Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học

Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học

Ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ GD-ĐT sẽ ban hành hướng dẫn việc cho phép học sinh trung học được sử dụng điện thoại trong giờ học để đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu của quy định này. 
Cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học nhưng Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể /// ẢNH TRUNG DUNG
Cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học nhưng Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể ẢNH TRUNG DUNG
Cuối giờ chiều nay, 30.9 tại buổi họp báo quý 3/2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức, ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT, cho biết: Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học Bộ GD-ĐT mới ban hành, cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học.
Tuy nhiên, ông Nam nhấn mạnh, quy định này nhằm hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học chứ không phải học sinh cứ muốn là mang điện thoại và sử dụng trong lớp học. Việc sử dụng điện thoại chỉ được thực hiện với mục tiêu phục vụ học tập và được giáo viên cho phép và kiểm soát chặt chẽ.
Đặc biệt, ông Nam cho biết, tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành hướng dẫn để sử dụng điện thoại trong lớp học, phối hợp với các đơn vị liên quan có chuyên môn về công nghệ thông tin để kiểm soát việc sử dụng điện thoại trong lớp với mục tiêu phục vụ việc học.

Sửa thông tư để quản lý sách tham khảo trong nhà trường

Ông Nam cho biết, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp năm học, cũng như chấn chỉnh kịp thời tình trạng lạm thu, tình trạng mất an toàn trường học, giới thiệu sách tham khảo (kèm danh mục sách giáo khoa) tại một số cơ sở giáo dục.
Bộ GD-ĐT yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các Sở GD-ĐT tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc cung cấp sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, ông Nam chia sẻ, thị trường sách tham khảo rất đa dạng và phong phú, Bộ GD-ĐT không thẩm định nội dung sách tham khảo nhưng chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương quản lý sách tham khảo cho phù hợp hơn.
Để tăng cường quản lý, sử dụng sách tham khảo, Bộ GD-ĐT sẽ chỉnh sửa, bổ sung Thông tư số 21 năm 2014 theo hướng quy định cụ thể hơn về yêu cầu, thẩm định, lựa chọn, sử dụng sách tham khảo trong nhà trường.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng từng bước độc lập với dạy học để hạn chế việc giáo viên sử dụng sách tham khảo đưa và đề kiểm tra. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo.
TUỆ NGUYỄN – QUÝ HIÊN
TNO