25/11/2024

Điểm thi cao hơn điểm sàn bao nhiêu sẽ trúng tuyển ĐH?

Điểm thi cao hơn điểm sàn bao nhiêu sẽ trúng tuyển ĐH?

Để chuẩn bị cho việc thực hiện điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 19.9, các trường đại học đang công bố ngưỡng điểm tối thiểu nhận đăng ký xét tuyển (điểm sàn) cho phương thức xét điểm thi THPT.
Thí sinh nhận giấy chứng nhận THPT tạm thời để nộp hồ sơ xét tuyển đại học /// ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Thí sinh nhận giấy chứng nhận THPT tạm thời để nộp hồ sơ xét tuyển đại học ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Theo nhận định của chuyên gia các trường, tùy ngành cụ thể, điểm chuẩn có thể tương đương hoặc cao hơn điểm sàn.
Đến thời điểm này, thống kê từ nhiều trường cho thấy số thí sinh (TS) xác nhận nhập học chỉ từ 30 – 50% tổng chỉ tiêu. Như vậy, chỉ tiêu còn lại khá lớn cho xét kết quả thi THPT.

Có ngành điểm chuẩn cao hơn sàn 6 – 7 điểm

Một số trường ĐH đã công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển các ngành ngoài khối sức khỏe và sư phạm. Mức điểm nhận hồ sơ các trường dao động trong khoảng 16 – 22. Dù điểm sàn được đưa ra khá sát với thực tế xét tuyển nhưng theo các chuyên gia, sự chênh lệch giữa điểm sàn và điểm chuẩn có nhiều mức khác nhau, tùy nhóm ngành.
Tiến sĩ Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, cho biết trường đã công bố điểm sàn xét điểm thi tốt nghiệp trong từ 18 – 20. So với điểm sàn này, điểm chuẩn trúng tuyển có thể cao hơn từ 2 – 3 điểm. Cụ thể, những ngành có điểm sàn 18, điểm chuẩn có thể 20, các ngành điểm sàn 20 điểm chuẩn có thể 22 – 23.
Riêng ngành ngôn ngữ Anh, tiến sĩ Khoa cho biết: “Điểm chuẩn ngành này sẽ cao hơn các ngành khác do mức độ quan tâm của TS, điểm chuẩn có thể cao hơn điểm sàn từ 6 – 7 điểm. Tuy nhiên, ngành này thuộc chương trình liên kết, điểm chuẩn dự báo chỉ cao hơn sàn khoảng 2 điểm”.
Trường ĐH Quốc tế hiện gần như hoàn tất việc xác nhận nhập học với TS trúng tuyển các phương thức khác. Tuy nhiên, số TS nhập học thấp hơn dự kiến, khoảng 35% tổng chỉ tiêu. Do vậy, chỉ tiêu còn lại xét điểm thi tốt nghiệp khá nhiều, gần 65% (tương đương 1.200 chỉ tiêu ĐH chính quy và 400 chương trình liên kết). Nhưng chỉ tiêu này không đồng đều giữa các ngành, một số ngành TS đã trúng tuyển nhiều như: ngôn ngữ Anh, quản trị kinh doanh, logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, kết quả xác nhận nhập học các phương thức tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, thi đánh giá năng lực cho thấy hầu hết TS đăng ký vào khoa học máy tính (chương trình tiên tiến), nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ thông tin (chất lượng cao – CLC), hóa học, công nghệ sinh học. Các ngành, chương trình còn lại TS ít quan tâm.
Theo thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin – truyền thông trường này, có thể dự đoán điểm chuẩn ngành khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) ở mức 26 – 28 điểm (năm ngoái 24,6 điểm); nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin 26 – 27,5 điểm (năm ngoái 25); công nghệ thông tin (CLC) 24,5 – 26 điểm (năm ngoái 23,2 điểm); công nghệ thông tin Việt – Pháp 22 – 23 điểm… Các ngành khác điểm chuẩn có thể ở mức sau: công nghệ sinh học 23,5 – 25 điểm; công nghệ sinh học CLC 20,5 – 23; hóa học 22,5 – 25; hóa học Việt – Pháp 20,5 – 22,5; công nghệ kỹ thuật hóa học 20 – 22,5; kỹ thuật hạt nhân 17,5 – 19; vật lý y khoa 18 – 20 điểm.
Cũng theo ông Quán, một số ngành TS có nhiều cơ hội trúng tuyển với điểm chuẩn dự báo ở mức 16,5 – 18 điểm như: toán học, sinh học, sinh học CLC, khoa học môi trường, công nghệ vật liệu, khoa học môi trường CLC, công nghệ kỹ thuật môi trường, khoa học vật liệu, vật lý học, địa chất học, kỹ thuật địa chất, hải dương học…
Trường ĐH Mở TP.HCM cũng đã công bố điểm sàn xét tuyển các ngành từ 16 – 19 điểm. PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết so với năm ngoái, dự đoán điểm chuẩn các ngành xét theo tổ hợp có chứa môn toán năm nay sẽ tăng nhiều hơn các tổ hợp môn khác.

Khối ngành y dược, điểm chuẩn có tăng mạnh ?

Theo dự kiến ngày 17.9 tới, cùng với khối ngành sư phạm, Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng điểm sàn cho khối ngành sức khỏe.
Trước thực tế xét tuyển các phương thức khác, đại diện một số đơn vị đào tạo khối ngành này có thể đưa ra những dự báo về việc tăng điểm chuẩn.
Theo đề án tuyển sinh đã công bố, Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay sử dụng đồng thời 5 phương thức xét tuyển, trong đó dành 30 chỉ tiêu xét điểm thi THPT. Nhưng trước tình hình xác nhận nhập học 4 phương thức trước đó, theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, Phó trưởng khoa Y, chỉ tiêu xét điểm thi THPT còn khoảng 50% tổng chỉ tiêu.
“Cơ hội cho TS xét điểm thi THPT còn nhiều hơn dự kiến ban đầu và dự báo điểm chuẩn các ngành tăng ít nhất vài điểm so với năm ngoái”, thạc sĩ Dũng chia sẻ. Năm 2019, điểm chuẩn các ngành của khoa này ở mức 22,85 – 23,95 điểm.

Tư vấn truyền hình trực tuyến: Điểm chuẩn tăng đến đâu?

Vào 14 giờ 30 hôm nay (14.9), Báo Thanh Niên tiếp tục thực hiện chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến xét tuyển vào ĐH với chủ đề “Điểm chuẩn tăng đến đâu?”. Chương trình được phát tại các kênh: thanhnien.vnFacebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH đã hoàn tất xét tuyển và xác nhận nhập học các phương thức khác như xét học bạ, xét điểm thi năng lực… Trước tình hình TS xác nhận nhập học các phương thức trên, đại diện các trường có thể chốt được chỉ tiêu, điểm sàn và đưa ra những dự báo điểm chuẩn các ngành theo phương thức xét điểm thi THPT.
Chương trình tư vấn hôm nay với chủ đề “Điểm chuẩn tăng đến đâu?” sẽ cung cấp tới TS những thông tin mới nhất về tuyển sinh các trường, đặc biệt là phân tích về tình hình điểm chuẩn các ngành cụ thể.
Chuyên gia tư vấn tham dự chương trình gồm: tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức; thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn; thạc sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Tân Tạo; thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng khoa Du lịch và Việt Nam học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Bảo Hân
Trường ĐH Y Dược Cần Thơ năm nay tuyển 1.480 chỉ tiêu. Trong đó, chỉ tiêu dự bị dân tộc 70, xét tuyển thẳng 6, còn lại xét điểm thi tốt nghiệp. TS-BS Nguyễn Minh Phương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, dự báo điểm chuẩn các ngành của trường năm nay cao hơn năm ngoái ít nhất 1 – 1,5 điểm. Riêng ngành y khoa, điểm chuẩn có thể tăng khoảng 2 điểm so với năm 2019.
Nhận định về khả năng chênh lệch giữa điểm chuẩn so với điểm sàn, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng dự đoán có sự khác nhau tùy ngành. Ông Quốc Anh nói: “Hiện tại điểm nhận hồ sơ là 18. Khả năng một số ngành khó tuyển như môi trường, thực phẩm, sinh học điểm chuẩn sẽ khoảng 18 hoặc cao hơn không đáng kể. Còn những ngành nhiều thí sinh quan tâm như quản trị kinh doanh, marketing, công nghệ ô tô, công nghệ thông tin, du lịch – nhà hàng – khách sạn…, điểm chuẩn có thể từ 21 – 24 điểm, tức tăng từ 3 – 6 điểm so với điểm sàn”.
Có lời khuyên cho TS trong lúc này, thạc sĩ Phùng Quán cho rằng năm nay điểm chuẩn sẽ chỉ tăng ở một số ngành như sư phạm, sức khỏe, nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hóa học, dịch vụ – du lịch, nhà hàng, khách sạn, quản trị kinh doanh, quan hệ quốc tế, truyền thông, kinh tế quốc tế, kinh doanh đối ngoại… Các ngành khác điểm sẽ không tăng nhiều và thậm chí nhiều ngành có TS đăng ký rất ít.
“TS được quyền thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 19.9 tới. Do chỉ được điều chỉnh 1 lần nên TS cần suy nghĩ cẩn thận trước khi nhấp chuột và nộp phiếu thực hiện trên nguyên tắc: ngành yêu thích nhất và trường yêu thích nhất là nguyện vọng 1, các nguyện vọng khác xếp theo thứ tự yêu thích giảm dần”, ông Quán nói.
HÀ ÁNH
TNO