23/01/2025

Lực lượng chức năng Mỹ cam kết ngăn chặn nạn đánh cá làm cạn kiệt tài nguyên

Lực lượng chức năng Mỹ cam kết ngăn chặn nạn đánh cá làm cạn kiệt tài nguyên

Báo cáo của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã dành những lời lẽ gay gắt về việc đánh bắt cá trái phép và kêu gọi các quốc gia quan tâm tới vấn đề đoàn kết chống lại các nước cư xử theo kiểu của “kẻ săn mồi” trên biển.

 

Lực lượng chức năng Mỹ cam kết ngăn chặn nạn đánh cá làm cạn kiệt tài nguyên - Ảnh 1.

Tàu đánh cá Trung Quốc tại cảng Đàm Môn, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc – Ảnh: SCMP

Báo South China Morning Post ngày 20-9 cho biết báo cáo này, công bố ngày 17-9, chỉ trích lực lượng tàu cá có vũ trang, bị tố được Bắc Kinh sử dụng nhằm thực thi các tuyên bố chủ quyền trái phép của họ ở Biển Đông.

Bắc Kinh bị nói dùng chiến thuật cho tàu bè tràn ngập vùng biển này, quanh các đảo tranh chấp và xua đuổi ngư dân và binh sĩ của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang rạn nứt, báo cáo cho thấy quyết tâm của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ trong việc tăng cường hoạt động chống lại đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc, theo ước tính mới nhất là khoảng 17.000 tàu, và hơn 12.000 trong số đó hoạt động ở các vùng biển không thuộc về Trung Quốc.

Mặc dù không chỉ có tàu Trung Quốc đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của các quốc gia khác, nhưng báo cáo tháng 6-2020 của Viện Phát triển hải ngoại, trụ sở tại London (Anh) chỉ ra rằng Trung Quốc là nước góp phần lớn nhất vào “cuộc khủng hoảng nghề cá toàn cầu” với đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất trên thế giới.

Trung Quốc cũng là quốc gia có điểm kém nhất trong chỉ số về đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) năm 2019 của Sáng kiến ​​Toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Báo cáo khẳng định với những cam kết mạnh mẽ: “Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ sẽ làm rõ hoạt động của những chủ thể vi phạm quy định của các quy tắc quốc tế, phơi bày và quy trách nhiệm với những thế lực bắt nạt nghiêm trọng nhất”.

Theo đó, lực lượng chấp pháp trên biển của Mỹ sẽ tập trung mạnh vào hành vi “săn mồi” vì “các quốc gia săn mồi và vô trách nhiệm, nhắm mắt làm ngơ các quy định về đánh cá IUU đã làm méo mó thị trường bằng các chính sách kinh tế hung hăng, phá hoại các nền dân chủ tự do và cởi mở, thách thức an ninh và thịnh vượng, và gây bất ổn cho các quốc gia đang gặp rủi ro trên toàn cầu”.

“Quốc gia săn mồi tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động của các mô hình kinh tế và phát triển quyền lực của mình với cái giá là chủ quyền của những người khác”.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ sẽ đối đầu với các hành động của các chủ thể nhà nước săn mồi và vô trách nhiệm bằng cách thúc đẩy quan hệ đối tác với các quốc gia ven biển đang gặp rủi ro và các quốc gia cùng quan điểm.

HỒNG VÂN
TTO