Bà Trần Thị Minh Thịnh, cán bộ BHXH huyện Ân Thi (Hưng Yên) ẢNH: T.THÔNG
|
Khách hàng là những người sống quanh ta
Là một cán bộ thu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Ân Thi (BHXH tỉnh Hưng Yên), chị Trần Thị Minh Thịnh luôn trăn trở trước những hoàn cảnh khó khăn không có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT), ốm đau, đi viện chi phí có khi lên đến hàng tỉ đồng; có những già vẫn phải lao động mưu sinh, sống dựa vào con cháu từng ngày…
Chị Thịnh chia sẻ: “Tại tỉnh Hưng Yên, số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT khá thấp. Mặc dù đã áp dụng đồng bộ rất nhiều biện pháp nhưng đến năm 2018, cả tỉnh mới có 86,64% dân số tham gia BHYT và 28,9% người dân tham gia BHXH. Đối tượng người dân tham gia BHXH tự nguyện mới đạt 1.384 người, riêng tại huyện Ân Thi là 209 người. Trăn trở đó đã thôi thúc tôi tìm mọi cách để lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến với người dân”.
Mặc dù công việc chuyên môn rất bận rộn nhưng chị Thịnh vẫn dành thời gian cuối tuần, ngoài giờ hành chính để tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT đến những người dân lao động tự do. Theo chị Thịnh, đối tượng khách hàng không phải tìm ở đâu xa, chính là những người mình tiếp xúc hàng ngày như: người bán rau, bán hoa quả, kinh doanh tạp hóa…
Đặc biệt, cách thức tuyên truyền mà theo chị Thịnh hiệu quả nhất hiện nay là ứng dụng CNTT và mạng xã hội để tiếp cận khách hàng. “Tôi thường xuyên cập nhật các chính sách BHXH, BHYT trên chính trang cá nhân của mình trên Facebook, Zalo… Bài viết sẽ được chia sẻ rộng rãi tiếp cận với cộng đồng đông đảo. Người đọc có thể chỉ lướt qua, nhưng sẽ có một lúc nào đó, họ cần tư vấn về BHXH, BHYT, họ sẽ nghĩ ngay đến bài viết trên Facebook, Zalo đó”, chị Thịnh bày tỏ.
Với đam mê công việc, chị Thịnh đã lan tỏa chính sách an sinh xã hội, đem đến giá trị nhân văn cho nhiều người, giúp người dân hiểu tham gia BHXH tự nguyện là một quyển sổ tiết kiệm an toàn nhất cho tương lai. Năm 2019, chị Trần Thị Minh Thịnh đã vận động được 185 người tham gia BHXH tự nguyện (gấp 15,4 lần chỉ tiêu đề ra), góp phần nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện của toàn huyện Ân Thi lên 1.391 người (tăng 6,6 lần so với năm 2018) và toàn tỉnh là 8.730 người (tăng 6,3 lần so với năm 2018), đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong công tác tuyên truyền và vận động người dân.
Chị Thịnh bộc bạch: “Tôi rất vui vì niềm đam mê, tâm huyết của mình đã lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều đồng nghiệp, nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT trên địa bàn…Họ tiếp tục cùng tôi tích cực “truyền lửa” để đưa chính sách BHXH, BHYT đến với người dân”.
Đi từng ấp, xuống khóm vận động bà con
Tính đến cuối năm 2018, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện U Minh (Cà Mau) chỉ có 243 người. Là giám đốc BHXH huyện U Minh, ông Phan Văn Rí đã trăn trở, nghiên cứu tìm giải pháp hiệu quả. “Tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện của huyện rất thấp do công tác tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng dân cư gặp rất nhiều khó khăn. Tôi nhận thấy, để tuyên truyền, vận động người dân hiệu quả thì phải bám sát đối tượng và tuyên truyền trực tiếp tại từng ấp, từng khóm”, ông Rí nói .
Ông Phan Văn Rí, Giám đốc BHXH huyện U Minh (Cà Mau) ẢNH: T.THÔNG
|
Với phương châm đó, từ tháng 3.2019, ông Rí đã chủ động phối hợp với Bưu điện huyện, UBND xã Khánh Thuận xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền, triển khai BHXH tự nguyện tại địa bàn các ấp theo 3 bước: mời cán bộ xã, các tổ chức đoàn thể triển khai kế hoạch phối hợp giữa UBND xã, BHXH huyện, Bưu điện huyện, ký kết giao ước thi đua theo chỉ tiêu dân số của từng ấp, khóm; phát thư mời, phát loa tuyên truyền, chọn đối tượng, tư vấn cho nhân dân hiểu về chế độ chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước; đi từng ấp, khóm theo lịch đối thoại, tư vấn trực tiếp với nhân dân tại ấp, khóm; hướng dẫn cho nhân dân đăng ký tham gia, thu tiền, phát sổ BHXH trực tiếp.
Kết quả, sau 4 ngày triển khai tại 15 ấp của xã Khánh Thuận đã có khoảng 230 người tham gia BHXH tự nguyện. Từ kết quả đó, BHXH huyện tiếp tục chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn còn lại trong huyện và Bưu điện huyện để triển khai.
Tính đến ngày 30.10.2019, phương pháp tuyên truyền này được thực hiện tại 8/8 xã, thị trấn, với 98/98 ấp, khóm, từ đó đã vận động được 1.463 người tham gia BHXH tự nguyện. Ông Rí chia sẻ: “Mặc dù có tháng mưa dầm không triển khai được kế hoạch tuyên truyền tại địa bàn dân cư, nhưng do nhận thức được đầy đủ chính sách BHXH nên người dân đã tự tuyên truyền, vận động nhau đăng ký tham gia BHXH tự nguyện khiến số người đăng ký tham gia tiếp tục tăng”.
Tính hết tháng 8.2020, toàn huyện có thêm 900 người tham gia mới, nâng tổng số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện là 2.296 người, tăng 751 người so với cuối năm 2019 (bình quân mỗi tháng tăng 150 người).
Theo ông Rí, bên cạnh việc vận động, phát triển được người dân tham gia BHXH tự nguyện thì làm sao để quản lý tốt đảm bảo đối tượng tham gia tái tục cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Mỗi cán bộ BHXH phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, để người dân thấy được chính sách BHXH, BHYT là chính sách ưu việt của Đảng và nhà nước nên yên tâm, tin tưởng tham gia. Ông Rí cho biết: “Thời gian tới, tôi tiếp tục chủ động phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn và Bưu điện huyện triển khai, đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện tới từng ấp, khóm và người dân, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, góp phần vào công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện”.