Cách ly có thu phí: Chọn thêm khách sạn 1-2 sao đáp ứng các yêu cầu
Cách ly có thu phí: Chọn thêm khách sạn 1-2 sao đáp ứng các yêu cầu
Tại TP.HCM, 23 khách sạn từ 3 đến 5 sao đã sẵn sàng đón khách cách ly, trong đó đã có 8 khách sạn với hơn 1.000 phòng có khách từ hơn một tháng qua. Cơ quan chức năng cũng đang nhắm đến nhóm khách sạn 1-2 sao.
Sau những “lùm xùm” về giá phòng khách sạn cách ly cao hơn thông tin công bố trước đó, khiến cho hàng trăm hành khách trong chuyến bay thương mại đầu tiên đưa khách về TP.HCM phản ứng, nhiều chuyên gia cho rằng việc cách ly có thu phí cần tổ chức bài bản hơn.
Một trong những điều kiện để nối lại các đường bay quốc tế giữa Việt Nam và các nước là việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ việc cách ly dành cho khách nhập cảnh.
Tại TP.HCM, 23 khách sạn từ 3 đến 5 sao đã sẵn sàng đón khách cách ly, trong đó đã có 8 khách sạn với hơn 1.000 phòng có khách từ hơn một tháng qua.
Việc cho phép các khách sạn này đón khách cách ly không những giúp ngành y tế có thêm chỗ thực hiện việc cách ly phòng chống dịch mà còn có thể giúp ngành khách sạn tăng công suất phòng.
Thêm nhiều khách sạn bình dân tham gia
Ông Phan Thanh Tâm, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết ngoại trừ những chuyến bay giải cứu, toàn bộ người nhập cảnh vào Việt Nam đều được áp dụng hình thức cách ly trả phí.
Theo quy định, trước khi về VN, nhóm khách này phải có phương án cách ly cụ thể như điểm đến, nơi cách ly, phương tiện vận chuyển, thủ tục đặt khách sạn cách ly mới được nhập cảnh.
Cũng theo quy định, người cách ly trả phí cần ở phòng riêng hoặc tối đa hai người mỗi phòng. Do đó, nhu cầu vào khách sạn để cách ly sẽ tăng cao khi các chuyến bay thương mại quốc tế đang được nối lại. Khách muốn cách ly tại khách sạn cần nắm trước giá cả, cân đối khả năng tài chính.
Do vắng khách du lịch, nhiều khách sạn ở TP.HCM đã đăng ký để làm điểm cách ly y tế. Theo quy định, khách sạn chỉ được phép đón khách vào cách ly y tế sau khi Sở Du lịch và Sở Y tế khảo sát, công nhận đạt chất lượng và được UBND TP chấp thuận. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết sẽ tiếp tục khảo sát, thẩm định 15 khách sạn với công suất 982 phòng.
“Khi có thêm nhiều khách sạn tham gia, sự cạnh tranh sẽ tăng lên. Các khách sạn phải có chính sách giá tốt hơn mới được khách chọn. Trong lần tìm kiếm các khách sạn cách ly, chúng tôi cũng nhắm phân khúc 1-2 sao nhiều hơn, giảm gánh nặng chi phí cho người cách ly”, bà Ánh Hoa nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo khách sạn Đệ Nhất – 1 trong 8 khách sạn đang đón khách quốc tế đến cách ly có trả phí, cho biết khách sạn bắt đầu đón khách từ ngày 15-8 vừa qua và lượng booking (đặt phòng) vẫn đang tăng mỗi ngày.
Trước thời điểm các đường bay được nối, công suất phòng phục vụ cách ly chỉ đạt khoảng 30 – 50%, nhưng đến nay số phòng được sử dụng đón khách tăng lên nhiều lần.
Theo mức giá công bố, khách sạn IBIS Hồng Hà có giá bình quân 1,7 triệu đồng/phòng, khách sạn Đệ Nhất 1,8 triệu đồng/phòng…
Còn giám đốc một khách sạn 5 sao cho biết giá cho một gói cách ly sẽ vào khoảng 25 – 40 triệu đồng tùy loại phòng, trung bình khoảng 2,2 – 2,5 triệu đồng/đêm, phục vụ ba bữa ăn mỗi ngày. Một số khách sạn 2-3 sao có mức giá cách ly mềm hơn nhưng cũng gần 20 triệu đồng/gói/người.
Khách sạn cũng “hi sinh” khi tham gia đón khách cách ly
Theo Sở Du lịch TP.HCM, để trở thành điểm lưu trú dùng để cách ly nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế đó là sự lựa chọn khó khăn của các khách sạn, vì việc phục vụ khách cách ly phải tuân thủ hàng loạt yêu cầu dịch tễ khác của ngành y tế.
Các khách sạn này phải thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch COVID-19 như Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở lưu trú, hướng dẫn của Bộ Y tế về tạm thời cách ly y tế tập trung tại khách sạn trong phòng, chống dịch COVID-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả.
Sở Du lịch TP cho biết đang tiếp tục báo cáo cập nhật số lượng, tình trạng đăng ký phòng tại các khách sạn trên định kỳ hai lần mỗi tuần cho các đơn vị liên quan theo dõi, điều phối.
Sẽ thu phí trước khi lên máy bay?
Sau vụ việc liên quan phí cách ly với chuyến bay từ Hàn Quốc về VN, ông Đoàn Quốc Bình – phó giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, cho rằng các hãng hàng không cần xây dựng quy trình chặt hơn.
Chẳng hạn cần thu trước các chi phí liên quan như phí xét nghiệm, một phần phí lưu trú khách sạn vì đây là chuyến bay thương mại. Ngoài ra, ông Bình cũng đề xuất thu trước chi phí khách sạn, vận chuyển, xét nghiệm bởi đây là chuyến bay thương mại khác với chuyến bay giải cứu.
Trong khi đó, theo ông Võ Chiến Thắng – phó trưởng Phòng xuất nhập cảnh Công an TP.HCM, dù đã ký cam kết bay thương mại về VN và được cách ly có thu phí nhưng nhiều người cho biết đã nhận thông tin không đầy đủ.
Do đó, khi các chuyến bay thương mại xuyên biên giới về VN nhiều hơn trong thời gian tới, người dân cần được thông tin đầy đủ nội dung các chính sách, quy định của VN trong phòng chống dịch để người chuẩn bị nhập cảnh biết và chấp hành nghiêm túc, đầy đủ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết dù tổ chức thành công chuyến bay thí điểm đưa hành khách từ Hàn Quốc về Hà Nội ngày 25-9 nhưng hãng vẫn triển khai nhiều phương án để thống nhất quy trình đưa khách về an toàn.
Cụ thể, hãng đã truyền thông cho hành khách nắm rõ những quy định muốn mua được vé về VN phải đặt khách sạn trước khi mua vé, giấy xét nghiệm…
Để khâu phối hợp của đơn vị vận chuyển với các cơ quan chức năng chặt chẽ, hãng bay này cũng triển khai thông tin qua kênh đại lý rõ ràng. Theo đó, hành khách khi mua vé đều được tư vấn những quy định cách ly ở khách sạn có thu phí với mức giá được đưa ra để khách chọn lựa trước khi mua vé về nước.