Bị cây xanh ngã đè: Ai chịu trách nhiệm?
Bị cây xanh ngã đè: Ai chịu trách nhiệm?
Sự việc cây xanh gãy đổ gây chết người gần đây lại dấy lên sự bức xúc, lo lắng của nhiều người dân, nhất là khi những ‘cái chết từ trên trời rơi xuống’ không phải lần đầu tiên và trách nhiệm đối với nhân mạng chưa được giải quyết tương ứng.
Vậy ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm về những sự việc này, có quy định cụ thể nào không? Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến và mong nhận được thêm ý kiến của bạn đọc về vấn đề đáng quan tâm này.
* Thạc sĩ Lưu Đức Quang (giảng viên khoa luật Trường ĐH Kinh tế – luật, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm
Vụ việc người đàn ông bị cây gãy đổ gây tử vong ở quận 10, TP.HCM vừa qua lại dấy lên băn khoăn, chất vấn trách nhiệm thuộc về cơ quan nào và giải quyết theo hướng bồi thường hay hỗ trợ.
Phía cơ quan chức năng thì viện dẫn quy định cho rằng đây là “sự kiện bất khả kháng” để từ chối trách nhiệm lẫn bồi thường, chỉ hỗ trợ phía người bị thiệt mạng.
Trong khi đó, nếu một người dân để cây trồng của mình gãy đổ làm sập nhà, thương tật hoặc thậm chí là thiệt mạng đối với người bên cạnh, người đi đường thì sẽ bị xử lý trách nhiệm cá nhân thích đáng ngay.
Nhiều người dân sẽ dễ dàng thấy sự bất công, khập khiễng khi so sánh việc xử lý trách nhiệm trong trường hợp này.
Điều 14 Hiến pháp đã quy định rõ Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội theo Hiến pháp và pháp luật. Trong các quyền ấy, quyền bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe là một trong những quyền căn bản, hàng đầu.
Khi quyền này bị xâm phạm, dẫn đến thiệt hại thì phải xác định rõ người, tổ chức chịu trách nhiệm, nhất là khi tính mạng con người là quý giá, không gì bù đắp, khắc phục được. Vì thế không thể chấp nhận việc người dân thiệt mạng, đơn vị có trách nhiệm cứ chỉ “hỗ trợ”.
Theo tôi, để bảo đảm cao nhất quyền được sống an toàn cho người dân trong tình huống bị thiệt hại tính mạng do cây gãy đổ, sụp cống, sự cố điện…, cần sửa đổi quy định pháp luật theo hướng chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm bồi thường thỏa đáng.
Và chính quyền sẽ xử lý trách nhiệm bồi hoàn cũng như trách nhiệm liên quan đối với cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý cây xanh, cống, tủ điện, trụ điện… gây thiệt hại.
* PGS.TS Đỗ Văn Đại (trưởng khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM):
Đơn vị quản lý cây xanh phải bồi thường
Về trách nhiệm trong tình huống cây xanh gãy đổ gây thiệt hại cho người đi đường thì Bộ luật dân sự 2015 đã quy định rõ tại điều 604.
Theo đó, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, trừ trường hợp bất khả kháng.
So với Bộ luật dân sự 2005 (quy định tại điều 626) thì chỉ có “chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ gãy gây ra”.
Như vậy, so với trước đây, trách nhiệm bồi thường đã được mở rộng ra thêm đối với người chiếm hữu, người được giao quản lý cũng phải chịu trách nhiệm.
Khi tham gia xây dựng Bộ luật dân sự 2015, tôi là người chấp bút sửa đổi điều này chính là từ thực tiễn cây cối gãy đổ gây thiệt hại cho người đi đường. Quy định hiện hành khắc phục được tình trạng lòng vòng trách nhiệm khi thiệt hại xảy ra.
Về quy định sự kiện “bất khả kháng” phải bao gồm 3 thuộc tính là: xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Phân tích trong tình huống này thì mưa bão là sự kiện khách quan nhưng không phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại mà sự kiện cây gãy đổ mới là nguyên nhân. Vậy sự kiện cây đổ có thể là khách quan nhưng nếu lường trước được, khắc phục được thì không phải là sự kiện bất khả kháng.
Cụ thể đơn vị sở hữu, quản lý có thể lường trước, khắc phục bằng cách cắt tỉa cành, gia cố chống cây… trong mùa mưa. Như vậy, theo tôi, cây gãy đổ không phải là sự kiện bất khả kháng.
Ở nước ngoài đã có trường hợp người vào cắm trại trong một khu vực bị cây ngã đè khi có mưa dông thì tòa tuyên người chủ cây, quản lý cây phải bồi thường. Tòa cho rằng đó không phải là sự kiện bất khả kháng vì chủ cây, quản lý cây hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp để tránh thiệt hại xảy ra như chống đỡ cây, thông báo cho người cắm trại…
Nghiên cứu thực tiễn xét xử ở Việt Nam, trường hợp cá nhân kiện do cây cối của hàng xóm, người khác ngã đổ khi mưa bão gây thiệt hại thì tòa thường tuyên bên sở hữu, quản lý phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Tuy nhiên, có thể do nhiều nguyên do mà có ít vụ người bị thiệt hại do cây cối thuộc quản lý của đơn vị nhà nước kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường.
* Anh Phạm Văn Quốc (huyện Bình Chánh, TP.HCM):
Mong chính quyền chịu trách nhiệm trực tiếp
Người dân chúng tôi rất lo lắng khi đi ra đường vào mùa mưa vì lúc nào cũng lơ lửng trên đầu nguy cơ thiệt hại sức khỏe, tính mạng từ cây xanh. Và thiệt hại thực tế về tính mạng từ cây xanh gần như năm nào cũng xảy ra, nhất là vào mùa mưa.
Chúng tôi cũng bức xúc hơn về việc xử lý trách nhiệm của đơn vị sở hữu, quản lý cây xanh chưa thỏa đáng. Trong đó việc bù đắp, khắc phục hậu quả cho người thiệt mạng, cho gia đình người thiệt mạng thường chỉ là hỗ trợ chứ không phải là bồi thường thỏa đáng.
Mất đi một người thân (vì sự cố cây xanh nói riêng) là mất mát không gì có thể bù đắp, nhất là như trường hợp người đàn ông thiệt mạng mới đây.
Đối với những người dân như chúng tôi đa số đều không rành rẽ quy định pháp luật về cơ quan nào phải chịu trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của cơ quan, cá nhân liên quan ra sao khi xảy ra sự cố. Việc yêu cầu xử lý trách nhiệm, bồi thường chỉ là khắc phục phần nào thiệt hại.
Là người dân, chúng tôi chỉ muốn được an toàn khi đi đường và nếu lỡ thiệt hại đáng tiếc xảy ra thì chính quyền cần nhanh chóng bồi thường thỏa đáng nhằm an ủi cho những người thân chứ không phải để người dân phải băn khoăn, khổ sở thêm vì yêu cầu khắc phục sự thiệt hại đó.
* Ông Vũ Văn Điệp (giám đốc Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM):
Đốn cây sai sẽ chịu trách nhiệm
Những cây xanh được cho đốn hạ đều đã qua khảo sát kỹ lưỡng. Các cây bị đốn hạ là cây sâu bệnh, mục ruỗng hoặc bị xâm hại có khả năng đổ ngã gây nguy hiểm cho người dân, tuyệt đối không có chuyện cơ quan chức năng tùy tiện cho hạ cây khỏe mạnh.
Hằng ngày, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh đều tuần tra, thăm khám để kịp thời phát hiện các cây có dấu hiệu nghiêng, sâu bệnh và báo cáo lên trung tâm. Tiếp nhận thông tin từ phía công ty cây xanh, trung tâm sẽ rà soát kỹ mới phê duyệt cho đốn hạ, những cây bị đốn hạ trung tâm chịu trách nhiệm.
“Người dân chỉ nhìn qua bên ngoài cây xanh tốt thì phản ứng khi chúng tôi cho đốn cây nhưng không nhìn rõ vào bản chất các cây này đã bị sâu bệnh tấn công. Phải nhìn rõ hình thái cây từ rễ lên đến ngọn, ví dụ cây trước hội trường Thống Nhất vừa được đốn hạ cũng bị phản ứng dữ dội vì thân cây còn chắc, lõi không hư. Nhưng nhìn kỹ phần rễ cây hầu như đã bị sâu bệnh tấn công, không còn khả năng giữ cho thân cây đứng được trước mưa gió. Khi đốn hạ cây xanh xong chúng tôi sẽ cho tập trung về kho để đấu giá công khai chứ không phải đốn cây vì mục đích mập mờ nào cả.
Việc xâm hại cây xanh cũng đang rất nhức nhối. Rất nhiều vụ việc được công ty cây xanh báo cáo lên, phía trung tâm tiếp nhận và chuyển về cho công an quận huyện nắm xử lý nhưng hầu như không có vụ nào xử lý triệt để được.
Việc xâm hại cây xanh muốn xử lý phải bắt quả tang vì nhiều cây bị bức tử âm ỉ chết dần chứ không chết ngay tức thì. Thậm chí có những cây xanh cổ thụ bị chết sau khi đốn hạ để đảm bảo an toàn, phía trung tâm chừa lại đoạn thân từ gốc trở lên 5-7m để phục vụ điều tra nhưng nhiều vụ vẫn không có kết quả.
LÊ PHAN ghi