Xuất khẩu chạy nước rút về đích: Kỳ vọng thị trường EU
Xuất khẩu chạy nước rút về đích: Kỳ vọng thị trường EU
Xuất khẩu vào EU đã tăng khá tốt sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, ngay tháng đầu tiên EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu Việt Nam sang thị trường EU đạt 3,78 tỉ USD, cao hơn bình quân 7 tháng trước đó khoảng 600 triệu USD. Tính chung đến hết tháng 8, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 25,92 tỉ USD.
Gạo, cà phê, tôm, trái cây nối đuôi nhau vào EU
Hôm nay (22.9), tại Nhà máy lương thực Thoại Sơn (1 trong 5 công ty lương thực thuộc Tập đoàn Lộc Trời) diễn ra lễ công bố xuất khẩu lô hàng gạo thơm 126 tấn giống Jasmine 85 sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA. Trước đó, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, 3.000 tấn gạo của Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng xuất lô đầu tiên sang Đức và Pháp.
Trong đó chủng loại gạo thơm ST20 được bán với giá trên 1.000 USD/tấn – là giá xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay của gạo Việt Nam và gạo Jasmine có giá 800 USD/tấn… Ước tính sau 8 tháng của năm nay, gạo Việt Nam vào EU đạt trên 15.800 tấn với giá trị xấp xỉ 8,5 triệu USD. Đặc biệt, thông tin từ Bộ Công thương, từ đầu tháng 9 đến nay, đã có 6 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận với khối lượng khoảng 4.300 tấn gạo thơm theo hạn ngạch xuất vào EU.
Bên cạnh gạo, ngày 11.9, lô hàng tôm nước lợ đầu tiên, một trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, do Công ty TNHH Thông Thuận làm lễ xuất đi Hà Lan. Tiếp theo đến ngày 16.9, tại TP.Pleiku, gần 300 tấn cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cũng làm lễ xuất thẳng sang thị trường EU. Cùng ngày, lô hàng chanh dây 100 tấn đã qua chế biến của Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cũng được xuất sang châu Âu theo EVFTA. Chỉ sau đó 1 ngày, Bộ NN-PTNT phối hợp Tổng công ty Vina T&T làm lễ xuất khẩu lô trái cây đầu tiên của Việt Nam. Sự kiện này đã làm thay đổi cách nhìn và tâm thế của trái cây Việt khi đặt chân vào thị trường EU, từng bước chinh phục thị trường vốn được xem là khó tính với hàng trái cây Việt Nam từ trước đến nay. Với việc có Hiệp định EVFTA, 94% của 540 dòng thuế trái cây, rau quả từ Việt Nam vào thị trường EU đã về 0%, có thể mở ra cơ hội tăng trưởng mạnh hơn cho nhóm sản phẩm này.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, cho biết sau hơn một tháng đàm phán, đợt này công ty sẽ xuất khẩu 20.000 quả dừa tươi sang thị trường Anh, 12 tấn bưởi sang thị trường Đức và 3 tấn thanh long bằng đường hàng không sang thị trường Hà Lan. Đây không phải là lô hàng trái cây đầu tiên của doanh nghiệp xuất đi thị trường EU. Thực tế khi chưa có EVFTA, công ty cũng đã xuất khẩu sang thị trường này và một số thị trường khó tính khác như Mỹ, Úc, Nhật, Canada… Tuy nhiên, từ khi có EVFTA, công ty nhận được rất nhiều đơn hàng của các nước châu Âu, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công ty chỉ xuất khẩu cầm chừng các mặt hàng trái cây.
Chờ thêm khách hàng mới
Đơn hàng xuất khẩu sang thị trường EU đã tăng trở lại từ tháng 8 đến nay. Chẳng hạn, riêng tôm chỉ trong tháng 8 xuất sang EU tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt tôm sú đông lạnh của Việt Nam đã hưởng lợi khi được hưởng thuế 0% so với mức thuế ưu đãi GSP 4,2% trước đó.
Theo ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Cafatex, sau một thời gian gần như tạm ngừng giao dịch vì dịch Covid-19 thì gần đây nhiều bạn hàng ở EU đã bắt đầu hỏi thăm và giao dịch trở lại. Công ty này chuyên xuất khẩu tôm và cá tra vào nhiều thị trường, trong đó có các nước EU.
Với việc thuế xuất khẩu tôm giảm còn 0%, ông Kịch cho rằng đây là lợi thế lớn nhất cho tôm Việt Nam, đặc biệt nếu so với những quốc gia xuất khẩu tôm như các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc… Thậm chí, vị tổng giám đốc này còn cho rằng trong dài hạn, tôm sú của Việt Nam có thể dần dần thay thế được tôm từ Ấn Độ, Thái Lan hay Trung Quốc vì chất lượng sản phẩm hơn hẳn. Tuy nhiên để cạnh tranh tốt nhằm gia tăng số lượng bán hàng, tôm nói riêng hay thủy sản Việt Nam nói chung luôn phải duy trì được chất lượng đồng nhất, đảm bảo được các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì nếu để diễn ra tình trạng gian lận thương mại, chất lượng không đồng đều thì sẽ bị gạt bỏ ra khỏi thị trường.
“Tôm Việt Nam cũng đã quen thuộc với nhiều người mua ở EU, nhất là tôm thẻ chân trắng. Có EVFTA thì quá thuận lợi cho ngành thủy sản Việt Nam bởi sẽ có những người mua từ bỏ Thái Lan, Ấn Độ hay Trung Quốc để chuyển sang mua hàng từ Việt Nam. Chúng tôi cũng đang chờ đợi có thêm những khách hàng mới sau này”, ông Kịch chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nhận định từ hiệu quả của EVFTA, xuất khẩu gạo của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng mạnh về số lượng lẫn trị giá. Ngoài thuế giảm, Việt Nam hiện có nhiều giống gạo thơm cạnh tranh tốt với gạo Thái Lan. Nhìn chung, chất lượng gạo của Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm qua. Do đó sau khi gạo Việt Nam vào EU với giá tốt hơn thì tính lan tỏa tăng vào các thị trường khác cũng gia tăng. Vì vậy dù số lượng gạo 80.000 tấn gạo trong hạn ngạch xuất sang EU với thuế 0% không thấm tháp vào đâu so với 7 triệu tấn gạo Việt Nam xuất khẩu mỗi năm nhưng có hiệu quả lớn về thương hiệu, danh tiếng.
MAI PHƯƠNG – NGUYÊN NGA
TNO