30/12/2024

Thế trận tàu sân bay của liên minh ‘NATO châu Á’ ở Biển Đông

Thế trận tàu sân bay của liên minh ‘NATO châu Á’ ở Biển Đông

Những gì diễn ra thời gian qua đã thể hiện rõ nét hơn về thế trận tàu sân bay ở Biển Đông được hình thành bởi “bộ tứ kim cương” – vốn đang được Mỹ thúc đẩy như một liên minh NATO phiên bản châu Á.
Thực lực tàu sân bay ở Biển Đông và khu vực xung quanh /// Đồ họa: Phát Tiến
Thực lực tàu sân bay ở Biển Đông và khu vực xung quanh  ĐỒ HỌA: PHÁT TIẾN

Từ hải trình răn đe

Hôm qua 16.10, hải quân Mỹ công bố nhóm tác chiến tàu sân bay của nước này Ronald Reagan đến Biển Đông. Trước khi đến Biển Đông, nhóm tác chiến tàu sân bay này hồi tháng 9 đã có nhiều hoạt động ở biển Philippines, rồi có các hoạt động phối hợp ở Ấn Độ Dương. Vừa qua, từ Ấn Độ Dương, nhóm chiến hạm vượt eo biển Malacca để tiến vào Biển Đông.

Thế trận tàu sân bay của liên minh ‘NATO châu Á’ ở Biển Đông - ảnh 1

Chiến đấu cơ đa nhiệm F/A-18E Super Hornet trên tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Biển Đông ngày 15.10.2020  HẢI QUÂN MỸ

Thông báo của hải quân Mỹ được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đưa tin tàu sân bay trực thăng JS Kaga được hộ tống bởi tàu khu trục JS Ikazuchi vừa có cuộc tập trận với tàu khu trục USS John McCain và tàu tiếp dầu USNS Tippecanoe của Mỹ cũng tại Biển Đông.

Trước đó, 2 chiến hạm JS Kaga và JS Ikazuchi bắt đầu từ Nhật Bản, đi qua Biển Đông và tập trận với hải quân Úc tại đây từ ngày 13-17.9, rồi tập trận chung với hải quân Ấn Độ và Sri Lanka ở Ấn Độ Dương. Sau đó, 2 chiến hạm JS Kaga và JS Ikazuchi quay về, kết hợp cùng tàu ngầm Shoryu (Nhật) tập trận chống ngầm ở Biển Đông, rồi tiếp tục tập trận cùng tàu Mỹ cũng tại đây.

Như thế, 2 hải trình của nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan và nhóm tàu JS Kaga khá giống nhau, cũng là từ vùng tây Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương rồi quay về Biển Đông.

Trả lời Thanh Niên, TS.Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét hải trình trên “không chỉ thể hiện thông điệp từ Nhật Bản mà còn là thông điệp chung của “bộ tứ kim cương” gồm Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ về sự hợp tác toàn diện ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific)”.

“Đầu tháng 10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng đề cập việc xây dựng một liên minh NATO ở châu Á để thể chế hóa “bộ tứ kim cương”. Hải trình lần này của JS Kaga phần nào thể hiện được bóng dáng của một liên minh như vậy, dù “NATO châu Á” có thể không hoàn toàn giống NATO hiện tại ở Đại Tây Dương”, TS.Nagao nhận xét thêm.

Lực lượng tàu sân bay hùng hậu

Thực tế, “bộ tứ kim cương” Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ đang có mạng lưới tàu sân bay khá hùng mạnh tại Indo-Pacific. Và các diễn biến trên cho thấy bộ tứ này sẵn sàng điều động tàu sân bay hoạt động ở Biển Đông để răn đe Trung Quốc.

Washington đang vận hành 10 chiếc tàu sân bay lớp Nimitz và 1 chiếc lớp Gerald Ford, chưa kể chiếc thứ 2 thuộc lớp Gerald Ford sắp được biên chế. Lâu nay, Mỹ thường xuyên duy trì 1 – 2 tàu sân bay hoạt động ở vùng biển Thái Bình Dương và một vài chiếc khác ở khu vực Ấn Độ Dương. Gần đây, có thời điểm, Mỹ đã điều động đến 3 tàu sân bay hoạt động ở Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, trả lời Thanh Niên, TS.James Holmes (Đại học Hải chiến Mỹ) từng nhận xét: “Có những tín hiệu khác quanh việc củng cố sức mạnh tác chiến kiểu tàu sân bay ở vùng biển trong khu vực. Cụ thể như Mỹ đang đẩy mạnh việc vận hành tàu đổ bộ tấn công được trang bị chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35B”.

Thế trận tàu sân bay của liên minh ‘NATO châu Á’ ở Biển Đông - ảnh 2

Tàu sân bay JS Kaga (ngoài cùng bên phải) tập trận cùng các tàu chiến ở Biển Đông ngày 12.10.2020  HẢI QUÂN MỸ

Đến nay, Washington đều đã triển khai F-35B vận hành cùng tàu tấn công đổ bộ thuộc lớp America và Wasp để gần như đã nâng cấp lực lượng hải quân có đến hơn 20 tàu có thể tác chiến như tàu sân bay. Thời gian qua, tàu USS America thuộc lớp America liên tục hoạt động ở tây Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng. Tàu USS America còn có nhiều hoạt động nhằm răn đe tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông.

Không chỉ Mỹ, Nhật Bản cũng đang nâng cấp hạm đội để triển khai tàu sân bay. JS Kaga và JS Izumo thuộc lớp Izumo, ban đầu vốn chỉ là tàu khu trục mang theo máy bay trực thăng, nhưng từ năm 2018, Tokyo đã xúc tiến kế hoạch nâng cấp chiến hạm lớp Izumo trở thành hàng không mẫu hạm đích thực hoạt động cùng với chiến đấu cơ F-35B. Đến nay, chiếc JS Kaga gần như đã chính thức trở thành tàu sân bay.

Tại phía nam Thái Bình Dương, Úc cũng đang sở hữu sức mạnh tương tự với 2 chiến hạm thuộc lớp Canberra là HMAS Canberra và HMAS Adelaide. Lớp tàu này có chiều dài khoảng 230 m, độ choán nước toàn tải xấp xỉ 27.000 tấn nên hoàn toàn có thể mang theo và triển khai tác chiến với F-35B. Úc cũng là đối tác của Mỹ trong chương trình F-35 và đang trong quá trình tiếp nhận loại tiêm kích tối tân này.

Thuộc “bộ tứ kim cương”, Ấn Độ đang vận hành 2 tàu sân bay là INS Vikramaditya và INS Vikrant có độ choán nước xấp xỉ 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của Trung Quốc. Tuy nhiên, bằng việc sử dụng chiến đấu cơ Mig-29 có tổng trọng lượng cất cánh chỉ khoảng 18 tấn, tàu sân bay Ấn Độ đang có khả năng tác chiến khá tốt. Bên cạnh đó, New Delhi đang có kế hoạch đóng thêm tàu sân bay thứ 3.

Như vậy, trong thế trận tàu sân bay ở Biển Đông, thì lực lượng của “NATO châu Á” đang chiếm ưu thế vượt trội so với Trung Quốc.

PHÁT TIẾN

TNO