28/12/2024

Học sinh chọn ngành ra sao?: Trầy trật những ngành học khó tuyển sinh

Học sinh chọn ngành ra sao?: Trầy trật những ngành học khó tuyển sinh

Thí sinh chọn lựa ngành học theo thực tế xã hội, theo số đông khiến bên cạnh những ngành thời thượng thu hút người học vẫn có một số ngành học dù rất cần thiết cho xã hội nhưng không tuyển sinh được.
Thí sinh trúng tuyển nộp hồ sơ vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Trường này cũng có 2 ngành khó tuyển sinh /// ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Thí sinh trúng tuyển nộp hồ sơ vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Trường này cũng có 2 ngành khó tuyển sinh ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngừng tuyển sinh

Năm nay, Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM dừng tuyển sinh 2 ngành là công nghệ vật liệu và khoa học thủy sản do thí sinh (TS) đăng ký vào 2 ngành này quá ít. Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông nhà trường, các năm trước, 2 ngành này đều tuyển sinh khó khăn. Ngành khoa học thủy sản mới tuyển sinh 2 năm nhưng không thu hút được TS. Ngành công nghệ vật liệu tách ra từ khoa hóa học, những tưởng sẽ được TS quan tâm nhưng cũng lâm vào tình trạng tương tự. Ban đầu, trường dự tính chỉ tạm dừng tuyển sinh năm nay nhưng từ tình hình thực tế, có thể phải ngưng tuyển sinh luôn.
“Sinh viên học ngành công nghệ vật liệu ra trường không thiếu việc làm. Các doanh nghiệp đều rất quan tâm. Tuy nhiên, có thể công việc ở xa thành phố nên các em ngại đăng ký học. Đóng cửa ngành này là một điều rất đáng tiếc!”, thạc sĩ Phạm Thái Sơn chia sẻ.

Những ngành có tỷ lệ tuyển sinh thấp

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2019, có 5 nhóm ngành ĐH tỷ lệ tuyển sinh thấp nhất trong toàn hệ thống gồm: nông lâm nghiệp và thủy sản (tỷ lệ nhập học đạt 32,6%), khoa học tự nhiên (34,58%), môi trường và bảo vệ môi trường (45,28%), dịch vụ xã hội (45,71%) và khoa học sự sống (50,04%).

Trước mùa tuyển sinh năm 2020, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã công bố ngừng tuyển sinh 5 ngành, gồm: khoa học môi trường, kỹ thuật điện, điện tử – viễn thông, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, thiết kế công nghiệp. Thay vào đó, trường tuyển sinh mới các ngành y đa khoa, hộ sinh, cử nhân sức khỏe răng miệng, digital marketing, quản lý tài nguyên và môi trường, kỹ thuật y sinh, quản lý công nghiệp, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, kỹ thuật cơ điện tử, kỹ thuật hạ tầng đô thị. Theo lãnh đạo nhà trường, việc dừng tuyển sinh các ngành là do TS ít quan tâm trong những năm gần đây.

Thí sinh thờ ơ

Theo thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, trong đợt xét tuyển vừa qua có 2 ngành của trường tuyển được ít sinh viên là địa chất học và hải dương học (mỗi ngành tuyển được khoảng 20 người).
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng cho biết các ngành tại trường có thể chia làm 3 nhóm. Nhóm đầu tiên là những ngành rất “hot”, có TS đăng ký đông và tỷ lệ chọi rất cao như nhóm ngành liên quan công nghệ, kỹ thuật, thú y, công nghệ sinh học… Thứ hai là nhóm có các ngành lấy mức điểm vừa phải. Thứ ba là một số ngành khó tuyển như lâm nghiệp, chế biến lâm sản, lâm nghiệp đô thị, quản lý tài nguyên rừng, khoa học môi trường.
Theo thạc sĩ Phùng Quán, trước đây 2 ngành địa chất học và hải dương học được nhà nước hỗ trợ về kinh phí để đào tạo. Tuy nhiên, từ năm nay, trường không nhận được kinh phí hỗ trợ nữa. Mặc dù ít sinh viên, lãnh đạo nhà trường vẫn quyết giữ lại 2 ngành này vì đây là những ngành khoa học cơ bản rất cần thiết, xã hội vẫn cần. Sinh viên các ngành này sẽ học chung với sinh viên các ngành khác trong giai đoạn đại cương. Đến khi vào giai đoạn chuyên ngành, trường sẽ có cách sắp xếp đào tạo hợp lý. “Một lý do khác để duy trì ngành học là trong trường ĐH, không chỉ có nhiệm vụ giảng dạy mà còn nghiên cứu”, thạc sĩ Phùng Quán chia sẻ.
ĐĂNG NGUYÊN
TNO