Việt Nam phản đối doanh nghiệp Trung Quốc ở Trường Sa và Hoàng Sa
Việt Nam phản đối doanh nghiệp Trung Quốc ở Trường Sa và Hoàng Sa
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 15-10 phản đối cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’ mà Trung Quốc áp đặt phi pháp cho các thực thể ở Biển Đông, liên quan tới thông tin khoảng 400 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Trường Sa và Hoàng Sa.
“Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Hành động này không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình ở Biển Đông, khu vực và thế giới”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói tại cuộc họp báo ngày 15-10.
Tam Sa là khái niệm được Trung Quốc đưa ra từ ngày 24-7-2012, đề cập tới một thành phố ở Biển Đông gồm Tây Sa, Nam Sa, và Trung Sa, được Trung Quốc coi như trực thuộc tỉnh Hải Nam của nước này, và đặt chính quyền ở đảo Phú Lâm (thuộc Hoàng Sa của Việt Nam).
Trên thực tế, đây là cách Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, vì “thành phố Tam Sa” này chính là những khu vực Trung Quốc chiếm đóng và tuyên bố trái phép.
Tây Sa chính là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Nam Sa là tên Bắc Kinh gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam, còn Trung Sa là bãi Macclesfield.
Hồi tháng 9 qua, Sáng kiến Minh bạch hàng hải (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS, Mỹ) đăng bài viết về các hoạt động của Trung Quốc ở cái gọi là “Tây Sa”, trong đó cho thấy từ năm 2012, nơi đây đã có hơn 400 doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động.