09/01/2025

Trường học hạnh phúc có là phong trào ?

Trường học hạnh phúc có là phong trào ?

Từ năm 2019, Bộ GD-ĐT triển khai cuộc vận động ‘xây dựng trường học hạnh phúc’. Nhưng liệu đây có phải là một phong trào như bao cuộc vận động khác, sau một thời gian rồi kết thúc?
Tất cả hoạt động của nhà trường đều hướng đến niềm vui, hạnh phúc cho học sinh và cả giáo viên /// NGỌC THẮNG
Tất cả hoạt động của nhà trường đều hướng đến niềm vui, hạnh phúc cho học sinh và cả giáo viên NGỌC THẮNG

Học để biết, làm, chung sống chưa phải là hạnh phúc

Các nhà giáo dục theo trường phái hạnh phúc cho rằng hạnh phúc là mục đích quan trọng nhất của giáo dục cần đạt tới, vấn đề học không chỉ để “biết”, “làm”, “để tự khẳng định mình” và “chung sống”, như quan niệm 4 trụ cột giáo dục của UNESCO các yếu tố “biết”, “làm”, “tự khẳng định mình”… tự nó không làm nên hạnh phúc mà chỉ là điều kiện của hạnh phúc.
Theo Nel Noddings (nhà giáo dục Mỹ), giáo dục mà không đưa đến hạnh phúc là một nền giáo dục sai lầm và què quặt, còn hạnh phúc mà không có giáo dục là hạnh phúc không bền vững.

Những rào cản đối với trường học hạnh phúc

Những năm gần đây, ngành giáo dục triển khai các giải pháp hướng đến giáo dục hạnh phúc như: giảm tải chương trình học, chương trình giáo dục phổ thông tiếp cận phát triển năng lực, phẩm chất và phát triển toàn diện học sinh (HS) theo từng cá nhân; giảm áp lực thi cử, thay đổi cách kiểm tra, đánh giá vì sự tiến bộ của HS; tăng cường hoạt động trải nghiệm ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn; tăng cường khen thưởng, động viên và thực hiện kỷ luật tích cực đối với HS…
Bộ GD-ĐT tổ chức cuộc vận động vì một trường học hạnh phúc. Trọng tâm mô hình này là “Trường học hạnh phúc – giáo viên (GV) hạnh phúc – HS hạnh phúc” với 3 tiêu chí cốt lõi: yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Để tiến tới trường học hạnh phúc còn nhiều rào cản, trước hết là bệnh thành tích của giáo dục. Ngành giáo dục đã quyết liệt với bệnh thành tích, nhưng công tác thi đua, khen thưởng thường tập trung vào các con số như: tỷ lệ HS giỏi, tỷ lệ tốt nghiệp, số GV dạy giỏi, tỷ lệ lên lớp, nên tạo ra áp lực cho nhà trường, cho GV và HS. Còn phụ huynh mong muốn con mình học giỏi, đỗ vào trường chuyên, hay đại học top đầu. Một số nơi sĩ số HS mỗi lớp rất cao, rất khó khăn cho dạy học và hoạt động giáo dục, nhất là đánh giá HS vừa nhận xét, vừa bằng điểm số.
Ngành giáo dục đang triển khai nhiều vấn đề mới như đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới kiểm tra, đánh giá HS, nâng chuẩn đào tạo theo luật Giáo dục 2019… đòi hỏi GV phải nỗ lực, đầu tư nhiều công sức hơn nhưng thu nhập thấp, không đủ sống, và nguy cơ lương có thể giảm do không còn phụ cấp thâm niên. Cơ sở vật chất, trường lớp và đi lại của HS miền núi, vùng sông nước quá khó khăn, thiếu thốn; quy chế dân chủ cơ sở chủ yếu chỉ quy định dân chủ đối với GV, nhân viên, chưa quy định dân chủ với HS… Công tác bổ nhiệm đội ngũ quản lý giáo dục có nơi chưa minh bạch, dẫn đến chạy chức, chạy quyền… Đây là những trở ngại trong quá trình xây dựng trường học hạnh phúc.

Giải pháp xây dựng trường học hạnh phúc

Để xây dựng trường học hạnh phúc, trước hết, cần nâng cao nhận thức cho GV, HS về hạnh phúc và mục tiêu hạnh phúc của giáo dục. Đây là mục tiêu lâu dài, mục tiêu tối thượng của giáo dục. Vì vậy, tất cả hoạt động của nhà trường, giảng dạy và học, hoạt động trải nghiệm… đều hướng đến niềm vui, hạnh phúc cho HS và cả GV. Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho GV về dạy học tích cực, về kiểm tra, đánh giá vì sự tiến bộ phẩm chất, năng lực của HS. Nghiên cứu để xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp có nội dung về hạnh phúc của con người để giảng dạy cho HS.
Cần xác định rõ trách nhiệm của nhà trường, trách nhiệm của thầy cô, trách nhiệm của HS với nhà trường và công tác xây dựng môi trường sư phạm dân chủ, văn minh một cách cụ thể, rõ ràng, không tạo ra áp lực nhưng cũng không quá tập trung vào phong trào, làm đẹp báo cáo thành tích, không mang lại hiệu quả thiết thực.
Mô hình giáo dục hạnh phúc thế giới
Mỹ là quốc gia đi tiên phong trong lĩnh vực hạnh phúc trong giáo dục, đã có tới hàng trăm trường học đang đưa nội dung giáo dục hạnh phúc vào giảng dạy.
Ở Anh, tất cả HS đều cần phải học “những bài học hạnh phúc” cho đến tuổi 18 là mốc tuổi trưởng thành.
Ở Phần Lan, các trường mầm non, người ta không chú trọng tới toán, đọc hay viết, những năm đầu đời với trẻ chỉ là phát triển sức khỏe, tinh thần hạnh phúc và mục đích chính là “đảm bảo cho trẻ trở thành những công dân hạnh phúc và có trách nhiệm”.
Tại Úc, các trường tiểu học thực hiện chương trình Positive Detective (nhận ra điều tích cực). Mục đích là dạy trẻ cách tìm kiếm những điều tốt đẹp xung quanh và chia sẻ với người khác; dạy các em cách tập trung vào môn học trong khi lên lớp, đồng thời biết nhận diện những khía cạnh cảm xúc/suy nghĩ tiêu cực, từ đó có thể kiểm soát và thay đổi…
Tại Ấn Độ, các trường học ở thủ đô Delhi của Ấn Độ đã có thêm môn học “hạnh phúc” nhằm tăng cường sức khỏe tinh thần và giúp các HS hạnh phúc hơn.
HỒ SỸ THANH
TNO