28/12/2024

Thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc vượt mốc 100 tỉ USD

Thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc vượt mốc 100 tỉ USD

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam.
Việt Nam vẫn nhập siêu lớn từ Trung Quốc /// LÊ THANH HIỀN
Việt Nam vẫn nhập siêu lớn từ Trung Quốc  LÊ THANH HIỀN

Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc hơn 28 tỉ USD

Trong tổng số hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam, Trung Quốc vẫn đang là thị trường lớn nhất và là đối tác thương mại đầu tiên cán mốc 100 tỉ USD. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp kim ngạch giữa 2 nước đạt trên 100 tỉ USD.
Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 10 tháng năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Trung Quốc đạt 103,4 tỉ USD, chiếm 23,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Nhiều nhóm mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính với kim ngạch tỉ USD đều xuất xứ từ thị trường Trung Quốc. Chẳng hạn, mặt hàng vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có trị giá hơn 14 tỉ USD (tăng hơn 4 tỉ USD, tương đương tăng 40%); nhóm hàng thứ 2 là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với hơn 13 tỉ USD, tăng 10%; nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may, da giày từ thị trường Trung Quốc chiếm 50% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này với hơn 8,73 tỉ USD; nhóm hàng thứ 4 là điện thoại và linh kiện, nhập từ Trung Quốc với 6,2 tỉ USD, chiếm một nửa trong tổng số nhập khẩu trong 12,58 tỉ USD nhập khẩu… Tính chung sau 10 tháng, Việt Nam nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc có trị giá 28,2 tỉ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Dù mức nhập siêu giảm nhưng vẫn cao hơn con số nhập siêu hơn 24 tỉ USD từ Trung Quốc trong cả năm 2018.
Không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất, nước láng giềng này cũng nằm trong những quốc gia dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam. Theo Báo cáo từ Bộ Kế hoạch – Đầu tư, sau 10 tháng năm 2020, Trung Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam với 2,17 tỉ USD, sau Singapore và Hàn Quốc. Nhưng nếu xét theo số lượng dự án mới thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với 528 dự án và thứ hai là Trung Quốc với 294 dự án.
Bộ Kế hoạch – Đầu tư đánh giá, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam trong 10 tháng qua giảm mạnh, song nhìn một cách tổng thể, nguồn vốn FDI từ Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan vào Việt Nam cũng khá ổn định. Tổng vốn FDI từ Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan vào Việt Nam trong 10 tháng qua là gần 4,9 tỉ USD, vượt mặt FDI của Nhật Bản và Hàn Quốc. Tính lũy kế từ trước đến nay, tổng vốn FDI của nhà đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan vào Việt Nam đạt trên 76 tỉ USD, vượt qua tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam từ trước tới nay (với 70,4 tỉ USD), từ Nhật Bản (gần 60 tỉ USD) và Singapore (với 55,7 tỉ USD). Trong 10 tháng qua, quy mô mỗi dự án mới từ Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam khá nhỏ chỉ bình quân khoảng 4,5 triệu USD…

Cơ hội giảm nhập siêu

Từ nhiều năm qua, dù các bộ ngành và doanh nghiệp vẫn muốn kéo giảm nhập siêu từ Trung Quốc nhưng vẫn chưa thành công. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, điều đáng lưu ý là Trung Quốc đang trong chiến dịch tái cơ cấu, máy móc thải loại rất nhiều, vậy số lượng nhập siêu tăng, đặc biệt nhập máy móc tăng mạnh có nằm trong nhóm máy móc thải loại này không?
Thứ hai, nhập siêu từ thị trường Trung Quốc luôn là vấn đề đáng lo ngại. Vì hàng hóa giá rẻ, chất lượng thấp cứ “miệt mài” tràn vào Việt Nam khiến nền công nghiệp trong nước không ngóc đầu lên được, cạnh tranh bị thất thế, đặc biệt là các ngành phụ trợ. Khi hàng giá rẻ từ Trung Quốc vào Việt Nam ồ ạt, chúng ta cứ nghĩ như kiểu con nhà nghèo, mua hàng rẻ tạm dùng khi chưa thể mua hàng giá đắt, nhưng đó là cách chúng ta chấp nhận thua ngay trên sân nhà. Nhẽ ra trong đại dịch, Việt Nam nên coi là cơ hội bứt phá, giảm lệ thuộc khi chuỗi cung ứng từ Trung Quốc bị đứt gãy, từ đó bớt nhập siêu. Đây là cơ hội cho Việt Nam thay đổi cách thức với các đối tác thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.
Không chỉ có Việt Nam, rất nhiều nước đang phát triển coi đây là cơ hội, muốn tiếp nhận chuỗi giá trị ở vị trí tốt hơn. Ấn Độ và Indonesia đã nhận được hàng loạt dự án đầu tư lớn từ làn sóng chuyển dịch đầu tư rời Trung Quốc. Việt Nam ban đầu cũng được “nhòm ngó” nhưng nhìn chung chúng ta bị chậm mất một nhịp so với các nước cạnh tranh cùng phân khúc.
Kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam – Trung Quốc
Thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc vượt mốc 100 tỉ USD - ảnh 1

NGUỒN: TỔNG CỤC THỐNG KÊ, TỔNG CỤC HẢI QUAN

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh: “Do đại dịch Covid-19 nên dòng vốn FDI có phần chững lại là điều dễ hiểu. Thế nhưng, đầu tư từ Trung Quốc tăng, nhưng không có dự án lớn, manh mún chứng tỏ Việt Nam đã được một số doanh nghiệp Trung Quốc chọn làm nơi “trung chuyển” hàng hóa sang thị trường khác. Lâu nay, Việt Nam khá khốn khổ với nhiều dự án có Trung Quốc tham gia, từ các dự án ô nhiễm môi trường, đội vốn trong làm hạ tầng, nay trong thương mại thì mua hàng chui lách, làm khó nhà nông… Vì thế, lúc này đây, cần cảnh giác cao độ với hành vi lẩn tránh xuất xứ, mượn Việt Nam để đưa hàng đi các nước thông qua các doanh nghiệp mới được thành lập vốn rất thấp nhưng xuất khẩu hàng triệu USD”.
Đồng quan điểm, GS-TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, cho rằng trong ngắn hạn, rất khó để giảm nhập siêu từ Trung Quốc bởi Việt Nam vẫn nhập rất nhiều nguyên phụ liệu về sản xuất, gia công hàng hóa và xuất sang nhiều nước khác từ Trung Quốc. Còn hàng hóa của Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc vẫn chỉ loanh quanh là hàng rau củ quả, thủy sản trong khi sản phẩm công nghiệp lại không cạnh tranh được nên giá trị chưa cao. Hàng Trung Quốc có nhiều loại rẻ hơn rất nhiều sản phẩm tại Việt Nam. Trong đó có một phần do nhân dân tệ được điều chỉnh giảm dưới giá trị thực nên hàng Trung Quốc vào đánh bại ngay cả hàng sản xuất trong nước. Ngoài ra, Trung Quốc đã không còn lợi thế về giá lao động thấp nhưng Việt Nam vẫn còn lợi thế này nên việc các dự án FDI từ Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là các ngành nghề sử dụng nhiều lao động là tất yếu. Điều này cần cân nhắc, đặc biệt với việc phân cấp cho các địa phương cấp phép dự án FDI thì phải có cơ chế chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thắt chặt hơn, chi tiết hơn.
GS-TS Võ Đại Lược phân tích: Các chính sách về FDI của Việt Nam hiện khá thông thoáng, rộng rãi với mức ưu đãi cao. Trong khi đó, các địa phương vẫn có tư tưởng chạy đua thu hút vốn FDI, giải quyết lao động tại chỗ… nên sẽ trải thảm đỏ chào mời đầu tư, bỏ qua việc xét duyệt về tác động đến môi trường, công nghệ lạc hậu. Đó là chưa nói đến việc có tiêu cực trong quá trình xét duyệt dự án, chấp thuận ưu đãi tối đa. Cần phải siết lại để lọc dự án từ Trung Quốc để bảo vệ môi trường trong nước.
MAI PHƯƠNG – NGUYÊN NGA
TNO