‘Phát điên’ khi con vào lớp 6 ‘sai đúng gì cũng cãi’

‘Phát điên’ khi con vào lớp 6 ‘sai đúng gì cũng cãi’

‘Con tôi từ khi lên lớp 6 thì thay đổi và khác hẳn. Sai đúng gì vẫn hay lý lẽ cãi lại, tức quá tôi đánh thì con giận dỗi cả tuần, không đánh thì không biết phải làm sao’ – chị N.T.Hòa (Q.Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ.

 

Phát điên khi con vào lớp 6 sai đúng gì cũng cãi - Ảnh 1.

Học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) bước vào ngôi trường cấp II đầy mới lạ trong lễ khai giảng năm học mới – Ảnh: T.THƯƠNG

Chia sẻ của chị Hòa cũng là câu chuyện của không ít cha mẹ có con bước vào cấp II.

“Nhẹ nhàng” mà lòng phát điên

Chị N.T.Hòa kể rằng lúc học tiểu học, con chị được rất nhiều người khen vì dễ thương, ngoan ngoãn, vâng lời. “Thế nhưng vào lớp 6, mọi thứ thay đổi một cách đột ngột. Quần áo, giày dép, túi xách đều theo sở thích của con. Thấy cái áo màu tối và già so với tuổi, thấy đôi giày “hầm hố” không còn chút ngây thơ, tôi phản đối nhưng nó hét toáng lên rồi bỏ ăn. Nói và phân tích mấy cũng không nghe” – chị Hòa rầu rĩ nói thêm.

Tương tự, chị Trần Thị Thơm (Q.1, TP.HCM) năm nay có con lên lớp 6. Mỗi ngày chị phải “đối đầu” với rất nhiều câu chuyện của con. “Nào là luôn ngủ dậy muộn, nào là hay phát ngôn những câu có vẻ bất cần, quần áo thì không theo một thẩm mỹ có sẵn nào, phòng riêng thì thích sơn màu đen với lý giải là huyền bí, mạnh mẽ, nam tính… Tôi phát hoảng với những suy nghĩ, ý tưởng của con. Tôi stress, ngăn cản và cấm con, con phản ứng, thế rồi cả nhà cùng stress” – chị Thơm kể lại.

Giải pháp cuối cùng với chị Thơm là phải chiều ý con để bớt căng thẳng, không ra mặt cản trở những suy nghĩ, lựa chọn kiểu “người lớn” của con. “Cố nhẹ nhàng mà lòng phát điên” – chị nói.

Cô Kim Hồng, giáo viên chủ nhiệm lớp 6 một trường tiểu học ở Q.Tân Bình (TP.HCM) chia sẻ rằng dù đã có kinh nghiệm nhiều năm làm chủ nhiệm nhưng chủ nhiệm lớp đầu cấp thì giáo viên cần chuẩn bị tâm lý nhiều nhất.

Cô nói: “Đối với lứa tuổi chuyển cấp, khó nhất vẫn là nắm bắt tâm lý khi trẻ bắt đầu lứa tuổi ẩm ương; làm sao cho các em có những suy nghĩ, thái độ học tập ổn định hoặc gặp điều gì thì các em vui vẻ bộc lộ chia sẻ, không giấu giếm như xu hướng chung ở tuổi mới lớn”.

Mỗi đứa trẻ trong giai đoạn này đều thường cảm thấy cô đơn. Vì vậy mỗi người lớn cần dang tay ra và, bằng cách này hay cách khác, nắm tay con cùng đi qua khó khăn thì chính chúng ta đang tặng cho con vườn hoa, có bầu trời xanh và nắng. Các con sẽ đang được sống và cha mẹ cũng như đang được sống.

TS Nguyễn Chí Hiếu

Xem con như đối tác

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, cho rằng việc dạy con ở đầu cấp II không phải chuyện dễ. Bà Quyên vừa có cuộc trò chuyện với nhiều học sinh, phụ huynh ở Hải Phòng và nhận thấy các “ca khó” đều có chung nguyên nhân là thiếu sự kết nối. “Kết nối phụ thuộc vào quá trình tương tác của con với cha mẹ.

Nhất là với tuổi mới lớn, phụ huynh cần thay đổi, không dùng những từ như “con phải”, “con buộc”, áp đặt con, mà ngược lại khơi thông kênh đối thoại, tìm hướng đi cho con. Phải xem con như đối tác, không xem con là một đứa trẻ khi con bắt đầu vào cấp II.

Trẻ em bây giờ khác so với trước đây. Ở cuộc sống hiện đại, các con lớn lên và có thiên hướng bất chấp, coi trọng cái tôi của mình và chống đối bố mẹ.Việc gì trong gia đình, bố mẹ cũng nên hỏi ý kiến, hỏi quan điểm của con” – bà Quyên chia sẻ.

Bà Quyên cũng phân tích thêm cha mẹ nên bỏ những chê bai như “lớn mà không biết gì”, “chậm chạp”, “hậu đậu”…

“Thay vào đó, hãy tự hào và hạnh phúc, thể hiện những cảm xúc tích cực và tuyên dương con vì những điều con làm được để cổ vũ, động viên con, để “cài” vào trong đầu là đứa trẻ tự giác. Hỏi ý con, tìm cách khéo léo, dẫn dắt, định hướng con thông qua sự kết nối…

Tuổi ẩm ương cũng là tuổi cho những sáng tạo, bố mẹ phải hạnh phúc khi con sáng tạo. Con có phòng riêng, con thích sơn màu hay trang trí màu kiểu gì thì cha mẹ nên tôn trọng, miễn đừng lố lăng phản cảm” – bà Quyên tư vấn.

Trong khi đó, chuyên gia tâm lý – TS Bùi Hồng Quân (Học viện Cán bộ TP.HCM) cho rằng không phải chỉ học sinh đầu cấp mà tùy theo đứa trẻ, có em lớp 4, lớp 5 đã dậy thì, có em lớp 6, lớp 7. Khủng hoảng tuổi dậy thì xuất hiện khi trẻ có những phát triển theo hình thái người lớn, người trưởng thành về mặt sinh học. Hormon thay đổi, không cân bằng nên có những cảm xúc vui buồn lẫn lộn.

“Không phải con hư mà là kiểm soát hành vi không tốt, hay cáu gắt, hay phản đối, mà bản thân trẻ cũng không muốn như vậy. Những mong đợi của cha mẹ với đứa nhỏ là không phù hợp. Con chỉ lớn về thể xác, còn tâm lý thì bỡ ngỡ, cách hành xử ba mẹ không thống nhất nên con dễ rơi vào trạng thái khác nhau” – ông Quân nói.

Cho rằng khủng hoảng tuổi dậy thì chỉ ở một giai đoạn, chuyên gia này khuyên: “Cha mẹ nên hiểu và chấp nhận ứng xử, đối thoại, đừng yêu cầu con phải thế này thế kia… Hãy lắng nghe và đặt câu hỏi, giải thích, cái nào tốt, cái nào không để hạn chế sự quá bùng nổ. Hãy quan tâm con, giáo dục để cùng con có tuổi dậy thì êm đềm”.

* Em Phạm Tôn (lớp 6/5 Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM):

Hãy cho con tự quyết định

Khi con lên lớp 6, nhìn các bạn trong lớp đến từ các trường khác nhau, rồi rất nhiều thầy cô, môi trường lớn hơn nên con cảm giác mình lớn lên bởi mình tiếp xúc được nhiều người mới lạ chứ không quen thuộc như ở cấp I. Vì thế con cũng muốn khi ở lớp cũng như về nhà, mẹ xem con như người lớn, chứ đừng xem con giống em trai đang học lớp 3. Còn quần áo, giày dép, đồ đạc, mẹ dắt con đi mua nhưng để con tự chọn. Cứ ép con phải lấy theo sở thích của mẹ, con thấy mất tự do. Rồi tóc tai của con, cơ thể của con nên mẹ hãy cho con tự quyết định.

hoc sinh 6 ntt hanoi a 1(read-only)

Những ngày đầu tiên tới trường, học sinh lớp 6 Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội được tham gia chương trình “Chào học sinh khối 6”. Trong ảnh: học sinh trải nghiệm trồng cây thủy sinh – Ảnh: N.T.T.

* Em Nguyễn Thị Thu Hà (học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình, TP.HCM):

Con không thích bị kiểm soát

Ba mẹ rất ít nghe con kể chuyện trong lớp. Các bạn như thế nào về nhà con kể cho gia đình thì bị gạt ra ngoài, bảo ai sao mặc kệ, con lo tập trung học. Con không thích ba mẹ chê con gái mà nghịch ngợm với nhiều người, chậm chạp hơn con A con B… Nếu có la mắng con thì chỉ la có con và ba mẹ, và đừng làm ầm ĩ vì con thấy nặng nề và khó chịu hơn, hãy để con tự suy nghĩ. Những mẩu giấy nháp con viết giỡn vui với các bạn đặt ở trong cặp, ba mẹ cũng đừng kiểm tra và tìm kiếm để đọc. Con thấy bị kiểm soát chặt chẽ, con không thích điều này.

Cho con tận hưởng tuổi ô mai

TS Nguyễn Chí Hiếu, CEO của Học viện IEG (Innovative Education Group), chia sẻ giải pháp để phụ huynh đồng hành nuôi dưỡng con ở tuổi ẩm ương, nổi loạn khó đỡ khi con bắt đầu vào cấp II: “Cha mẹ cần chăm quan sát, để ý cảm xúc của con để từ đó nương theo cảm xúc, lèo lái cách nói chuyện, tương tác. Cha mẹ cần trò chuyện, kể cả khi con kể chuyện nhiều khi không đầu cũng chẳng đuôi.

Dạy con sáng tạo, thử thách sáng tạo để con thật sự thích học và được học. Kể chuyện cho con nghe và cài cắm bài học vào trong đó để con thấm từng chút một. Cho các con tự do trong khuôn khổ, một “vòng kim cô” đủ rộng vì đây là độ tuổi nổi loạn và cảm xúc, nếu ngăn chặn thì mối quan hệ cha mẹ con cái sẽ thành khoảng trống. Hãy để cho con tận hưởng thời gian tuổi ô mai, đừng phải dạy, phải nghiêm, phải này phải kia”.

THẢO THƯƠNG
TTO