25/12/2024

Giảm chi và đẩy mạnh chống thất thu thuế

Giảm chi và đẩy mạnh chống thất thu thuế

Dự toán của Chính phủ cho thấy năm 2021, Chính phủ có nghĩa vụ trả nợ hơn 368.000 tỉ đồng, bằng 27,4% tổng thu ngân sách.
Chi thường xuyên hiện tại với tỷ lệ 63,4% trong tổng chi ngân sách nhà nước vẫn quá cao /// Ảnh: Ngọc Thắng
Chi thường xuyên hiện tại với tỷ lệ 63,4% trong tổng chi ngân sách nhà nước vẫn quá cao  ẢNH: NGỌC THẮNG
Việc làm được 100 đồng, trả nợ hết 27 đồng khiến nhiều đại biểu Quốc hội cũng tỏ ra lo lắng sẽ ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tài chính quốc gia. Vậy liệu Chính phủ có cắt giảm chi tiêu để giảm vay nợ được hay không?
Theo Bộ Tài chính, tổng số tiết kiệm chi thường xuyên từ đầu năm đến nay đạt khoảng 17.400 tỉ đồng chỉ riêng ở trung ương. Với dự tính kinh tế có thể còn khó khăn trong vài ba năm tới, trong điều kiện cần tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng phương án, đề xuất đưa bội chi 2021 lên 5% GDP (chưa điều chỉnh), tương ứng 4% GDP đã điều chỉnh. Xét về giá trị tuyệt đối thì tổng chi ngân sách nhà nước năm 2021 giảm khoảng 58.000 – 60.000 tỉ đồng so với năm 2020, do đó vẫn phải “thắt lưng buộc bụng” trong chi thường xuyên.
Nhưng nhiều chuyên gia vẫn cho rằng chi thường xuyên hiện tại với tỷ lệ lên tới 63,4% trong tổng chi ngân sách nhà nước là vẫn quá cao.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng thực tế chi thường xuyên trong thời gian qua đã có giảm từ mức trên 70% đến năm nay xuống 63,4%. Tuy nhiên, khoản này cần phải giảm nhiều hơn nữa. Ông nói: “Năm nay, con số thực tế là số công chức giảm đi nhiều, gần 8%, còn viên chức giảm 7,56%. Nhờ đó, các khoản chi thường xuyên cũng giảm đi. Nhưng rõ ràng là cần phải giảm nữa và quyết liệt hơn thì gánh nặng nợ công mới bớt căng thẳng”.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh ví von bộ phận chỉ biết “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, công việc đảm nhận rất ít, thậm chí không có thì bộ ngành cần chủ động cắt giảm hoặc thuyên chuyển sang công việc khác để giảm bớt gánh nặng lương cho ngân sách. Ngoài ra để giảm nợ công, giảm bớt áp lực làm được 100 đồng, chi trả nợ hết 27 đồng, theo ông Thịnh, chống thất thu thuế, chống xói mòn thuế là biện pháp khá hữu hiệu nếu được làm tốt. Chuyên gia này nhấn mạnh không phải tăng thu thuế mà tăng chống thất thu đã là thành công rồi. Và ông chỉ ra những nơi đang bị thất thu thuế, làm giảm nguồn thu của quốc gia từ các hoạt động chuyển giá của các ông lớn trong và ngoài nước, từ hành vi mua bán trốn thuế, hàng lậu…
Ông cho rằng có một nghịch lý cần nhìn nhận là chúng ta đi vay tiền nước ngoài để làm hạ tầng khu công nghiệp, đường sá thật tốt để thu hút mời gọi những con đại bàng lớn đến Việt Nam làm tổ. Tuy nhiên, trong quá khứ, bài học chúng ta trả về là quá đắt khi có không ít con đại bàng này đã lợi dụng pháp lý thiếu hoặc kinh nghiệm chống chuyển giá của Việt Nam chưa cao đã chuyển giá, trốn thuế tại Việt Nam. Đầu tư 20 năm liên tiếp vẫn báo lỗ, không đóng một đồng tiền thuế nhưng chúng ta vẫn chấp nhận im lặng. Sau đó, đã có một số ông lớn bị điều tra chuyển giá… Tuy nhiên, số bị phát hiện truy thu được thuế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi gánh nặng nợ công ngày trước phải vay để làm hạ tầng thu hút vốn ngoại đã “oằn” lên vai người dân Việt.
M.PHƯƠNG – NG.NGA
TNO