Nhận định ‘90% người Việt Nam ăn gạo ‘bẩn’…’ là võ đoán, quy chụp, thiếu căn cứ
Nhận định ‘90% người Việt Nam ăn gạo ‘bẩn’…’ là võ đoán, quy chụp, thiếu căn cứ
Thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phòng trừ sâu bệnh trên lúa chỉ 7 ngày, trong khi người dân phun thuốc lần cuối muộn nhất trước thu hoạch từ 15-25 ngày nên nguy cơ tồn dư thuốc BVTV trong gạo vượt ngưỡng cho phép là vô cùng thấp.
Ông Nguyễn Quý Dương, phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online về nhận định “90% người Việt đang ăn gạo ‘bẩn’ do có tích tụ thuốc BVTV trong gạo”.
Ông Dương cho biết mặt hàng gạo hiện đã được Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, cũng như các yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm (có quy định về mức tồn dư tối đa cho phép (MRL) đối với các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư). Định kỳ hoặc đột xuất đều có các cơ quan chức năng kiểm tra, lấy mẫu giám sát.
* Ông có quan điểm như thế nào về nhận định “90% người Việt đang ăn gạo ‘bẩn’ do tồn dư thuốc BVTV tích tụ trong gạo”?
– Trong quản lý về an toàn thực phẩm hiện nay, không có khái niệm thế nào gọi là “bẩn” hay “sạch”, mà chỉ có “an toàn” hay “không an toàn”. Việc gọi gạo “bẩn” về mặt khái niệm đã là không chính xác. Do đó, nhận định “90% người Việt Nam ăn gạo gạo “bẩn” là võ đoán, quy chụp và hoàn toàn thiếu căn cứ.
Đối với gạo tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, chúng ta cũng chỉ có khái niệm gạo đạt các yêu cầu về an toàn thực phẩm, hay không đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Hiện nay, các mặt hàng thực phẩm nói chung (trong đó có mặt hàng gạo), đều đã được Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, cũng như các yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm (có quy định về mức tồn dư tối đa cho phép (MRL) đối với các hóa chất, thuốc BVTV tồn dư). Định kỳ hoặc đột xuất đều có các cơ quan chức năng kiểm tra, lấy mẫu giám sát. Tất cả các mặt hàng nông sản, thực phẩm lưu thông trên thị trường, đều phải tuân thủ các quy định này.
Đối với các quốc gia trên thế giới, việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm còn thường được áp dụng theo các quy định của CODEX. Kể từ khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), gạo Việt Nam xuất khẩu đi các nước trên thế giới (ngoại trừ các quốc gia có quy định riêng bổ sung như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản…), thì đều phải tuân thủ các quy định chung của CODEX quy định về MRL nhằm đảm bảo các yêu cầu chung về dư lượng hóa chất, thuốc BVTV đối với mặt hàng gạo.
* Trong quá trình trồng lúa, thuốc BVTV thường sẽ được sử dụng như thế nào? Ông có thể đánh giá về nguy cơ tồn dư thuốc BVTV trong gạo?
– Đối với việc sử dụng thuốc BVTV hiện nay, các tỉnh phía Nam thông thường giai đoạn cuối cùng cần phải phun thuốc BVTV trên lúa để trừ bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh lem lép hạt. Đây là các loại sâu bệnh phổ biến tại các tỉnh ĐBSCL, loạt phun cuối cùng thường được tiến hành phun kép. Tuy nhiên, lần phun cuối cùng muộn nhất cũng chỉ được tiến hành ở giai đoạn lúa trước thu hoạch từ 20-25 ngày.
Trong khi đó, các loại thuốc phòng trừ các bệnh như đạo ôn cổ bông, lem lép hạt hiện nay có thời gian cách ly dài nhất cũng thường chỉ 7 ngày. Vì vậy, kể cả trong trường hợp nông dân phải phun thuốc bảo vệ thực vật muộn đi chăng nữa thì nguy cơ rủi ro có tồn dư thuốc BVTV trên gạo vượt mức dư lượng tối đa cho phép là vô cùng thấp.
Đối với các tỉnh phía Bắc và Trung Bộ, các đợt phải phun thuốc BVTV muộn rất ít xảy ra, thường phun muộn nhất để trừ rầy lứa 6, lứa 7, lúc này lúa mới chỉ chắc xanh đến đỏ đuôi. Vì vậy từ lúc phun tới lúc lúa gặt, thời gian cũng còn khoảng 15-20 ngày nữa nên nguy cơ tồn dư thuốc BVTV đáng kể trên gạo cũng là vô cùng thấp.
Phải khẳng định gạo là mặt hàng có nguy cơ rủi ro rất thấp về mất an toàn thực phẩm.
* Vấn đề an toàn thực phẩm, trong đó có mặt hàng gạo, được người dân, các thị trường rất coi trọng, ngành nông nghiệp đã có những giải pháp gì để cải thiện chất lượng sản xuất gạo, an toàn và bền vững thưa ông?
– Năm 2015, Bộ NN&PTNT đã có đề án về IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) về sản xuất nói chung, trong đó đặc biệt quan tâm dành cho cây lúa bởi đây là cây trồng trọng điểm quốc gia về đảm bảo an ninh lương thực cũng như cho mục tiêu xuất khẩu.
Đặc biệt tại các tỉnh sản xuất lúa trọng điểm vùng ĐBSCL, những năm qua ngành nông nghiệp cũng như các địa phương, nông dân, HTX phối hợp với các doanh nghiệp đã rất tích cực triển khai các chương trình sản xuất bền vững, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, sử dụng khoa học và hạn chế tối đa việc lạm dụng sử dụng phân bón, thuốc BVTV trên cây lúa như chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sản xuất theo SRI (hệ thống canh tác lúa cải tiến)…
Đây cũng là nội dung chính mà dự án VnSat, một dự án rất lớn do Bộ NN&PTNT triển khai dành cho sản xuất lúa, đã được triển khai có hiệu quả rất tốt tại 21 tỉnh thành ĐBSCL và các tỉnh phía Nam trong các năm gần đây nhằm cải thiện chất lượng sản xuất gạo, an toàn và bền vững.
Cùng với việc đẩy mạnh các chương trình này, những năm gần đây, ý thức, trình độ sản xuất của nông dân đã được nâng lên rõ rệt, giúp tình hình sâu bệnh trên cả nước đã giảm rất mạnh, không có các dịch bệnh nghiêm trọng trên lúa. Vì vậy, việc sử dụng thuốc BVTV trên lúa rất hạn chế, giúp nguy cơ có dư lượng thuốc BVTV trên lúa gạo gần như không có. Có những vùng cả 10 năm qua đã không cần phải dùng tới thuốc BVTV và thuốc trừ cỏ trên lúa…
Đây là những nền tảng hết sức quan trọng để sản xuất lúa của Việt Nam hiện nay hoàn toàn tự tin đảm bảo được các yêu cầu về chất lượng, đảm bảo các điều kiện theo quy định về an toàn thực phẩm.