10/01/2025

WHO: Tạo miễn dịch cộng đồng kiểu cho lây tràn lan là ‘phi đạo đức’

WHO: Tạo miễn dịch cộng đồng kiểu cho lây tràn lan là ‘phi đạo đức’

Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phản đối đề xuất của một số người nên để cho COVID-19 lây lan với hi vọng có thể có được miễn dịch cộng đồng. Ông nhấn mạnh cái gọi là “chiến lược thực tế” thực chất là “phi đạo đức”.

 

WHO: Tạo miễn dịch cộng đồng kiểu cho lây tràn lan là phi đạo đức - Ảnh 1.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus – Ảnh: AFP

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 12-10, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh miễn dịch cộng đồng là điều mà bất kỳ ai cũng muốn khi đối mặt với dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo ông Tedros, các quan chức y tế chỉ muốn đạt được trạng thái lý tưởng này thông qua việc tiêm chủng chứ không phải để lây nhiễm tràn lan.

Việc đạt được miễn dịch cộng đồng, theo người đứng đầu WHO, còn tùy thuộc vào căn bệnh đó là gì và có vắc xin hay chưa. Ví dụ, đối với bệnh sởi, phải 95% dân số được tiêm vắc xin thì mới tạo ra được miễn dịch cộng đồng.

“Chưa bao giờ trong lịch sử y tế công cộng, miễn dịch cộng đồng được sử dụng như một chiến lược để đối phó với một đợt bùng phát dịch bệnh, huống hồ là một đại dịch.

Đề xuất này có vấn đề về khoa học và đạo đức. Việc cho phép một virus nguy hiểm mà chúng ta chưa hiểu rõ hoàn toàn lây lan tự do rõ ràng là trái đạo đức. Đó không phải là một lựa chọn”, ông Tedros khẳng định trong buổi họp báo.

Theo ước tính của tổng giám đốc WHO, hiện chỉ mới có 10% dân số thế giới có khả năng miễn dịch với SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19. Hiện vẫn chưa có vắc xin nào được cấp phép sử dụng rộng rãi trên thế giới.

Các số liệu báo cáo lên WHO từ châu Âu và châu Mỹ trong 4 ngày qua cho thấy tình hình tại các châu lục này đang có chiều hướng phức tạp. Số ca mắc COVID-19 mỗi ngày tại một số nước châu Âu và châu Mỹ đã tăng kỷ lục trong những ngày vừa qua, theo Hãng thông tấn AP.

Tính đến sáng 13-10, đại dịch COVID-19 đã lây nhiễm cho hơn 38 triệu người, trong đó có hơn 1 triệu người đã chết và 28,5 triệu người đã được chữa khỏi. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới, kế đến là Ấn Độ, Brazil và Nga.

Trung Quốc, nơi bùng phát dịch đầu tiên, ghi nhận tổng cộng hơn 85.500 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và hiện chỉ còn 230 ca nhiễm đang điều trị tính đến cuối ngày 12-10.

BẢO DUY
TTO