26/12/2024

‘Tụi em dùng điện thoại học, nhưng cũng có lúc lạm dụng chơi game, tán gẫu’

‘Tụi em dùng điện thoại học, nhưng cũng có lúc lạm dụng chơi game, tán gẫu’

‘Ngoài dùng điện thoại để phục vụ học tập, đôi lúc tụi em cũng có lạm dụng nó để chơi game, xem phim, tán gẫu với bạn…’, một nữ sinh lớp 12 ở TP.HCM chia sẻ.

 

Tụi em dùng điện thoại học, nhưng cũng có lúc lạm dụng chơi game, tán gẫu - Ảnh 1.

Hơn 100 học sinh THPT, THCS và một số học sinh tiểu học của các trường phổ thông trên địa bàn TP.HCM tham gia buổi tọa đàm ngày 25-9 – Ảnh: H.HG.

Em là một trong số hơn 100 học sinh tham gia tọa đàm “Học sinh được sử dụng điện thoại – Nên hay không?” do báo Tiền Phong phối hợp Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng và Trường THPT Hùng Vương (quận 5, TP.HCM) tổ chức ngày 25-9. Tham gia buổi tọa đàm còn có nhiều nhà giáo, chuyên gia giáo dục…

Làm chủ bản thân

Tại buổi tọa đàm, khi MC của chương trình đặt câu hỏi: “Ai đã từng sử dụng điện thoại trong học tập?”, gần 100% học sinh có mặt đã giơ tay. Các em cho biết điện thoại do bố mẹ trang bị cho mình chứ không phải đi mượn bạn bè hay dùng ké của người thân.

Trong đó, một nữ sinh thừa nhận: “Tụi em còn trẻ nên ngoài việc dùng điện thoại để phục vụ cho học tập thì đôi lúc em cũng có lạm dụng nó để chơi game, xem phim, nghe nhạc, tán gẫu với bạn…”.

Thầy Lê Quang Huy – Phó hiệu trưởng trường THPT Hùng Vương, phát biểu: “Chúng ta cần làm rõ vấn đề: thời gian các em học sinh dùng điện thoại để tra cứu tài liệu phục vụ học tập có phải chiếm đa số không hay chỉ chiếm một khoảng thời gian rất ngắn, còn phần lớn thời gian là các em sử dụng điện thoại vào các mục đích khác.

Quan điểm của chúng tôi là đồng tình cho học sinh dùng điện thoại trong học tập nhưng các em phải chiến thắng chính mình, làm chủ được bản thân, không bị lôi cuốn vào game, vào Facebook…”.

Phải được giáo viên cho phép 

Thầy Nguyễn Đình Độ – Hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân, TPHCM kể: “Mùa tuyển sinh đầu cấp vừa rồi, có phụ huynh trước khi quyết định cho con em nhập học ở trường chúng tôi đã đặt câu hỏi: ‘Thầy có cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường không?’, tôi trả lời là trường tôi không cho học sinh sử dụng điện thoại tự do trong trường. Không ngờ, vị phụ huynh ấy thốt lên: ‘Thế thì tốt quá, quý quá’.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Thắng Lợi – Phó giám đốc Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) nói rằng Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT (trong đó có quy định về việc cho học sinh sử dụng điện thoại – PV) tạo cơ sở pháp lý giúp nhà trường, giáo viên sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin phục vụ việc giảng dạy. Còn việc sử dụng như thế nào là tùy vào các trường.

Trong khi đó, ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM, nói: “Thông tư 32 là một hướng mở và theo kịp xu hướng hiện nay. Chúng ta cần phân biệt rõ: học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học khác với việc học sinh được sử dụng điện thoại trong trường. Nó cũng khác với việc học sinh được sử dụng điện thoại ở bất cứ nơi đâu”.

Ông Trọng nói học sinh cần lưu ý Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học nhưng phải được được sự cho phép của giáo viên bộ môn, việc sử dụng ấy phải phục vụ trực tiếp cho tiết học đang diễn ra chứ không phải học sinh được sử dụng một cách tùy tiện.

HOÀNG HƯƠNG
TTO