‘Vành đai – Con đường’ ì ạch ở Myanmar khiến Trung Quốc lo lắng
‘Vành đai – Con đường’ ì ạch ở Myanmar khiến Trung Quốc lo lắng
Sự trì trệ của các dự án trong ‘Vành đai – Con đường’ ở Myanmar đang khiến Bắc Kinh lo lắng. Bởi Myanmar là cửa ngõ tiến ra Ấn Độ Dương và phá vỡ sự lệ thuộc vào eo Malacca vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro bị phong tỏa.
Chuyến thăm Myanmar chớp nhoáng của ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì trong tuần này nằm trong nỗ lực đảm bảo các dự án của Trung Quốc trong “Vành đai – Con đường” (BRI) sẽ được tiếp tục sau cuộc tổng tuyển cử tháng 11 tới của Myanmar.
Trung Quốc thúc ép
Báo cáo được Lầu Năm Góc công bố ngày 2-9, đúng một ngày sau chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì, cảnh báo Myanmar là một trong những nước Trung Quốc đang cân nhắc đặt căn cứ quân sự. Thật vậy, ngoài dự án đường sắt nối liền Vân Nam, dự án quan trọng nhất còn lại của Trung Quốc ở Myanmar là một cảng nước sâu hướng ra Ấn Độ Dương.
Đặc khu kinh tế Kyaukphyu, với trọng tâm là cảng nước sâu cùng tên nằm hướng ra vịnh Bengal, là một trong ba trụ cột của Hành lang kinh tế Trung Quốc – Myanmar (CMEC). Một khi hoàn thành, Kyaukphyu sẽ cho phép dầu Trung Quốc mua từ Trung Đông chảy thẳng về tỉnh Vân Nam mà không cần đi qua eo Malacca.
Theo tạp chí Diplomat (Nhật Bản), mặc dù CMEC được đưa ra vào năm 2017, ý tưởng biến Myanmar thành cửa ngõ tiến ra Ấn Độ Dương và giảm sự phụ thuộc vào eo Malacca đã xuất hiện trong tính toán của Bắc Kinh từ những năm 1980.
Ông Dương, người được coi là nhà ngoại giao cấp cao nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã gặp riêng Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và Tổng thống U Win Myint hôm 1-9 trước khi tiếp tục chuyến công du châu Âu.
Theo tờ Irrawaddy, quan chức cấp cao Trung Quốc đã kêu gọi Myanmar duy trì nỗ lực thực hiện các dự án trong BRI, đặc biệt là các thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 1 năm nay.
Những dự án trên bao gồm cảng nước sâu Kyaukphyu, thành phố mới Yangon và khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Thụy Lệ – Muse. Ông Dương kế đó thông báo sẽ hỗ trợ 200 triệu nhân dân tệ cho bang Rakhine, nơi đặt cảng Kyaukphyu và đang trong tình trạng bất ổn vì cuộc khủng hoảng người Rohingya.
Ngay cả khi dịch COVID-19 hoành hành ở Myanmar, Bắc Kinh vẫn thúc ép nước này tiếp tục các dự án xương sống của BRI, điển hình như cuộc điện đàm của ông Tập với Tổng thống Myanmar U Win Myint hồi tháng 5 năm nay.
Đáp lại sau đó vào tháng 6, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và tài chính Myanmar U Set Aung tuyên bố Naypyidaw sẽ chỉ thực hiện các dự án BRI có tính khả thi về mặt thương mại và quan trọng về mặt chiến lược đối với Myanmar.
Myanmar vẫn thận trọng
Một số nhà quan sát nhận định việc ông Dương ghé Myanmar cho thấy việc triển khai các dự án của BRI tại Myanmar đang gặp vấn đề.
‘Khi cuộc bầu cử đang đến gần, chuyến đi của ông ấy là nhằm kiểm tra tình trạng các dự án chiến lược của Trung Quốc ở Myanmar. Bắc Kinh muốn các dự án CMEC nhúc nhích ngay trước tổng tuyển cử’, nhà nghiên cứu Khin Khin Kyaw Kyee thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách (ISP) của Myanmar nhận định.
Mặc dù Liên minh Quốc gia vì dân chủ của bà San Suu Kyi được dự báo sẽ tiếp tục giành chiến thắng – tức không có sự xáo trộn chính quyền, nhưng đây lại là điều Trung Quốc lo lắng. Trong số 33 thỏa thuận xây dựng cơ sở hạ tầng dọc theo CMEC được ký trong chuyến thăm của ông Tập, chính quyền của bà San Suu Kyi chỉ mới phê chuẩn 4 dự án trong số này.
‘Ở các nước khác, việc thực hiện các dự án BRI thường tiến triển rất nhanh. Nhưng ở đây, chính phủ rất thận trọng và quá trình này vẫn còn chậm. Đó là lý do chính ông Dương tới Myanmar’, bà Khin Khin Kyaw Kyee lý giải.
Mặc dù ghi nhận sự ủng hộ của Bắc Kinh trong vấn đề người Rohingya, chính quyền của bà San Suu Kyi đã thể hiện sự thận trọng trước các dự án của Trung Quốc. Lo ngại về việc gánh quá nhiều nợ của Trung Quốc, vào tháng 8-2018, Myanmar đã đàm phán thu hẹp quy mô dự án cảng Kyaukphyu, kéo được số tiền khổng lồ 7,3 tỉ USD xuống còn 1,3 tỉ USD.
Tổng thầu dự án trên là Tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc – một trong những công ty vừa bị Mỹ trừng phạt với cáo buộc phục vụ như một công cụ thúc đẩy chính sách “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc.
Vài tháng sau, Chính phủ Myanmar thành lập Ủy ban chỉ đạo thực hiện BRI, do đích thân bà San Suu Kyi làm chủ tịch, để xem xét các siêu dự án của Trung Quốc và đảm bảo rằng chúng phục vụ lợi ích của Myanmar.
Biết bẫy nợ rình rập nhưng khó nói KHÔNG
Trả lời Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, một thứ trưởng giấu tên của Myanmar nói rằng vì là nước nghèo, Myanmar chắc chắn sẽ có nguy cơ rơi vào bẫy nợ nếu chấp nhận các khoản vay lớn từ Trung Quốc mà không xem xét nghiêm túc khả năng kinh tế của mình.
Tuy nhiên, vị này cho rằng Trung Quốc là một siêu cường và láng giềng của Myanmar, do đó Myanmar khó lòng nói không với đầu tư của Trung Quốc. “Chúng tôi phải tìm cách đem lại lợi ích cho đất nước của mình từ các dự án Trung Quốc” – vị này nói.