24/12/2024

Ồ ạt bổ sung dự án điện gió

Ồ ạt bổ sung dự án điện gió

Bộ Công thương lại đề nghị bổ sung 74 dự án điện gió với 6.400 MW. Việc bổ sung ồ ạt dự án điện gió khiến nhiều lo ngại đường tải điện sẽ quá tải như với điện mặt trời.
Theo chuyên gia, dự án điện gió mới bổ sung cũng đang gặp khó trong mua tua bin vì giá tăng và vướng dịch Covid-19 /// NG.NGA
Theo chuyên gia, dự án điện gió mới bổ sung cũng đang gặp khó trong mua tua bin vì giá tăng và vướng dịch Covid-19  NG.NGA

Nguy cơ quá tải đường truyền lặp lại

Như vậy, ngoài 4.800 MW điện gió đã có và 7.000 MW điện gió vừa được Thủ tướng đồng ý bổ sung vào quy hoạch điện từ tháng 6.2020, với đề nghị mới nhất của Bộ Công thương tại Công văn 7201, tổng công suất điện gió đã có và có thể được bổ sung thêm vào quy hoạch điện hiện hành đã lên 18.200 MW. Bộ Công thương cũng cho biết, cơ quan này trong thời gian qua liên tục nhận được đề nghị của nhiều địa phương muốn làm điện gió với tổng công suất lên tới gần 50.000 MW.
Trước đó, khi Bộ Công thương đề nghị bổ sung 7.000 MW điện gió mới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tính toán cho thấy hệ thống truyền tải điện hiện tại đang gặp khó khăn khi đáp ứng nhu cầu truyền tải của các dự án điện gió (4.800 MW) và mặt trời (8.935 MW) đã được bổ sung vào quy hoạch. Với kết cấu lưới điện theo QH7 điều chỉnh, đến năm 2025 cơ bản có thể đáp ứng giải tỏa. Nhưng trong trường hợp toàn bộ các dự án được đưa vào vận hành trong giai đoạn 4 năm tới, sẽ xuất hiện tình trạng quá tải cục bộ tại một số khu vực, tương ứng khoảng 20 – 35% tổng công suất lắp đặt không giải tỏa được, tập trung chủ yếu khu vực Nam Trung bộ.
Chuyên gia năng lượng tái tạo Trần Văn Bình, Ủy viên Ban Cố vấn Hiệp hội Năng lượng xanh, cho biết các dự án điện gió đầu tư lớn, từ 1,6 – 2 triệu USD/MW, cao gần gấp đôi đầu tư điện mặt trời và rủi ro của các dự án điện gió cũng cao hơn nhiều so với các nguồn đầu tư năng lượng khác. Nếu đưa vào lượng công suất điện gió quá lớn mà không có lưới để giải tỏa hết thì gây thiệt hại lớn với nhà đầu tư và cả xã hội.
“Nếu Việt Nam trải thảm đỏ mời gọi đầu tư điện gió, sẽ có nhiều dự án điện cực lớn trị giá hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, mọi quy hoạch phải được tính toán thật chặt chẽ và khoa học, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn nhất về điện gió”, ông Bình nói.

Quá tải đấu nối, ai chịu trách nhiệm

TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (CEGR), băn khoăn là dự thảo Quy hoạch điện VIII (QH8) chuẩn bị được Bộ Công thương trình Thủ tướng trong tháng 10, nhưng cuối tháng 9 lại vẫn tiếp tục đề nghị điều chỉnh bổ sung quy hoạch hiện tại.
TS Sơn đặt vấn đề: “Tại sao ta không chờ QH8 trình xong đi đã, vội vã bổ sung liên tục làm gì lúc này. Nếu bổ sung mà chưa đầu tư lưới tải kịp thì trách nhiệm lại đổ cho ai như câu chuyện điện mặt trời quá tải tại Ninh Thuận và Bình Thuận năm 2019”.
Quy hoạch điện không nên điều hành kiểu “chạy theo” nhu cầu địa phương như vậy. Bổ sung quy hoạch theo nhu cầu nhà đầu tư lúc này là hình thức giúp nhà đầu tư trốn đấu thầu giá điện gió sau 11.2021.
TS Hà Đăng Sơn
Trong Văn bản 693 của Thủ tướng khi đồng ý bổ sung 7.000 MW điện gió nêu rõ, Bộ Công thương chịu trách nhiệm thực hiện việc rà soát, cập nhật các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực theo quy định, đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, chặt chẽ, khoa học, đồng bộ nguồn và lưới điện, hiệu quả kinh tế chung; kiên quyết chống tiêu cực, không để xảy ra tình trạng “xin – cho” các dự án. Văn bản nhấn mạnh Bộ Công thương sẽ chịu trách nhiệm toàn diện về các dự án điện gió và lưới điện đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.
“EVN đã có cảnh báo quá tải, nếu cứ liên tục bổ sung quy hoạch, khi nguồn điện gió tăng, lưới tải không kịp, không thể đổ lỗi cho EVN được. Hiện Chính phủ đã cho tư nhân làm đường truyền tải điện, Tập đoàn Trung Nam đã đầu tư, EVN chỉ chịu trách nhiệm vận hành. Giả sử quá trình tải gặp trục trặc đấu nối, ai chịu trách nhiệm? EVN hay nhà đầu tư?”, TS Hà Đăng Sơn đặt câu hỏi.
NGUYÊN NGA
TNO