27/12/2024

Xe đạp công cộng có khả thi?

Xe đạp công cộng có khả thi?

Xe đạp khu vực trung tâm là cần thiết nhưng vẫn gây ra luồng tranh cãi trái chiều.
TP.HCM từng “thất bại” với mô hình xe đạp công cộng tại khu Đại học Quốc gia TP.HCM /// Ảnh: Đậu Tiến Đạt
TP.HCM từng “thất bại” với mô hình xe đạp công cộng tại khu Đại học Quốc gia TP.HCM ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
Theo PGS-TS Phạm Văn Hùng, Phó phân viện trưởng Phân viện KHCN GTVT phía nam, trường hợp số lượng nhiều xe đạp sẽ làm tăng rối loạn giữa các dòng xe, tăng nguy cơ kẹt xe, nguy cơ tai nạn giao thông trên địa bàn TP.HCM…
Được kỳ vọng hỗ trợ kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, song đề án thí điểm xe đạp công cộng tại TP.HCM sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức xoay quanh bài toán hạ tầng.

388 xe đạp “gom” khách cho xe buýt

Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND TP đề xuất thí điểm xe đạp công cộng Mobike trên địa bàn TP. Theo nội dung đề xuất, Công ty CP Tập đoàn Trí Nam (Công ty Trí Nam) là nhà đầu tư triển khai thí điểm đầu tư 388 xe bố trí ở 43 vị trí tại khu vực Q.1 và dọc dự án tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt trên đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu (Q.3). Thời gian thí điểm 12 tháng, kể từ ngày Công ty Trí Nam đưa xe vào hoạt động thí điểm và được miễn tiền thuê đất để bố trí đậu xe; sau đó tổng kết, tính toán đầu tư mở rộng nếu UBND TP.HCM chấp thuận.
Để sử dụng dịch vụ này, người dân sẽ tải về miễn phí và cài đặt ứng dụng Mobike trên điện thoại thông minh, từ đó có thể quét tìm xung quanh để đến được điểm trạm còn xe gần nhất. Sau đó dùng chính ứng dụng này để quét mã code mở khóa xe sử dụng. Sau khi hoàn tất chuyến đi, người dùng đậu xe vào đúng nơi quy định để khóa xe. Giá vé giai đoạn thí điểm được tính theo thời gian: 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút…
“Diện tích trung bình của 1 vị trí đậu xe từ 10 – 15 m2. Mỗi vị trí sẽ có khoảng 10 – 20 xe và số lượng xe mỗi vị trí có thể thay đổi cho phù hợp với không gian và mật độ sử dụng. Hệ thống xe đạp công cộng này sẽ được bố trí trên vỉa hè của một số tuyến đường trung tâm tại Q.1, gần với các điểm dừng xe buýt (trạm dừng, nhà chờ) lưu lượng lớn nhằm đảm bảo người dân có thể đi bộ và tiếp cận dịch vụ một cách thuận lợi”, đại diện chủ đầu tư cho biết.
Sở GTVT đánh giá phát triển loại hình xe đạp công cộng để hỗ trợ kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng khác như xe buýt là cần thiết. “Mạng lưới xe đạp sẽ phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện hơn thay vì hình thức đi bộ truyền thống hiện tại. Đặc biệt, TP đang nghiên cứu thí điểm 2 tuyến đường ưu tiên cho xe buýt, xe đạp công cộng sẽ là phương án hiệu quả gom khách, hút khách cho xe buýt”, một cán bộ Sở GTVT TP nhận định.

Nguy cơ tăng hỗn loạn dòng xe

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên TP muốn khuyến khích người dân đi xe đạp. Từ năm 2017, Sở GTVT đã thông báo sẽ thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại trung tâm TP nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa thể triển khai. Bản thân đơn vị này cũng đã trang bị một số xe để tại Sở nhằm khuyến khích cán bộ, nhân viên tăng cường đi xe đạp, sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, một lãnh đạo Sở GTVT thừa nhận chỉ sau thời gian ngắn, số xe này gần như không còn được sử dụng do yếu tố thời tiết, hạ tầng, đường sá… Sau đó, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đã triển khai thí điểm dự án Easy Move với 100 chiếc xe đạp thông minh sử dụng năng lượng mặt trời, giúp sinh viên di chuyển giữa các giảng đường và các khu ký túc xá. Trong thời gian 3 tháng thí điểm (từ 9.4 – 9.7.2018), số lượng sinh viên đăng ký sử dụng rất lớn. Đáng buồn là theo ghi nhận của đơn vị khai thác, rất nhiều trường hợp xe đạp bị phá hỏng, nhiều trường hợp để xe lung tung hoặc làm mất thẻ… Dù được đánh giá khả quan nhưng đề án này cũng đã dừng lại, không được tiếp tục triển khai sau thời gian thí điểm.
PGS-TS Phạm Văn Hùng, Phó phân viện trưởng Phân viện KHCN GTVT phía nam, cho rằng nếu dự án không sử dụng ngân sách TP, hoàn toàn do doanh nghiệp tư nhân triển khai thì có thể thí điểm ở quy mô nhỏ, nếu thất bại sẽ rút kinh nghiệm để triển khai cho các giai đoạn sau. Tuy nhiên cần nghiên cứu trường hợp số lượng xe đạp sẽ làm tăng rối loạn giữa các dòng xe, tăng nguy cơ kẹt xe, nguy cơ tai nạn giao thông trên địa bàn TP. Bởi hiện trạng các phương tiện đang lưu thông theo quy luật dòng xe chảy rối. Ô tô, xe máy chen chúc, rối loạn, kẹt xe liên miên. TP.HCM hạn chế các loại xe ba gác, xe bán hàng rong lưu thông tại một số tuyến đường, trong một số khung giờ cũng là vì tốc độ di chuyển hạn chế, cản trở lưu thông của dòng xe hiện hữu. Hiện TP.HCM chưa có làn đường riêng cho xe đạp, nghĩa là một lượng lớn loại phương tiện này sẽ hòa vào làn xe máy đang quá tải, rối loạn, càng làm tăng độ phức tạp, gây ùn tắc, kẹt xe, tai nạn giao thông.

Có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển

Trong bối cảnh TP.HCM đang đẩy mạnh phát triển mô hình đô thị thông minh, Mobike có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển, vừa thúc đẩy phát triển giao thông công cộng, giảm sử dụng phương tiện giao thông cá nhân vào nội thành (nhất là giờ cao điểm), vừa góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe người sử dụng phương tiện.
Một cán bộ Sở GTVT TP.HCM

Đây là phương án phức tạp

Nếu nhắm đến đối tượng khách du lịch thì không khả thi vì ở nước ngoài, họ chạy xe đạp rồi trả ở tất cả mọi nơi trong TP. Du khách đến TP.HCM làm sao biết thông tin để cài ứng dụng, sao biết điểm nào trả xe. Còn mục tiêu gom khách cho xe buýt thì đây rõ ràng là phương án phức tạp. Với đặc thù thời tiết, giao thông, thói quen di chuyển hiện nay, chưa thể kỳ vọng người dân thay đổi mấy chặng, đi bộ ra chỗ thuê xe đạp rồi di chuyển tới trạm xe buýt.
PGS-TS Phạm Văn Hùng, Phó phân viện trưởng Phân viện KHCN GTVT phía nam
HÀ MAI
TNO