18/11/2024

Bác sĩ ơi: Tự ý mua thuốc giảm đau uống, có được không?

Bác sĩ ơi: Tự ý mua thuốc giảm đau uống, có được không?

Tôi thường hay bị đau đầu và mỗi lần như thế đều tự ra tiệm thuốc mua thuốc giảm đau uống. Nay lớn tuổi, lâu lâu tôi lại bị đau xương khớp hay sưng đau chân. Tôi vẫn tự mua thuốc uống.
Để sử dụng thuốc giảm đau hiệu quả và an toàn, tốt nhất, người bệnh không nên tự ý mua thuốc uống mà phải có sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ /// Ảnh minh họa: Shutterstock
Để sử dụng thuốc giảm đau hiệu quả và an toàn, tốt nhất, người bệnh không nên tự ý mua thuốc uống mà phải có sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ  ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Tuy nhiên, có người nói uống thuốc giảm đau nhiều sẽ bị “lờn thuốc”, hoặc coi chừng bị “đụng” thuốc. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi cần chú ý gì khi tự mua thuốc giảm đau uống? (T.M.Đ., 57 tuổi, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai)
Theo dược sĩ Nguyễn Thị Trang, Khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM: Thuốc giảm đau là những loại thuốc có tác dụng điều trị các cơn đau do bệnh lý, chấn thương hoặc phẫu thuật gây nên. Thuốc giảm đau chứa thành phần chính là hoạt chất có tác dụng giảm đau và các tá dược đảm bảo tính ổn định của thuốc cũng như khả năng giải phóng và hấp thu dược chất trong cơ thể.
Thuốc giảm đau có thể được chia thành hai nhóm lớn bao gồm:
– Nhóm 1: Các thuốc giảm đau không kê đơn (hay còn gọi là thuốc giảm đau OTC). Đây là những thuốc mà người bệnh có thể tự đến mua ở các nhà thuốc dưới sự tư vấn của dược sĩ mà không cần đơn của bác sĩ. Nhóm thuốc này rất hữu ích đối với những cơn đau ở mức độ nhẹ như đau đầu, đau răng, đau bụng, viêm khớp…
– Nhóm 2: Các thuốc giảm đau kê đơn. Khi cơn đau không thể xoa dịu bởi các thuốc giảm đau OTC, người bệnh cần gặp bác sĩ để được kê các thuốc giảm đau mạnh hơn thuộc nhóm này.
Các thuốc giảm đau kê đơn cũng được chia thành 2 loại là các thuốc không opioid và opioid.
Các thuốc không opioid bao gồm một số NSAID (ví dụ: celecoxib, diclofenac…) mà người bệnh có thể được bác sĩ kê khi bị viêm, thoái hóa khớp…
Các thuốc opioid là loại thuốc giảm đau mạnh nhất trong nhóm này, có thể kể đến như morphin, fentanyl. Những thuốc này cho hiệu quả giảm đau rất mạnh nhưng cũng có thể gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng nếu sử dụng không đúng cách. Do đó, thuốc giảm đau opioid thường được bác sĩ kê đơn trong trường hợp đau nặng, không đáp ứng với các nhóm thuốc giảm đau khác như đau hậu phẫu, đau do ung thư… và luôn cần được theo dõi, giám sát chặt chẽ bởi nhân viên y tế.
Bác sĩ ơi: Tự ý mua thuốc giảm đau uống, có được không? - ảnh 1

Trên thực tế đã có những trường hợp bị ngộ độc paracetamol do dùng không đúng, dẫn đến suy gan cấp, đe dọa đến tính mạng  ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Hiện nay, nhiều người bệnh có thói quen tự mua các thuốc giảm đau ở nhà thuốc mà không có sự tư vấn của dược sĩ, bác sĩ. Tuy nhiên, dù là thuốc giảm đau nhóm OTC nhưng cũng không có nghĩa là những thuốc này không gây ra các tác dụng phụ và không cần thận trọng khi sử dụng. Trên thực tế đã có những trường hợp bị ngộ độc paracetamol do dùng không đúng, dẫn đến suy gan cấp, đe dọa đến tính mạng.
Vì vậy, để sử dụng thuốc giảm đau hiệu quả và an toàn, tốt nhất, người bệnh không nên tự ý mua thuốc uống mà phải có sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ.
Bên cạnh đó, khi mua thuốc, đi khám bệnh, người bệnh cần cung cấp đầy đủ thông tin cho các bác sĩ và dược sĩ về triệu chứng, mức độ đau, tiền sử dùng thuốc điều trị… để được tư vấn thuốc giảm đau phù hợp, tránh các biến chứng.
Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc để biết rõ thông tin như các chống chỉ định, liều dùng tối đa, tác dụng phụ có thể xảy ra.
Có thể chủ động kiểm tra thành phần hoạt chất trên bao bì thuốc hoặc tờ hướng dẫn sử dụng để tránh uống nhiều chế phẩm có cùng hoạt chất, có thể gây quá liều do uống nhiều thuốc cùng một lúc.
Tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc, không tự thay đổi liều sử dụng, mua thêm thuốc hay ngưng thuốc đột ngột.
Ghi nhớ thời điểm dùng thuốc để kịp thời thông báo cho bác sĩ, dược sĩ biết nếu có bất thường xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc.
KHẢI LINH
TNO