Mỹ đẩy mạnh kế hoạch triển khai vắc xin Covid-19

Mỹ đẩy mạnh kế hoạch triển khai vắc xin Covid-19

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói vắc xin Covid-19 sẽ sẵn sàng trong tháng 10, nhưng chuyên gia y tế hàng đầu công bố lộ trình khác.

 

 

Hiện chưa có vắc xin Covid-19 nào được chứng minh là an toàn và hiệu quả /// REUTERS
Hiện chưa có vắc xin Covid-19 nào được chứng minh là an toàn và hiệu quả REUTERS
Trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ vào hôm qua, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield cho biết nước này sẽ có “một số lượng rất hạn chế liều vắc xin” dành cho các nhóm ưu tiên vào tháng 11 và 12, còn tiêm miễn phí cho toàn dân thì có thể vào “cuối quý 2 hoặc đầu quý 3 năm 2021”. Ông Redfield lưu ý việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên có thể hiệu quả hơn vắc xin, theo Reuters.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump nói: “Đó là thông tin không chính xác. Tôi nghĩ rằng ông Redfield mắc sai lầm khi đưa ra tuyên bố này. Chúng ta sắp có vắc xin, có thể là trong tháng 10”. Ông Trump cũng chỉ trích việc so sánh việc đeo khẩu trang với vắc xin.
Các cuộc thăm dò cho thấy đa số người Mỹ không tán thành cách ứng phó đại dịch của ông Trump. Đảng Dân chủ lo ngại ông Trump gây áp lực buộc các cơ quan y tế gấp rút phê chuẩn vắc xin nhằm “ghi điểm” với cử tri trước cuộc bầu cử ngày 3.11, theo AFP.
Nhắc đến ông Trump, chuyên gia hàng đầu tại Tổ chức Y tế thế giới Mike Ryan kêu gọi các nước đưa ra “thông báo nhất quán” cho người dân, đừng biến đại dịch Covid-19 thành “sân bóng chính trị”.
Thế giới hiện có 5 vắc xin Covid-19 tiềm năng đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng là của Hãng AstraZeneca (Anh -Thụy Điển), Viện Gamaleya (Nga), Moderna (Mỹ), Pfizer (Mỹ) và Sinovac (Trung Quốc).
Tổ chức chống nghèo đói và bất công Oxfam ước tính năng lực sản xuất 5 loại vắc xin này là 5,9 tỉ liều, đủ cho 3 tỉ người vì mỗi người cần phải tiêm 2 liều. Tuy nhiên, các nước giàu có, vùng lãnh thổ và khu vực phát triển đại diện 13% dân số thế giới – bao gồm Mỹ, Anh, Liên minh Châu Âu (EU), Úc, Hồng Kông, Ma Cao, Nhật Bản, Thụy Sĩ và Israel – đã đặt hàng trước 2,7 tỉ liều (tức chiếm 51% trong số 5,9 tỉ liều), theo Oxfam.
Trong khi đó, 2,6 tỉ liều đã được các nước đang phát triển đặt hàng, bao gồm Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Brazil, Indonesia và Mexico.
Thẩm phán Mỹ ủng hộ lệnh cấm thị thực H-1B
Thẩm phán liên bang Mỹ Amit Mehta tại thủ đô Washington D.C ngày 16.9 từ chối ngăn cản chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt các giới hạn về thị thực dành cho người lao động nước ngoài, theo Hãng tin Bloomberg. Trước đó, Tổng thống Trump ngày 22.6 ban hành sắc lệnh với nội dung sẽ hoãn cấp một số thị thực cho đến hết năm 2020, bao gồm H-1B (lao động chuyên môn, tay nghề cao). Một nhóm gồm 169 công dân Ấn Độ buộc phải quay về nước sau thời gian làm việc tại Mỹ đã đâm đơn kiện lên tòa án liên bang, nhưng phần thắng đã thuộc về chính quyền Tổng thống Trump. Hiện tòa án ở TP.Oakland (bang California) vẫn chưa có phán quyết về đơn kiện với nội dung tương tự do Phòng Thương mại Mỹ và một số tổ chức khác đứng tên.
H.G
TNO