04/01/2025

Vì sao nhà hàng, quán bar bị xem là nơi dễ lây nhiễm COVID-19?

Vì sao nhà hàng, quán bar bị xem là nơi dễ lây nhiễm COVID-19?

Trung tâm CDC đã đưa ra cảnh báo mới về nguy cơ lây nhiễm virus corona ở môi trường tụ tập đông người tại nhà hàng, quán bar. Bộ Y tế Pháp cũng cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm từ các cuộc họp mặt riêng tư.

 

Vì sao nhà hàng, quán bar bị xem là nơi dễ lây nhiễm COVID-19? - Ảnh 1.

Trong quán bar Full Throttle Saloon ở Sturgis (bang South Dakota, Mỹ) tháng 8-2020, không ai mang khẩu trang – Ảnh: AFP

Các nhà dịch tễ học thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khảo sát xem những người có triệu chứng nhiễm COVID-19 tham gia hoạt động gì trong hai tuần trước khi triệu chứng xuất hiện.

314 người tham gia

Nghiên cứu được thực hiện từ ngày 1 đến 29-7 tại 11 địa điểm của 10 bang trên 314 người có bộc lộ các triệu chứng nhiễm COVID-19 trên 18 tuổi vừa qua xét nghiệm RT-PCR.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên bản tin dịch tễ hàng tuần của CDC hôm 1-9.

Trong 314 người tham gia, cuối cùng có 154 người nhiễm SARS-CoV-2 và 160 người có kết quả âm tính.

Nghiên cứu này độc đáo ở chỗ đã so sánh tần suất phơi nhiễm trong nhóm dương tính với nhóm đối chứng có kết quả âm tính.

Nhóm nghiên cứu đã hỏi những người tham gia trong 14 ngày trước khi bộc lộ triệu chứng, họ có mang khẩu trang khi tiếp xúc với cộng đồng; có họp mặt nhóm trên 10 người ở nhà riêng; có đến các cửa hàng mua sắm, phòng tập thể dục, quán bar, quán cà phê, tiệm làm tóc; dự lễ tôn giáo hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Đối với mỗi hoạt động, những người tham gia cho biết mức độ tuân thủ (từ “hoàn toàn không” đến “hầu như thường xuyên”) đối với các biện pháp giãn cách như mang khẩu trang, giữ khoảng cách.

Vì sao nhà hàng, quán bar bị xem là nơi dễ lây nhiễm COVID-19? - Ảnh 2.

Người phục vụ mang khẩu trang và găng tay bên ngoài nhà hàng Peter Luger Steakhouse ở Broolyn (New York) – Ảnh: AFP

Vì sao quán bar, nhà hàng có nhiều nguy cơ lây nhiễm?

Kết quả phân tích cho thấy nhóm dương tính ăn tối ở nhà hàng 2,4 lần nhiều hơn nhóm âm tính và đi quán bar, quán cà phê 3,9 lần nhiều hơn nhóm âm tính.

71% nhóm dương tính và 74% nhóm âm tính có sử dụng khẩu trang nơi công cộng.

42% nhóm dương tính có tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 so với 14% trong nhóm âm tính. 51% số lần tiếp xúc xảy ra trong gia đình.

Cuối cùng, khoảng 50% số người tham gia có đi mua sắm và đến nhà người khác (tham gia nhóm dưới 10 người) ít nhất một ngày trong hai tuần trước khi bộc lộ triệu chứng.

TS Kiva A. Fisher và các đồng nghiệp ở CDC cho rằng do mức độ thông gió và cường độ luồng không khí kém nên nhà hàng, quán bar là nơi dễ lây nhiễm. Ngoài ra, khó mang khẩu trang tại những nơi ăn uống tại chỗ như vậy.

Nhóm nghiên cứu kết luận: “Để SARS-CoV-2 chậm lây lan, nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như ở nhà sau khi tiếp xúc với người nhiễm, tuân thủ các khuyến cáo phải rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang và tôn trọng giãn cách xã hội”.

Các nhà khoa học thừa nhận nghiên cứu chưa phân biệt rõ ràng giữa ăn uống bên trong và bên ngoài nhà hàng, do đó họ đề nghị tiếp tục đánh giá kỹ hơn các loại hình hoạt động và tình huống tiếp xúc.

Vì sao nhà hàng, quán bar bị xem là nơi dễ lây nhiễm COVID-19? - Ảnh 3.

Các cuộc họp mặt như đám cưới có nguy cơ lây nhiễm nếu không phòng dịch – Ảnh: 24heures.ch

Pháp kêu gọi tránh họp mặt riêng tư

Tại Pháp hôm 14-9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đại học, nghiên cứu và đổi mới Frédérique Vidal cho biết hơn 10 ổ dịch mới được xác định trong các trường đại học.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Dữ liệu mới nhất xác nhận các ổ lây nhiễm mới gia tăng chủ yếu do các cuộc họp mặt riêng tư của sinh viên”.

GS Philippe Amouyel ở Bệnh viện Đại học Lille nhận xét: “Người Pháp tôn trọng các biện pháp phòng dịch ở nơi công cộng và nơi làm việc, nhưng vẫn còn khu vực thứ ba có thể là điểm bùng phát virus corona”.

Khu vực thứ ba là các cuộc họp mặt riêng tư như bữa ăn gia đình, đám cưới, tiệc sinh nhật, nơi gặp gỡ bạn bè.

Theo Cơ quan Y tế công cộng Pháp, môi trường gia đình mở rộng và các sự kiện công/tư họp mặt nhiều người là nguồn gốc dẫn đến 26% trong 1.600 ổ dịch được phát hiện từ khi chấm dứt phong tỏa vào tháng 5-2020.

Con số này gần tương đương với các ổ dịch từ công ty (29%).

Nhà dịch tễ học Antoine Flahault – giám đốc Viện Sức khỏe toàn cầu tại Đại học Genève (Thụy Sĩ), ghi nhận: “Họp mặt riêng tư và lễ lạc kỷ niệm trong gia đình là những sự kiện có nguy cơ cao không chỉ lây truyền mà còn truyền virus cho người có nguy cơ (người già, người có bệnh nền) vì thường có nhiều thế hệ tham dự”.

HOÀNG DUY LONG
TTO