cận này cũng có thể được ứng dụng phát hiện các bệnh khác ảnh hưởng đến cấu trúc não như Alzhemer hay đa xơ cứng, Diaz nói thêm.

LÊ CHUNG
TTO