04/01/2025

Châu Âu gồng mình trước làn sóng Covid-19 thứ hai

Châu Âu gồng mình trước làn sóng Covid-19 thứ hai

Chính phủ các nước châu Âu đang thực thi những biện pháp giới hạn mới và kêu gọi người dân hãy “hy sinh” nếu muốn chống trả trước sự tấn công của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.
Trong cuộc họp của nghị viện Áo ngày 14.10, Thủ tướng Sebastian Kurz và tất cả người tham gia phải đeo khẩu trang, giãn cách bằng vách ngăn để phòng Covid-19 /// AFP
Trong cuộc họp của nghị viện Áo ngày 14.10, Thủ tướng Sebastian Kurz và tất cả người tham gia phải đeo khẩu trang, giãn cách bằng vách ngăn để phòng Covid-19 AFP
Châu Âu đã ghi nhận 700.000 ca Covid-19 mới trong tuần qua, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, theo AFP dẫn nguồn Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trước áp lực dịch bệnh trở lại, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm qua triển khai biện pháp “phong tỏa một phần” trên toàn quốc, đặc biệt tại hai điểm nóng là Amsterdam và Rotterdam. Theo Đài France 24, mọi hoạt động giải trí về đêm đều bị “đóng băng”, cấm bán rượu sau 20 giờ. Việc tụ tập ở các địa điểm công cộng ngoài trời giới hạn ở mức 4 người và bắt buộc đeo khẩu trang đối với người từ 13 tuổi trở lên, trong khi mỗi hộ gia đình chỉ được tiếp không quá 3 người khách/ngày.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cũng ra lệnh đóng cửa các quán bar và quán rượu ở những khu vực bị dịch hoành hành nặng nhất, theo Reuters. Bắc Ireland quyết định đóng cửa trường học trong 2 tuần, và CH Czech cũng thi hành biện pháp tương tự từ hôm qua.
Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron lên kế hoạch siết chặt các biện pháp phòng dịch, với Paris và những thành phố khác có thể bị áp lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Còn Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki trở thành nhà lãnh đạo mới nhất trên thế giới buộc phải cách ly sau khi tiếp xúc người mắc Covid-19. Số ca bệnh mới trong ngày ở nước này hôm qua cũng tăng lên mức kỷ lục là 6.526 ca trong vòng 24 giờ.
Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới đã thông qua gói ứng cứu trị giá 12 tỉ USD (278.119 tỉ đồng), trong nỗ lực hỗ trợ các quốc gia đang phát triển mua và phân phát vắc xin Covid-19, cũng như mở rộng xét nghiệm cho người dân. Liên quan vắc xin, Hãng dược Eli Lilly của Mỹ tuyên bố hoãn giai đoạn 3 của chương trình thử nghiệm liệu pháp điều trị bằng kháng nguyên, nhưng không cho biết lý do. Một ngày trước, Johnson & Johnson cũng phải tạm ngưng thử vắc xin sau khi có người tham gia thử nghiệm gặp vấn đề về sức khỏe.
Một tin tức tích cực là siêu máy tính Fugaku của Nhật Bản vừa phát hiện độ ẩm cao có thể giảm đáng kể nguy cơ lây lan vi rút SARS-CoV-2 trong không khí. Từ đó, nhóm chuyên gia của Đại học Kobe và Viện Nghiên cứu Riken rút ra kết luận rằng máy tạo độ ẩm có thể giới hạn sự phân tán vi rút trong môi trường khép kín, không thoáng gió.
Thiệt hại 28.000 tỉ USD
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tổng thiệt hại do Covid-19 gây ra có thể tăng lên 28.000 tỉ USD trong giai đoạn 2020 – 2025, theo AFP. Dịch bệnh có thể đảo ngược những tiến bộ trong cuộc chiến chống đói nghèo mà thế giới đạt được trong 30 năm qua. Trong đó, Iran đang nằm trong diện khó khăn vì phải chật vật đối phó làn sóng thứ ba và cũng là đợt tấn công mạnh nhất kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu.
THUỴ MIÊN
TNO