24/11/2024

Chống hạn, mặn: Không thể nóng đâu phủi đó

Chống hạn, mặn: Không thể nóng đâu phủi đó

Phải có quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL để có tầm nhìn dài hạn hơn chứ không thể nóng đâu phủi đó, đối phó từng năm – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi làm việc với các địa phương ĐBSCL ngày 23-9.

 

Chống hạn, mặn: Không thể nóng đâu phủi đó - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình sản xuất sầu riêng của ông Mai Văn Âu tại tỉnh Tiền Giang – Ảnh: VGP

Nhiều vấn đề về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2020 – 2021 đã được nêu ra tại cuộc làm việc này.

Đừng để tình trạng người dân thức cả đêm để lấy một xô nước, can nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Tinh thần “4 tại chỗ”

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải có những giải pháp khoa học công nghệ để triển khai, hạn chế thấp nhất hạn, mặn. “Chúng ta cần nhận thức hạn hán, xâm nhập mặn là vấn đề không thể tránh, chỉ có thể hạn chế, từ nay phải là câu chuyện bình thường trong đời sống của ĐBSCL. Nói là nguy cơ nhưng đồng thời cũng xuất hiện những thời cơ nếu biết ứng phó, thích nghi” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, phải quán triệt tinh thần không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt; bảo đảm sản xuất trong tình hình mới, giữ được cả sản lượng nông nghiệp, cả lương thực xuất khẩu, cả trái cây và thủy sản tại ĐBSCL, khu vực sản lượng nông nghiệp chiếm trên 50%, lương thực xuất khẩu trên 90%, cây ăn trái và thủy sản 70% cả nước.

“Trước tình hình xâm nhập mặn như thế, chúng ta cần làm tất cả, bằng mọi biện pháp để giữ đời sống nhân dân, duy trì, tiến tới nâng cao vai trò, vị thế của ĐBSCL” – Thủ tướng nói.

Ngoài yêu cầu tiếp tục truyền thông để người dân chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp, Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương phát huy tinh thần “4 tại chỗ”, bắt đầu “từ người dân, từ cơ sở là chính”.

“Mỗi hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ vườn cần chủ động trữ nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh. Nhà nước tập trung chăm lo, hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT hướng dẫn các địa phương về thời vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. “Vụ đông xuân năm ngoái, chúng ta đã giảm 100.000ha lúa để trồng các loại cây trồng khác, cho thu nhập cao. Năm nay chúng ta giảm bao nhiêu, ở vùng nào, các sở NN&PTNT phải tham mưu, Bộ NN&PTNT phải thông báo cho từng địa phương” – Thủ tướng nói.

Chống hạn, mặn: Không thể nóng đâu phủi đó - Ảnh 4.

Hạn, mặn làm nhiều vườn sầu riêng bị thiệt hại – Ảnh: M.TR.

Trữ lũ, giữ nước

Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Tiến Hải – bí thư Tỉnh ủy Cà Mau – cho biết gần như toàn diện tích vùng Cà Mau đều là mặn, nước ngọt chủ yếu là nước mưa. Cà Mau đã được trung ương cho phép xây dựng một hồ trữ nước ngọt ở vùng ven rừng U Minh phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Địa phương cũng đang tập trung gia cố các công trình thủy lợi để mùa khô tới không bị sự cố, gây thất thoát nước ngọt.

Trong khi đó, theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, trong 136 cống trên tuyến biển Kiên Giang, địa phương này đã hoàn thành 109 cống và sẽ hoàn thành thêm 10 cống nữa vào cuối năm nay. 17 cống còn lại đang chuẩn bị khởi công và sẽ hoàn thành vào năm 2021 – 2022. “Nếu hệ thống cống hoàn thành trên toàn tuyến, không chỉ Kiên Giang mà sẽ giúp ngăn mặn cho cả Cà Mau” – vị này nói.

Ông Nguyễn Xuân Cường – bộ trưởng Bộ NN&PTNT – cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ưu tiên nguồn lực trong kế hoạch trung hạn 2021 – 2025 đầu tư cho công trình thủy lợi thích ứng với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn. Các địa phương ĐBSCL cần theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn, áp dụng các biện pháp kỹ thuật về thủy lợi và canh tác lúa để hạn chế tác hại do nhiễm mặn, hướng dẫn nông dân chỉ gieo cấy lúa ở những nơi bảo đảm được nguồn nước tưới.

Ông Trần Hồng Hà – bộ trưởng Bộ TN-MT – dự báo tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp nên các địa phương cần triển khai phương án tăng khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt quy mô phù hợp với ĐBSCL nhằm tăng cường trữ nước, điều tiết nguồn nước.

Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần tập trung theo dõi, tính toán, dự báo kịp thời về quy mô, mức độ hạn hán, xâm nhập mặn, đủ tin cậy để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó. “Cần tiếp tục đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình cấp bách ứng phó với hạn, mặn; công trình hạ tầng thủy lợi phục vụ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, công trình kiểm soát mặn” – ông Dũng nhấn mạnh.

Biến kênh rạch thành hồ nước ngọt

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khảo sát mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tại xã Hiệp Đức, xã Cai Lậy, Tiền Giang, thủ phủ trái cây của cả nước.

Thủ tướng đánh giá cao mô hình sản xuất của Cai Lậy, với 10.000ha trồng sầu riêng đạt hiệu quả cao, nhưng lưu ý bà con cần xem xét chuyển đổi mùa vụ phù hợp, đa dạng hóa các loại cây trồng trong tình hình biến đổi khí hậu.

“Sắp tới đây, dự báo nước mặn sẽ xâm nhập nên việc trữ nước ngọt rất quan trọng. Nếu chúng ta ngăn hết các kênh rạch để trữ nước ngọt thì có thể vượt qua mấy tháng mặn” – Thủ tướng nói, đồng thời giao Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, xâm nhập mặn.

M.TRƯỜNG

M.TRƯỜNG – Đ.PHÚC
TTO