24/11/2024

Thế giới ra sức giải bài toán Covid-19

Thế giới ra sức giải bài toán Covid-19

Nhiều nước thay đổi biện pháp đối phó Covid-19 trước diễn biến phức tạp, trong khi thế giới hướng tới nỗ lực chung nhằm chia sẻ vắc xin và hỗ trợ về kinh tế.
Các nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Pháp /// Ảnh: AFP
Các nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Pháp  ẢNH: AFP
Reuters ngày 22.11 dẫn lời đặc phái viên của WHO về Covid-19 David Nabarro dự báo châu Âu sẽ hứng chịu làn sóng Covid-19 thứ 3 vào đầu năm 2021, nếu các nước vẫn tiếp tục đối phó theo cách mà ông cho là thất bại trước làn sóng thứ 2.

Anh, Pháp đổi chiến lược

Văn phòng Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua thông báo sẽ chấm dứt phong tỏa toàn quốc vào ngày 2.12, thay vào đó sẽ áp dụng các quy định giới hạn nghiêm ngặt hơn nhưng theo từng khu vực, cấp độ. Trước đó, Anh áp dụng phong tỏa từ đầu tháng 11 sau khi số ca mắc và tử vong vì Covid-19 tăng trở lại, dù biện pháp này gây lo ngại thiệt hại về kinh tế. Dự kiến ông Johnson sẽ đưa ra “Kế hoạch Covid-19 mùa đông” vào ngày 23.11, với một số khu vực sẽ giới hạn nghiêm ngặt hơn theo từng cấp độ.

Giúp đỡ các nước nghèo

Tại hội nghị, G20 cam kết sẽ tiếp tục sử dụng tất cả công cụ chính sách sẵn có nếu cần thiết nhằm bảo vệ việc làm và thu nhập cho người dân, đồng thời khuyến khích ngân hàng phát triển đa phương tăng cường nỗ lực giúp các nước đối phó khủng hoảng kinh tế vì đại dịch Covid-19. Các nhà lãnh đạo G20 cho biết nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu khởi sắc nhưng khả năng phục hồi vẫn không đồng đều, không chắc chắn và có nhiều rủi ro đi xuống.
“Chúng ta cần bằng mọi giá tránh viễn cảnh thế giới có 2 tốc độ, nơi chỉ những nước giàu mới có thể tự bảo vệ và khởi động lại cuộc sống bình thường”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi. Dự kiến G20 sẽ có kế hoạch giãn nợ cho các nước nghèo đến giữa năm 2021, cũng như giải quyết các vấn đề nợ trong thời gian sau đó.

Tại Pháp, dự kiến Tổng thống Emmanuel Macron sẽ phát biểu trước toàn dân vào ngày 24.11 và công bố nới lỏng quy định giới hạn nhằm phòng chống dịch tại một số nơi, sau khi áp dụng từ ngày 30.10. “Tổng thống sẽ công bố kế hoạch cho vài tuần tới, đặc biệt là về cách chúng tôi điều chỉnh chiến lược nhằm tránh để dịch bùng phát lại”, theo phát ngôn viên Gabriel Attal của chính phủ.

Bắc Mỹ gian nan

Tại Mỹ, CNN ngày 22.11 đưa tin số ca mắc Covid-19 trên cả nước đã vượt mốc 12 triệu, trong khi một chuyên gia y tế hàng đầu cho rằng tình hình lây lan tại nước này đang “nhanh hơn và rộng hơn bao giờ hết”.
Thế giới ra sức giải bài toán Covid-19

Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị trực tuyến G20  ẢNH: AFP

Theo bác sĩ Deborah Birx, thành viên nhóm chuyên trách đối phó Covid-19 của chính phủ Mỹ, vi rút SARS-CoV-2 đang lây lan và tỷ lệ gia tăng số ca mắc đang rất khác trước, khiến bà lo ngại dịch bệnh sẽ kéo dài. Giáo sư Esther Choo tại Đại học Y tế và Khoa học Oregon cho rằng số ca thực tế có thể cao hơn gấp nhiều lần so với con số 12 triệu, vì còn nhiều người chưa xét nghiệm, trong khi nhiều bang có tỷ lệ xét nghiệm dương tính trên 20%.
Tình hình dịch bệnh tại Canada cũng diễn biến phức tạp với tỉnh bang Ontario ghi nhận thêm 1.588 ca vào hôm qua và là con số cao nhất tại đây kể từ đầu dịch. Trước tình hình này, thành phố Toronto bắt đầu phong tỏa từ ngày 23.11 và kéo dài ít nhất 28 ngày.

Nỗ lực trước thách thức chung

Bên cạnh nỗ lực riêng từng nước, thế giới vẫn tiếp tục tìm lời giải chung cho bài toán đại dịch. Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẵn sàng cung cấp vắc xin Sputnik V ngừa Covid-19 cho các quốc gia khác có nhu cầu. Ngoài vắc xin Sputnik V, Nga cũng đang chuẩn bị vắc xin Covid-19 thứ 2 và thứ 3, và việc tạo ra danh mục vắc xin là “mục tiêu chung của chúng ta”, theo ông Putin.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho hay, bà đã kêu gọi đầu tư 4,5 tỉ USD trong năm nay nhằm hỗ trợ việc mua, vận chuyển các thiết bị xét nghiệm, điều trị và vắc xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Đức đóng góp hơn 500 triệu euro cho nỗ lực trên, đồng thời kêu gọi các nước khác cùng đóng góp. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng bày tỏ sự sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác về nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vắc xin.
KHÁNH AN
TNO