Mỹ – Ấn tăng cường liên thủ đối phó Trung Quốc
Mỹ – Ấn tăng cường liên thủ đối phó Trung Quốc
Hôm nay, Mỹ và Ấn Độ có cuộc đối thoại chiến lược 2+2, được giới chuyên gia quốc tế đánh giá như một động thái tăng cường hợp tác để đối phó Trung Quốc.
Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo công du một loạt quốc gia gồm Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Indonesia từ ngày 25 – 30.10.
Trong đó, từ ngày 26 – 27.10 tại Ấn Độ, ông Pompeo cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper có cuộc đối thoại chiến lược 2+2 với 2 người đồng cấp chủ nhà là Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar và Bộ trưởng Rajnath Singh.
Bối cảnh căng thẳng
Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích bối cảnh về cuộc đối thoại trên.
Đối tác chiến lược mạnh mẽ của Ấn Độ
Xung quanh đối thoại chiến lược 2+2 Mỹ – Ấn, Thanh Niên cũng đã phỏng vấn TS Raji Rajagopalan (ảnh, chuyên gia tại Quỹ nghiên cứu quan sát (ORF) ở Ấn Độ).
Bà nghĩ thế nào về quan hệ giữa Ấn Độ với Mỹ trong thời gian qua?
Quan hệ 2 nước đã đi một chặng đường dài và Mỹ là một trong các đối tác chiến lược mạnh mẽ nhất của Ấn Độ hiện nay. Hai bên đã thiết lập quan hệ quốc phòng và an ninh bền chặt nhờ nhận thức chung về mối đe dọa và sự cần thiết của một trật tự chiến lược dựa trên luật lệ quốc tế ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Với việc hai bên sẽ ký thêm hiệp định quốc phòng quan trọng, cụ thể là có Hiệp định Hợp tác cơ bản và trao đổi (BECA), quan hệ hợp tác hai nước sẽ hiệu quả hơn. Hai bên chẳng những hợp tác song phương mà còn cùng tham gia các hợp tác 3 bên, 4 bên và với nhiều quốc gia khác.
Quan hệ hợp tác đó tác động thế nào đến Indo-Pacific?
Quan hệ Ấn – Mỹ được thúc đẩy rất nhiều bởi sự phát triển chung của Indo-Pacific. Với việc cả New Delhi và Washington cùng kiên quyết theo đuổi một trật tự dựa trên luật lệ quốc tế ở Indo-Pacific sẽ thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề về chủ quyền trong khu vực, điển hình là vấn đề Biển Đông.
“Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, Trung Quốc đã lợi dụng thời cơ để khiêu khích nhiều nước. Gần đây, các mục tiêu mà Bắc Kinh có nhiều hoạt động gây căng thẳng là Đài Loan và biên giới Ấn Độ – Trung Quốc. Tình hình vẫn đang rất căng thẳng”, TS Nagao chỉ ra.
Cụ thể, máy bay chiến đấu của Trung Quốc đại lục vẫn liên tục tiến vào không phận của Đài Loan để gây sức ép với Đài Bắc. Bên cạnh đó, Trung Quốc liên tục triển khai các loại tên lửa tấn công và máy bay ném bom ở khu vực gần biên giới với Ấn Độ. Bắc Kinh đã điều động oanh tạc cơ chiến lược H-6 có thể mang theo tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo Đông Phong 21 (DF-21) đến khu vực vừa nêu. Trong đó, tên lửa hành trình DF-21 được cho là có khả năng tích hợp các loại đầu đạn mà Mỹ hay Nhật Bản không thể đánh chặn bằng hệ thống phòng thủ hiện có. Ở căn cứ không quân Hòa Điền (tỉnh Tân Cương), gần biên giới với Ấn Độ, Trung Quốc cũng đã triển khai các loại máy bay chiến đấu J-11 và J-16. Cũng tại căn cứ Hòa Điền, nhiều loại máy bay quân sự khác như máy bay trinh sát điện tử Y-8G, máy bay cảnh báo sớm KJ-500, máy bay không người lái CH-4… đều đã có mặt. Thậm chí, Bắc Kinh còn điều động cả chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-20 đến khu vực biên giới Ấn Độ – Trung Quốc, được hỗ trợ thêm bằng tên lửa phòng không S-300.
Để đáp lại các động thái của Trung Quốc, Ấn Độ cũng liên tục thử nghiệm tên lửa. Đầu tháng 9, New Delhi thử nghiệm loại tên lửa bội siêu thanh có đầu đạn tương tự các loại tên lửa Đông Phong 17 (DF-17), DF-21 hay Đông Phong 26 (DF-26). Đến cuối tháng 9, Ấn Độ thử nghiệm thành công phiên bản mở rộng tầm bắn của tên lửa hành trình siêu thanh đối hạm BrahMos với tầm bắn được nâng từ mức 290 km hiện nay lên 400 km. Đầu tháng 10, Ấn Độ thử nghiệm tên lửa tấn công mặt đất Shaurya có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Cũng vào tháng 10, Ấn Độ thử nghiệm một số loại tên lửa khác, như tên lửa đạn đạo Prithvi-2 có tầm bắn 350 km.
Sự căng thẳng thể hiện rất rõ qua lời phát biểu của Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đưa ra, trong một hội nghị trực tuyến diễn ra ngày 16.10, rằng: “Hiện có một lực lượng quân sự hùng hậu với nhiều loại vũ khí của Trung Quốc đang tập trung ở khu vực biên giới. Đó rõ ràng là một thách thức lớn về an ninh”.
Hợp tác đối phó
Trong bối cảnh như vậy, Mỹ từ sớm có động thái song hành cùng Ấn Độ. Gần đây, tờ The Indian Express dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng chỉ trích: “Trung Quốc đã điều động lực lượng khoảng 60.000 binh sĩ nhằm vào Ấn Độ”. Qua đó, ông cho biết Washington cần tăng cường hợp tác với New Delhi để đối phó.
Mỹ thành lập thêm phi đội F-35B ở Indo-Pacific
Theo trang web của quân chủng thủy quân lục chiến Mỹ, kế hoạch chuyển đổi từ các tiêm kích F/A-18 Hornet sang tiêm kích F-35B ở Indo-Pacific vừa đạt bước tiến mới, với phi đội F-35B thứ 2 vừa được thành lập tại căn cứ Iwakuni (Nhật Bản). Trước đó, phi đội F-35B đầu tiên được điều đến căn cứ này vào tháng 1.2017.
Việc bổ sung phi đội mới nằm trong thỏa thuận giữa Mỹ và chính phủ Nhật, và diễn ra theo kế hoạch về không lực thường niên của thủy quân lục chiến.
Khánh An
Bằng hành động cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ đã đến thăm Nhật và Ấn Độ ngay trong tháng 10, tham gia cuộc đối thoại chiến lược 2+2 Mỹ – Ấn Độ. Sau đó, Washington và New Delhi dự kiến sẽ ký kết Thỏa thuận chia sẻ kỹ thuật thông tin hàng hải (MISTA).
Hiện nay, cả 4 thành viên của “bộ tứ kim cương” gồm Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ đều đã ký kết song phương với nhau về thỏa thuận “Thu nhận và dịch vụ tương hỗ” (ACSA) hoặc thỏa thuận “Hỗ trợ hậu cần” (LEMOA). Hai thỏa thuận này giống nhau, cho phép quân đội của các nước tham gia thỏa thuận có thể tiếp cận căn cứ quân sự của nhau, hỗ trợ tiếp nhiên liệu, chia sẻ hậu cần, vận tải (bao gồm cả vận tải đường không), hệ thống thông tin liên lạc…
Không những vậy, Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (G-SOMIA) cũng đã được ký kết song phương giữa các nước: Mỹ – Nhật Bản, Mỹ – Ấn Độ, Mỹ – Úc, Nhật Bản – Ấn Độ. Vì thế, bên cạnh G-SOMIA, MISTA sẽ càng tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin quân sự, đặc biệt trên biển, giữa Mỹ và Ấn Độ.
NGÔ MINH TRÍ
TNO