01/01/2025

8 nước ký kết hiệp ước thám hiểm mặt trăng, vắng bóng Trung Quốc, Nga

8 nước ký kết hiệp ước thám hiểm mặt trăng, vắng bóng Trung Quốc, Nga

NASA công bố 8 nước ký Hiệp ước Artemis với nội dung về các nguyên tắc trong thám hiểm mặt trăng và vũ trụ.
Hình ảnh mô phỏng con người xây dựng các công trình nghiên cứu trên mặt trăng /// NASA
Hình ảnh mô phỏng con người xây dựng các công trình nghiên cứu trên mặt trăng NASA
Theo AFP ngày 14.10, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết 8 nước đã ký kết thỏa thuận quốc tế mang tên Hiệp ước Artemis bao gồm các nguyên tắc cho những chuyến thám hiểm mặt trăng và vũ trụ trong tương lai.
Hiệp ước mở đường cho các nước tham gia chương trình Artemis của NASA với mục tiêu đưa con người trở lại mặt trăng trước năm 2024 và lên các hành tinh xa hơn. Các nước thành viên gồm Anh, Canada, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Luxembourg, Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ý.
“Artemis sẽ là chương trình quốc tế đưa người thám hiểm vũ trụ rộng rãi và đa dạng nhất trong lịch sử, và Hiệp ước Artemis là phương tiện giúp thành lập liên minh toàn cầu độc nhất này”, theo ông Jim Bridenstine đứng đầu NASA.
“Với việc ký kết hôm nay, chúng tôi đang thống nhất với các đối tác về thám hiểm mặt trăng và thiết lập các nguyên tắc quan trọng nhằm tạo một không gian an toàn, hòa bình và thịnh vượng trong tương lai để tất cả nhân loại hưởng thụ”, ông phát biểu.
NASA trước đó nhấn mạnh nhu cầu hợp tác quốc tế nhằm hiện diện ổn định trên mặt trăng, làm cơ sở để đưa người thám hiểm sao Hỏa. Cơ quan này hy vọng sẽ lấy được băng từ cực nam của mặt trăng làm nước uống cũng như tách phân tử làm nhiên liệu cho tên lửa phục vụ các sứ mệnh thám hiểm xa hơn.
Bên cạnh đó, NASA còn dự định thành lập trạm không gian trên quỹ đạo mặt trăng, mang tên Gateway.
Hiệp ước Artemis củng cố và tiếp tục thực thi Hiệp ước Không gian 1967 và được chia làm 10 nhóm nguyên tắc. Chẳng hạn như các nước thành viên cam kết tuân thủ thám hiểm hòa bình và minh bạch, tạo các hệ thống phần cứng mà mọi thành viên có thể vận hành được.
Các nguyên tắc khác có nội dung về việc hỗ trợ nhau trong trường hợp khẩn cấp, công khai dữ liệu khoa học, bảo tồn di sản vũ trụ và có kế hoạch xử lý rác thải vũ trụ một các an toàn.
Thông tin được đưa ra sau khi Tổng giám đốc Cơ quan vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin cho rằng trạm Gateway trên mặt trăng “lấy Mỹ làm trung tâm quá mức”, nên Nga “có khả năng không tham gia quy mô lớn”. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chưa ký kết Hiệp ước Artemis.
KHÁNH AN
TNO