24/11/2024

Rà soát quy hoạch là việc của Nhà nước, sao lại để người dân chờ đợi ?

Rà soát quy hoạch là việc của Nhà nước, sao lại để người dân chờ đợi ?

Đó là cảm xúc mà những người sống trong vùng quy hoạch treo chia sẻ tại tọa đàm “Tháo treo cho đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới” do báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (13.10).

 

 

Tọa đàm "Tháo treo cho đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới" /// Ảnh: Độc Lập
Tọa đàm “Tháo treo cho đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới” ẢNH: ĐỘC LẬP

Chưa kịp mừng, mất 3 năm vẫn “tắc”

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Kha – cư dân Q.9, TP.HCM, chia sẻ ông có một miếng đất trên phường Trường Thạnh, Q.9. Trước khi Quyết định 60 của UBND TP.HCM quy định diện tích tối thiểu được tách thửa được ban hành, ông Kha có nộp hồ sơ xin tách thửa nhưng Quyết định 33 quy định diện tích tách thửa phải có nhà mới được tách nên đành chịu. Sau khi Quyết định 60 ra đời, ông Kha rất mừng quy định “có nhà mới được tách” đã được bỏ, chỉ quy định chiều ngang 4 m và diện tích không nhỏ hơn 50 m2.Tuy nhiên đến nay, sau nhiều lần nộp hồ sơ ở quận, trường hợp của ông Kha vẫn chưa được giải quyết với lý do đất nằm trong khu dân cư xây dựng mới mà theo QĐ 60, đất này không được tách thửa. Cũng vì thế, khu đất của ông Kha muốn đầu tư đường vào nhà cũng chưa được giải quyết với lý do khi nào được tách thửa thì mới được đầu tư đường vào nhà. Trong khi đường giao thông xuống cấp nên việc tiếp cận ngôi nhà cũng khó khăn.
Ngoài các quyền theo pháp luật về cho tặng, ông Kha cho rằng còn một quyền quan trọng là mua bán nhà đất, nếu không cho tách thửa thì cũng không mua bán gì được. Đặc biệt, những người rơi vào khó khăn do dịch Covid-19 đang rất mong muốn có tiền để trang trải cuộc sống. “Quyết định 60 có được không phải một sớm một chiều, trải qua 3 năm nay rồi, từ kỳ vọng bây giờ thật sự là thất vọng”, ông Kha thở dài ngao ngán.
Ông Nguyễn Hoàng Kha cho rằng : khái niệm “khu dân cư xây dựng mới” cần xét theo lịch sử sử dụng đất, đặc thù của từng vị trí khác nhau. Ví dụ, khu dân cư đất ở xây dựng mới nằm ở khu vực biệt lập, không có hạ tầng, không có đường giao thông khác với khu dân cư xây dựng mới đã có đường giao thông theo quy hoạch, theo quy chuẩn được duyệt thì tại sao không cho người dân kết nối vào. Trong khi chờ đợi các cơ quan chỉnh sửa phục vụ nhu cầu của người dân, ông Kha kiến nghị: “Những hồ sơ nộp trước thời điểm Quyết định 60 có hiệu lực, vậy có được hồi tố theo điều 8 của Quyết định 60 không? Chúng tôi làm việc với bên UBND nhiều lần và cũng chia sẻ với họ là không có cơ sở nào để thực hiện điều này do vướng thuật ngữ”.
Ông Nguyễn Hoàng Kha bức xúc: “Công tác rà soát quy hoạch là việc của Nhà nước, phải chi tôi mà được rà soát thì tôi cũng làm liền, ngay lập tức để tách thửa chứ không phải mất 3 năm. Để Quyết định 60 đi vào cuộc sống, kính mong anh chị đặt mình vào hoàn cảnh của người dân, sự khó khăn trong làm ăn của người dân, lãi suất ngân hàng… để biết nỗi khổ của họ như thế nào. Chứ như miếng đất của tôi 3 năm nay chỉ ngắm nhìn, không nhúc nhích gì được, lại ô nhiễm môi trường vì chỉ có rác thải trên đó”.

Kêu trời không thấu

Bà Vũ Thị Thanh Hà (Q.Thủ Đức) – người dân có nhà đất vướng mắc liên quan Quyết định 60 đã bày tỏ sự vui mừng khi có thể đóng góp ý kiến tại tọa đàm. Bà Hà có miếng đất ở P. Linh Đông, Q.Thủ Đức với diện tích 150 m2, phía trước nhà đã có đường hiện hữu khoảng 5 m nhưng vẫn không thể tách thửa để chia cho con được do vị trí đất trong khu dân cư xây dựng mới. Do không được tách thửa nên gia đình quyết định xây dựng nhà trên đất để cho thuê kiếm thêm thu nhập trong thời gian dịch Covid-19 nhưng chỉ được cấp phép xây dựng tạm và buộc phải cam kết tháo dỡ.
“Theo hiểu biết của tôi, đất hỗn hợp, đất trong khu dân cư xây dựng mới thì bản chất vấn đề vẫn là đất ở. Vậy sao cấp phép xây dựng tạm, trong khi 3 bề 4 bên xung quanh lại được cấp phép xây dựng chính thức. Do đó, gia đình quyết định không xây dựng trên đất này nữa”, bà Hà bức xúc.
Bà dẫn chứng một căn nhà khác ở P.Tam Bình của mình có diện tích 90 m2 cũng rơi vào tình trạng tương tự. Vị trí đất nằm trong khu dân cư xây dựng mới nên chỉ được cấp phép xây dựng tạm dù rằng đường phía trước nhà rộng lên đến 30 m, những nhà xung quanh xây dựng kiên cố từ trước đó.
“Chúng tôi kêu trời không thấu. Giấy tờ nhà được UBND cấp mà đến lúc xin giấy phép xây dựng thì là giấy tạm. Tôi thắc mắc là cấp phép tạm theo quyết định nào, cứ nói khu dân cư xây dựng mới, tại sao không có căn cứ dẫn chứng cụ thể nào để người dân hiểu. Trình độ người dân hiện nay đã hiểu biết, do đó cơ quan công quyền có trách nhiệm giải thích cho người dân rõ ràng về vấn đề này. Chúng tôi mong những ý kiến trong tọa đàm này có thể tháo gỡ những vướng mắc trong Quyết định 60 để giúp cho người dân”.
THANH XUÂN
TNO