Cho học sinh dùng điện thoại trong lớp: Cần hướng dẫn kỹ năng dùng điện thoại
Cho học sinh dùng điện thoại trong lớp: Cần hướng dẫn kỹ năng dùng điện thoại
Tôi ủng hộ quyết định của Bộ GD-ĐT khi cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp. Vì Bộ GD-ĐT cho học sinh dùng điện thoại để phục vụ học tập chứ không phải để làm việc riêng.
Xét một cách khách quan, việc học sinh sử dụng điện thoại sẽ có hai mặt tốt và xấu. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là các trường phát huy được mặt tốt và hạn chế được mặt xấu, chứ xu thế giáo dục trong thời kỳ hiện đại mình không thể tránh khỏi.
Cần thiết cho học chuyên đề, dự án
Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) đã cho học sinh mang điện thoại vào lớp hai năm nay nhưng cũng có quy định hết sức nghiêm ngặt về việc này. Nếu học sinh lấy điện thoại ra trong khi giáo viên không yêu cầu thì sẽ bị tịch thu điện thoại và hạ bậc hạnh kiểm, bản thân giáo viên đứng lớp cũng bị trừ điểm thi đua do không quản lý tốt lớp học. Do đó, những tiết dạy cần thiết tôi sẽ ghi lên bảng là: “Học sinh được sử dụng điện thoại” để khi giám thị đi kiểm tra họ nắm được tình hình và không kỷ luật học sinh.
Có thể những trường ít sử dụng công nghệ thông tin để dạy – học, kiểm tra – đánh giá học sinh thì sẽ thấy điện thoại là không cần thiết. Nhưng ở Trường THPT Lê Quý Đôn thì rất cần bởi chúng tôi thường xuyên cho học sinh học theo chuyên đề, học theo dự án… Những tiết học đó bắt buộc học sinh phải tra Google để tìm hiểu thông tin, lập dàn ý, đề cương… theo yêu cầu của giáo viên.
Tiếp theo đó là cho học sinh làm bài tập, làm bài kiểm tra trắc nghiệm trên Google form cũng không thể không cho học sinh sử dụng điện thoại. Mà cách làm này có rất nhiều ưu điểm: tiết kiệm tài nguyên giấy, có thể xáo các câu hỏi với sĩ số 40 học sinh/lớp thì sẽ có 40 đề kiểm tra khác nhau, đỡ công sức cho giáo viên vì không phải chấm bài (khi học sinh ấn nút gửi bài kiểm tra là trên máy hiện ra kết quả luôn).
Giáo viên bao quát lớp
Một số đồng nghiệp có thắc mắc là nếu trong giờ học, giờ kiểm tra mà học sinh dùng điện thoại để chơi game, lướt Facebook, quay cóp… thì sao? Tôi cho rằng nếu giáo viên bao quát được lớp thì học sinh không thể làm việc riêng được. Ví dụ giờ học sinh tra Google để làm dàn ý thì tôi sẽ đi lòng vòng trong lớp để xem, nghe các nhóm làm việc, em nào không tập trung hoặc làm việc riêng tôi sẽ biết ngay.
Đề kiểm tra thì khi ra đề, chúng tôi sẽ cân nhắc để học sinh trung bình có thể làm được 50% số câu hỏi, thời gian làm bài thì rất khít khao để nếu học sinh có gian lận sẽ không thể làm hết các câu hỏi.
Môn học của tôi thường dạy theo sơ đồ tư duy nên tôi cũng lo ngại chỉ cần học sinh chụp ảnh sơ đồ tư duy ấy và lưu trong điện thoại là có thể làm bài được. Vì vậy, trước khi làm bài kiểm tra, các em phải nộp điện thoại cho giáo viên để chúng tôi kiểm tra phần hình ảnh lưu trong máy. Trong giờ kiểm tra cũng vậy, em nào làm bài nhanh, nộp bài và ra khỏi phòng trước thì phải nộp luôn cả điện thoại cho giáo viên, hết giờ sẽ được nhận lại.
Một số phụ huynh còn lo ngại con em họ mang điện thoại vào trường thì sẽ chơi game online, xem phim có nội dung xấu… Thật ra muốn làm như vậy thì trường phải có mạng WiFi hoặc học sinh phải nạp tiền để có mạng 3G, 4G. Nhưng trên thực tế, hiện có rất ít trường trung học có mạng WiFi, một số trường nếu có thì cũng không đủ mạnh để học sinh có thể xem phim.
Việc nạp tiền thì phụ huynh và giáo viên có thể quản lý được: môn học nào cần thiết cho học sinh dùng điện thoại thì giáo viên phải thông báo cho học sinh chuẩn bị. Lúc đó, phụ huynh có thể khống chế số tiền cho con em mình để nạp thẻ vừa đủ, sử dụng cho việc học đã hết tiền thì làm sao có mạng 3G, 4G để chơi game nữa?
Nên biên soạn hướng dẫn kỹ năng dùng điện thoại
Cá nhân tôi không cấm con dùng điện thoại nhưng tôi muốn con biết cách dùng điện thoại hợp lý. Tôi nghĩ rằng cấm học sinh dùng điện thoại sẽ rất khó bởi cái gì càng cấm thì các em lại càng muốn được làm. Nên chăng với những thay đổi cởi mở này, Bộ GD-ĐT có thể biên soạn tài liệu hướng dẫn học sinh các kỹ năng sử dụng điện thoại. Sử dụng điện thoại lúc nào, sử dụng như thế nào, phòng chống tin giả ra sao, bảo vệ những thông tin riêng tư của mình trên thế giới ảo như thế nào, trước những lời rủ rê của bạn bè về chơi game liên quân thì nên ứng xử ra sao…?
Chúng ta cũng cần cung cấp những cảnh báo về việc sử dụng điện thoại quá mức sẽ nguy hại như thế nào cả về thể chất lẫn tinh thần đối với giới trẻ. Tôi nghĩ đây sẽ là cách làm hiệu quả để học sinh đảm bảo được việc học của mình, tránh bị ảnh hưởng bởi điện thoại.
Lê Nguyễn Cao Tài
Tôi cực lực phản đối
Khi nghe tin Bộ GD-ĐT ban hành thông tư 32 cho phép học sinh phổ thông được mang điện thoại vào lớp học, chúng tôi là phụ huynh thấy hết sức ngỡ ngàng. Xung quanh ta trẻ nghiện điện thoại thông minh để chơi game, chat chit, lên “phây”, trò chơi ảo tính điểm… đã báo động. Nhiều trẻ học hành sa sút, thậm chí bỏ học vì nghiện điện thoại.
Nay ở nhà phụ huynh kiểm tra việc sử dụng điện thoại đã không xuể, giờ lại được mang theo đến trường thì giáo viên nào kiểm soát được nội dung các em tra cứu? Mặt tích cực chưa thấy, mặt tiêu cực đã rõ, các em lười biếng sẽ chụp tài liệu, quay cóp, cắt dán chuyển cho nhau đáp án để đối phó với thầy cô, không tập trung học tập…, như thế thì tư duy các cháu ở đâu và học được gì, sau này làm được gì? Chúng tôi cực lực phản đối và không đồng ý việc cho học sinh THCS và THPT mang điện thoại vào lớp học.
Trang Văn Bé (Cà Mau)
Chỉ nên dùng trong ngoại khóa
Điện thoại di động và các ứng dụng của nó ngày nay đang tiêu tốn quá nhiều thời gian của học sinh sau giờ học, do vậy việc không kiểm soát được thời gian hữu ích sử dụng điện thoại trong lớp thì càng phát sinh nhiều hệ lụy hơn. Các hệ lụy có thể nhìn thấy như nghiện điện thoại, lượng lớn truy cập gây tắc nghẽn hệ thống mạng, chứng thiếu ngủ của trẻ, quay lén, hay nạn trộm cắp điện thoại có thể xảy ra…
Do vậy, đây chưa phải là thời điểm phù hợp để đưa điện thoại di động vào nhà trường. Có chăng chúng ta nên tổ chức các buổi chia sẻ về cách thức sử dụng điện thoại di động đúng cách tại nhà hoặc cách thức để học tập tốt hơn thông qua ứng dụng di động tại nhà. Điện thoại di động chỉ nên được sử dụng trong các buổi cắm trại, hoạt động ngoại khóa hoặc các buổi dạy học về ứng dụng di động.
Ông Trần Viết Quân (nhà sáng lập ứng dụng Tanca.io)
ĐỨC THIỆN ghi