Hiệu ứng hạn chế của thành quả ngoại giao mới Mỹ – Israel
Hiệu ứng hạn chế của thành quả ngoại giao mới Mỹ – Israel
Sudan là thành viên mới của thế giới Ả Rập thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Israel.
Việc đích thân Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên cáo sự kiện này như thể xác nhận gián tiếp những đồn thổi rằng Washington gây áp lực buộc Sudan công nhận nhà nước Israel để đổi lấy việc được đưa ra khỏi danh sách các nước bị Mỹ coi là khủng bố hoặc hậu thuẫn khủng bố. Dĩ nhiên, Mỹ chỉ tuyên bố động thái của Mỹ là do chính quyền mới ở Sudan chấp nhận trả 335 triệu USD bồi thường cho các nạn nhân người Mỹ bị tổn hại trong các hoạt động khủng bố của Sudan.
Mỹ và Israel có thêm thành quả ngoại giao mới. Trong quan hệ với Israel và trong việc ủng hộ cuộc đấu tranh của Palestine, sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ thế giới Ả Rập bị phân hóa thêm. Ông Trump có thêm bằng chứng để biện luận và quảng bá cho chiến lược của mình đối với khu vực Trung Đông và vùng Vịnh, bao gồm vấn đề Israel – Palestine.
Tuy nhiên, sự kiện này chỉ có tác dụng hạn chế đối với cả Mỹ và Israel, bởi Sudan chỉ là thành viên với vai trò và ảnh hưởng rất nhỏ nhoi trong thế giới Ả Rập. Việc Sudan theo Bahrain và UAE công nhận nhà nước Israel không đủ để tạo nên cú hích quyết định mới thúc đẩy các thành viên khác của thế giới Ả Rập bình thường hóa quan hệ với Israel.
Ở Mỹ, thành quả ngoại giao này không giúp ích được nhiều cho ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay vì chuyện đối ngoại gần như không giữ vai trò gì lớn. Dù vậy, nếu tái đắc cử, ông Trump chắc chắn sẽ tiếp tục chiến lược này. Còn nếu ông thất cử thì ít nhất cũng đã để lại được một dấu ấn và di sản về đối ngoại.
PHAM LỮ
TNO