08/01/2025

Phe phản đối đeo khẩu trang bị các nhà khoa học bật lại ở những điểm nào?

Phe phản đối đeo khẩu trang bị các nhà khoa học bật lại ở những điểm nào?

Nhiều thông tin sai lệch về việc đeo khẩu trang khi đi ra nơi công cộng vẫn lan truyền tại một số nước châu Âu như Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha. Nhưng có ba lập luận sai lầm phổ biến hơn hết đã bị các nhà khoa học phản bác.

 

Phe phản đối đeo khẩu trang bị các nhà khoa học bật lại ở những điểm nào? - Ảnh 1.

Khẩu trang không kín mít nên chúng ta không hít thở khí CO2 của mình – Ảnh: AFP

Thiếu oxy và quá nhiều khí độc CO2: SAI

Một trong những lập luận sai lầm nhất của phe chống khẩu trang là “mang khẩu trang sẽ bị thiếu không khí để thở”.

Báo Le Matin (Thụy Sĩ) ghi nhận thậm chí trên mạng xã hội có đăng một số bài viết “nổ” văng mạng cho rằng khẩu trang có thể làm… chết người.

Nhiều chuyên gia khẳng định với Hãng tin AFP không có chuyện thiếu oxy khi mang khẩu trang.

Tiến sĩ dịch tễ học Yves Coppieters – giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Tự do Brussels (Bỉ) nhấn mạnh: “Khẩu trang không kín mít, khí oxy vẫn có thể đi qua”.

Ông ghi nhận khẩu trang có thể tạo cảm giác khó chịu và ngột ngạt nhưng đó chỉ là vấn đề tâm lý. Ông nói đối với người khỏe mạnh, khẩu trang hoàn toàn không ngăn cản sinh hoạt bình thường hằng ngày.

TS Shane Shapera – giám đốc chương trình bệnh phổi tại Bệnh viện công Toronto (Canada), cũng góp ý: “Nhiều người cho rằng chúng ta đang hít thở khí CO2 của chính mình là suy nghĩ rất phổ biến nhưng sai lầm. Khẩu trang không kín mít và không khí có thể lưu thông. Gần như toàn bộ không khí thở ra đều thoát ra khỏi khẩu trang nên các bạn không phải hít thở khí CO2 của chính mình”.

Ổ vi khuẩn và nấm mốc: SAI

TS Françoise Dromer – người phụ trách đơn vị nấm học phân tử và Trung tâm Tham chiếu quốc gia về nấm xâm lấn và thuốc kháng nấm tại Viện Pasteur (Pháp), khẳng định “nhiễm nấm nghiêm trọng rất hiếm xảy ra” khi mang khẩu trang.

Bà trấn an: “Trong điều kiện sử dụng đã được khuyến nghị, không có bất kỳ cách nào nấm có thể phát triển bên trong khẩu trang. Muốn khẩu trang bị mốc, phải để khẩu trang ẩm ướt trong căn phòng đầy nấm mốc hoặc trong đống phân ủ suốt nhiều tuần”.

Bà cũng lưu ý rằng cần phải thay đổi khẩu trang sau mỗi 4 tiếng.

GS sức khỏe cộng đồng Daniel Pahua tại Đại học Tự trị quốc gia Mexico (UNAM) giải thích con người có nhiều vi khuẩn thông thường trong miệng và đường mũi. Khi nói chuyện, chúng ta thải ra các giọt nước bọt và có thể có nấm hoặc vi khuẩn còn sót lại trên khẩu trang.

Tuy nhiên giáo sư nhấn mạnh: “Hầu hết các tác nhân này không gây bệnh bởi chúng là các vi khuẩn mà chúng ta đã có trong miệng”.

Phe phản đối đeo khẩu trang bị các nhà khoa học bật lại ở những điểm nào? - Ảnh 2.

Cảnh sát giải tán những người phản đối mang khẩu trang ở Berlin (Đức) ngày 29-8 – Ảnh: REUTERS

Khẩu trang để virus lọt qua: SAI

Lập luận virus có thể xâm nhập vào khẩu trang cũng rất phổ biến với lý do cấu trúc lưới của vải khẩu trang lớn hơn kích thước của virus.

TS Julian Leibowitz – giáo sư miễn dịch học vi sinh tại Đại học Texas A&M (Mỹ), giải thích: “Kích thước virus không liên quan mà quan trọng là kích thước của các giọt bắn chứa virus”.

GS vật lý Jean-Michel Courty tại Đại học Sorbonne – nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Kastler Brossel (Pháp), giải thích thêm rằng khẩu trang y tế hoạt động như “một cái sàng lọc” theo nhiều nguyên tắc vật lý để ngăn tối đa các giọt bắn dù nhỏ lọt qua khẩu trang.

Theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế Pháp, khẩu trang bán cho công chúng phải lọc tối thiểu 70% các hạt đủ mọi kích cỡ.

TS virus học Benjamin Neuman tại Đại học Texas A&M (Mỹ) lưu ý: “Khẩu trang không nhất thiết phải hiệu quả 100% để giữ vai trò quan trọng làm chậm dịch bệnh lây lan”.

Tóm lại, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đánh giá mang khẩu trang là một trong những biện pháp hữu hiệu để hạn chế virus lây lan bên cạnh các biện pháp giãn cách và thường xuyên rửa tay.

Biện pháp mang khẩu trang càng hiệu quả hơn khi mọi người cùng mang khẩu trang để cùng bảo vệ lẫn nhau.

HOÀNG DUY LONG
TTO