Dạy môn văn theo hướng khuyến khích tự học

Dạy môn văn theo hướng khuyến khích tự học

Nhằm khuyến khích học sinh có tinh thần tự học, hướng đến việc thay đổi cách dạy mới nên từ đầu năm học này, việc dạy môn ngữ văn ở trường THCS và THPT có nhiều đổi mới.
Học sinh TP.HCM trong giờ học môn ngữ văn /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Học sinh TP.HCM trong giờ học môn ngữ văn ĐÀO NGỌC THẠCH

Tích hợp theo chủ đề

Tiếp tục kế thừa chủ trương giảm tải chương trình của học kỳ 2 năm học trước, ngay từ đầu năm học này, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy môn văn cho cả năm học. Trong công văn này, ngoài những bài không dạy hoặc chỉ hướng dẫn học sinh (HS) những phần trọng tâm của bài, đáng chú ý nhất là việc tích hợp thành các chủ đề dạy học. Mỗi chủ đề gồm nhiều bài học, gồm đọc văn, tiếng Việt và làm văn.
Việc điều chỉnh này là cần thiết vì theo thiết kế chương trình hiện hành, có rất nhiều nội dung bị lặp lại giữa các cấp, nhiều bài học dàn trải, nhiều vấn đề đã mất tính thời sự, không còn hấp dẫn người học. Hơn nữa, thay đổi để giúp HS có cơ hội tự học, tích hợp theo chủ đề để người dạy và người học tập làm quen với cách tiếp cận vấn đề theo hướng đào sâu, nghiên cứu của chương trình mới sắp áp dụng tới đây.
Chẳng hạn, với chương trình ngữ văn mới ở THPT, ngoài 3 tiết học bắt buộc, mỗi lớp có thêm 35 tiết/năm cho các chuyên đề học tập tự chọn dành cho HS có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn. Điều này giúp HS có cái nhìn khái quát, tập nghiên cứu và hoạt động văn học thiết thực, gần gũi, đáp ứng sở thích, nhu cầu của HS.

Cơ hội để học sinh phát triển nhiều kỹ năng

Chủ trương tích cực như thế, song nếu nhà trường và giáo viên thiếu chủ động thay đổi thì khó đạt kết quả như mong muốn. Chẳng hạn, việc giao cho HS tự học tác phẩm phải có cách kiểm tra thế nào để các em không tự bỏ? Các chủ đề phải soạn cách dạy tích hợp thế nào để vừa đảm bảo nội dung và phù hợp mục đích? Việc ra đề thi, kiểm tra, đánh giá như thế nào cho hợp lý để HS không học vẹt, học bài văn mẫu như bấy lấu nay?…
Thực tế đáng bàn là vẫn còn nhiều giáo viên không chịu thay đổi. Trong cuộc họp mới đây vào đầu năm học, phó hiệu trưởng phụ trách về chuyên môn một trường THPT tại Q.Tân Phú, TP.HCM không vui, cho biết: “Có HS lớp 12 của trường gặp tôi xin chuyển lớp. Lý do em đưa ra là không muốn học môn văn của cô giáo dạy lớp mình vì cô ấy bắt các em học thuộc lòng theo bài văn mẫu…”!
Theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại HS trung học, các môn học đều thay đổi theo cách đánh giá và cách tính hệ số điểm mới, trong đó có môn văn. Đây là cú hích rất lớn, tiến tới thay đổi dần việc dạy học văn. Theo đó, giáo viên không chỉ đánh giá HS qua các bài làm cố định trên lớp (chủ yếu là viết) như trước đây nữa, mà thay vào đó là tăng cường việc đánh giá thường xuyên, đánh giá đa dạng bằng nhiều hình thức như hỏi – đáp, thuyết trình, thực hành, báo cáo sản phẩm, kỹ năng lẫn thái độ học tập…
Như vậy, HS sẽ có cơ hội để phát triển nhiều kỹ năng hơn trong việc học văn, như kỹ năng nói/thuyết trình, kỹ năng nghiên cứu văn học, kỹ năng kết hợp các lĩnh vực nghệ thuật khác vào việc học văn như sân khấu, điện ảnh, hội họa… Chẳng hạn, với HS lớp 10, sau khi học xong phần khái quát văn học dân gian, có thể cho các em sưu tầm về văn học dân gian địa phương mình và viết bài cảm nhận. Việc học văn như thế sẽ gắn liền với thực tiễn, giúp các em hứng thú hơn.
Ý kiến
Giảm lý thuyết, tăng thời gian thực hành
Với cách đánh giá mới, nếu dạy theo phương pháp truyền thống, truyền giảng lý thuyết có thể dẫn đến việc HS không làm bài tập được. Vì vậy, để giúp học trò không chỉ đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng, đạt kết quả học tập tốt nhất, giáo viên cần thiết phải thay đổi phương pháp giảng dạy.
Chẳng hạn ở môn ngữ văn, trong quá trình giảng dạy, tôi chủ động giảm lý thuyết, tăng thời gian thực hành. Việc làm này nhằm giúp HS có kinh nghiệm, biết mình sai điểm nào để kịp thời sửa chữa. Có thể mỗi tuần HS thực hiện bài viết ngắn, giáo viên dành khoảng 5 phút đầu tiết để cùng các em chỉ ra lỗi sai thường mắc phải. Chỉ khi các em nhận biết được lỗi sai của mình thì chính lúc đó các em đã hiểu bài.
Võ Kim Bảo
(giáo viên ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du Q.1, TP.HCM)
Xây dựng nhiều hoạt động tương tác giữa thầy và trò
Với phương án kiểm tra, đánh giá “thoáng” hơn, giáo viên sẽ có nhiều hình thức đánh giá HS thông qua các hoạt động dạy học do chính mình làm đạo diễn xây dựng kịch bản và HS là những “diễn viên” thạo vai, tương tác rất tốt ngay trên lớp, trong từng tiết học.
Khâu khó nhất trong việc đánh giá này là giáo viên phải thiết kế “phiếu tiêu chí đánh giá sản phẩm” thật tỉ mỉ, nhiều bước đánh giá và nhiều khâu với điểm số chi tiết để có thể đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của các em HS thông qua sản phẩm mà các em hoàn thành. Cách kiểm tra, đánh giá không đặt nặng số bài kiểm tra, có thể áp dụng thông thoáng nhiều cách, nhiều phương án nếu giáo viên biết cách áp dụng thông qua các hoạt động tương tác giữa thầy và trò sẽ mang nhiều màu sắc sinh động cho lớp học. Không khí lớp học rất vui và đúng nghĩa “lớp học hạnh phúc”. Các HS sẽ được giảm bớt lượng kiến thức thuộc lòng phải mang về nhà học và mang lên lớp trả bài cho thầy cô như trước đây.
Phạm Lê Thanh
(giáo viên Trường THCS – THPT Tân Phú, TP.HCM)
Bích Thanh (ghi)
TRẦN NGỌC TUẦN
TNO