Cụ thể, theo khoản 1, điều 18 của dự thảo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dừng xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông trong thời gian không quá 5 phút và người lái xe không rời vị trí điều khiển, trừ trường hợp xuống để mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe. Khoản 2 điều này cũng quy định đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện mà không phải dừng xe.
Trong khi đó, luật Giao thông đường bộ 2008 quy định “dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên xuống xe, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác”, mà không giới hạn thời gian cụ thể.
Không khả thi
Luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng quy định dừng xe không quá 5 phút là không khả thi, bởi lẽ dừng xe là một trạng thái linh hoạt khi vẫn có người ngồi trên xe; và để giải phóng ùn tắc thì tài xế có thể di chuyển bất cứ lúc nào. Mặt khác quy định trên cũng rất chung chung, không rõ sẽ áp dụng tại một điểm trên tuyến phố hay cả tuyến phố, theo thời điểm hay toàn bộ thời gian.
Quy định dừng xe không quá 5 phút có thể hạn chế được ùn tắc ở một vài
tuyến phố tại Hà Nội, TP.HCM nhưng sẽ không phù hợp khi ở Kon Tum hay Cà Mau
Luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư TP.Hà Nội)
Theo luật sư Phất, việc hạn chế dừng xe chỉ nên áp dụng tại một số tuyến, điểm gây ùn tắc, tương tự như một số địa điểm cố định như sân bay, cửa khách sạn bằng cách đặt các biển báo cấm dừng xe 3 – 5 phút. Còn nếu quy định chung trên tuyến phố, thì sẽ không có bất cứ lực lượng nào đủ khả năng để đi giải quyết, cũng không đủ khả năng để biết họ vi phạm dừng trong bao lâu, từ khi nào…; mà có làm được như thế cũng sẽ mất thời gian, tốn kém nhân lực, vật lực. “Quy định dừng xe không quá 5 phút có thể hạn chế được ùn tắc ở một vài tuyến phố tại Hà Nội, TP.HCM nhưng sẽ không phù hợp khi ở Kon Tum hay Cà Mau. Quy định của luật nhằm đảm bảo chung cho tất cả, thì mới công bằng và đảm bảo sự uy nghiêm của pháp luật”, luật sư Phất nói.
Đồng quan điểm, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh) cho rằng quy định dừng xe không quá 5 phút là không khả thi. “Thứ nhất là khi đặt biển báo đoạn đường
cấm dừng hay cấm đỗ, cơ quan chức năng đã phải tính toán lưu lượng phương tiện, chiều rộng lòng đường… để áp dụng cấm dừng hay cấm đỗ. Nếu đã đặt biển cấm đỗ có nghĩa là đã xác định đoạn đường đó được phép dừng. Vậy tại sao lại phải hạn chế thời gian dừng xe? Thứ hai là có nhiều trường hợp xe phải dừng nhiều hơn 5 phút, ví dụ như đưa trẻ em, người già, người ốm yếu lên xuống xe, bốc dỡ hàng hóa, hoặc thậm chí người lái xe mệt mỏi, đau ốm đột ngột cần dừng lại nghỉ ngơi hơn là cố gắng tiếp tục di chuyển phương tiện… Thứ ba là nếu người lái xe dừng chỗ này 5 phút rồi đi thêm một đoạn nữa để dừng tiếp 5 phút, cứ như thế sẽ xử lý ra sao? Thứ tư là ai sẽ thường trực quản lý, tính toán thời gian dừng của phương tiện để có thể xử phạt trường hợp dừng quá 5 phút?”, luật sư Thanh phân tích, đồng thời cho rằng “không nên áp dụng quy định này đối với toàn bộ hệ thống đường bộ mà chỉ nên áp dụng đối với những khu vực đặc biệt, như sân bay, cổng bệnh viện, trường học”.
Tiếp tục lấy ý kiến
Quy định trừ điểm giấy phép lái xe được thực hiện như thế nào ?
Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX). Theo đó, GPLX được cấp 12 điểm/năm. Điểm của GPLX sẽ bị trừ mỗi khi người điều khiển phương tiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Liên quan đến quy định này, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT, cho biết: “Trong thời hạn một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu người lái xe không bị trừ hết điểm, thì cơ quan chức năng sẽ cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp. Trong một năm mà tài xế không vi phạm, thì sẽ không được cộng tích lũy điểm sang năm kế tiếp. Tài xế bị trừ hết điểm sẽ phải sát hạch lại GPLX”. Đại tá Bình cho biết thêm quy định trừ điểm tạo cho người tham gia giao thông biết rằng mình phải chấp hành tốt để bảo vệ điểm của mình, để mình được lái xe. Ngoài ra, Bộ Công an đang nghiên cứu để đề xuất điểm GPLX cũng là một trong những căn cứ để nhà nước xây dựng chính sách bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ 3 của chủ xe cơ giới. Nếu những lái xe có nguy cơ rủi ro cao, thì mức bảo hiểm sẽ cao. Ngược lại, lái xe chấp hành tốt thì sẽ có lợi trong việc tham gia bảo hiểm.
Cũng theo đại tá Bình, để thực hiện quy định nêu trên, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục CSGT tiến hành và triển khai đồng bộ phần mềm xử lý vi phạm. Khi phần mềm này ra đời thì toàn bộ phương tiện vi phạm, GPLX của người vi phạm sẽ có trong hệ thống phần mềm; cơ quan ra quyết định phạt đều phải nhập dữ liệu vào hệ thống này, đó là dữ liệu rất quan trọng để theo dõi song song với dữ liệu quản lý cấp, cấp đổi GPLX. Công tác này không phát sinh thêm thủ tục hành chính với người dân. Mặt khác, người dân cũng dễ dàng sử dụng các ứng dụng
công nghệ thông tin để kiểm tra; ví dụ, lái xe vi phạm vượt đèn đỏ sẽ biết trong hệ thống theo dõi mình bị mất bao nhiêu điểm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng cần thiết phải có quy định giới hạn thời gian dừng xe tối đa là bao nhiêu, tránh những trường hợp dừng lâu quá trên các tuyến đường, như nhiều xe hợp đồng trá hình dừng 20 – 30 phút chờ khách, nhất là vào giờ cao điểm gây ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, theo ông Quyền, để thực hiện quy định này khả thi, cần nghiên cứu cách thức quản lý như sử dụng dữ liệu giám sát hành trình, gắn camera giám sát có tính năng đo thời gian. Trước mắt, có thể thực hiện việc gắn camera có chức năng đo thời gian tại các điểm, tuyến phố có giao thông phức tạp, quanh các bến xe, tại các tuyến phố có gắn biển cấm…
Trao đổi với Thanh Niên chiều 13.9, đại diện Cục CSGT cho biết đã nhận được nhiều phản ánh về quy định không dừng xe quá 5 phút. “Đây mới là dự thảo và chúng tôi đang trong quá trình tiếp tục lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý để hoàn chỉnh hơn, trong đó có thể tính toán việc quy định này có thể chỉ áp dụng đối với khu vực nội đô”, vị này cho hay.