31/12/2024

Châu Âu bất đồng về quân đội chung

Châu Âu bất đồng về quân đội chung

Châu Âu sẽ không thể thay thế vai trò then chốt của Mỹ như một nguồn cung cấp an ninh, theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức.
Xe tăng hạng nặng Abrams của quân đội Mỹ rời cảng Antwerp, Bỉ ngày 14.11, chuẩn bị tham gia tập trận với các nước châu Âu /// Quân đội Mỹ
Xe tăng hạng nặng Abrams của quân đội Mỹ rời cảng Antwerp, Bỉ ngày 14.11, chuẩn bị tham gia tập trận với các nước châu Âu  QUÂN ĐỘI MỸ
Trong bài bình luận trên tờ Politico ngay trước ngày bầu cử Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer – người được cho là sẽ kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel, cho rằng châu Âu vẫn cần Mỹ bất kể ai sẽ đắc cử tổng thống Mỹ.
“Ảo tưởng về tự chủ chiến lược của châu Âu phải chấm dứt. Người châu Âu sẽ không thể thay thế vai trò then chốt của Mỹ như một nguồn cung cấp an ninh”, bà Kramp-Karrenbauer viết.
Đáp lại, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua 16.11 tuyên bố hoàn toàn bất đồng với ý kiến của bộ trưởng Đức, đồng thời nhấn mạnh châu Âu cần tiếp tục xây dựng quyền tự chủ của riêng mình, giống như Mỹ và Trung Quốc đang làm.
Bốn năm qua, những mâu thuẫn về mức đóng góp quốc phòng chung trong NATO đã làm nảy sinh sự hoài nghi của châu Âu về cam kết an ninh từ Mỹ. EU cũng ý thức về sự cần thiết phải tự lo liệu cho an ninh của các thành viên và ông Macron vài năm qua vận động EU thành lập lực lượng phòng thủ riêng biệt với NATO.
Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải vô vàn thách thức. Với việc Anh đã rời khỏi khối, Pháp trở thành cường quốc hạt nhân duy nhất còn lại của EU nhưng rõ ràng, nước này chưa thể là đối trọng của Nga. Bên cạnh đó, vẫn còn những thành viên khác của châu Âu chưa sẵn sàng rời NATO hoặc Mỹ. Giới quan sát nhận định dù việc châu Âu mong muốn tự thân vận động là điều rõ ràng, nhưng để thực hiện điều đó quả là không dễ.
VI TRÂN
TNO