Dự án lỡ hẹn vì chờ… chuyên gia
Dự án lỡ hẹn vì chờ… chuyên gia
Tiến độ nhiều dự án đang bị ảnh hưởng vì chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam do dịch Covid-19.
Chờ chuyên gia “đi kèm” thiết bị Trung Quốc
Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Ban Quản lý dự án 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), dự án sửa chữa cầu Thăng Long (tổng mức đầu tư 270 tỉ đồng) đã hoàn thành lắp đặt 2 trạm trộn bê tông, 2 nhà mái che di động dài 240 m để phục vụ sửa chữa. Tuy nhiên, có 2 nút thắt với tiến độ dự án là chuyên gia nước ngoài và việc chậm nhập thiết bị đinh neo.
|
|
Trao đổi với Thanh Niên về việc dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long áp dụng công nghệ Trung Quốc hay châu Âu, vì sao phải chờ chuyên gia Trung Quốc, đại diện Bộ GTVT cho rằng, dự án đã lựa chọn sử dụng công nghệ bê tông siêu tính năng UHPC, đã được nghiên cứu và phát triển tại châu Âu, áp dụng tại nhiều nước như Hà Lan, Pháp, Nhật, Trung Quốc… Hiện các chuyên gia người Việt (thuộc Trường ĐH GTVT Hà Nội) đã làm chủ công nghệ này để sửa chữa mặt cầu Thăng Long.
Trạm trộn bê tông siêu tính năng đã nhập nguyên chiếc từ Đan Mạch 2 máy và xe chuyên dụng được nhập khẩu từ châu Âu, song thiết bị rải bê tông bản rộng phải nhập về từ Trung Quốc do Việt Nam chưa có nhiều thiết bị này. Nhóm chuyên gia, cán bộ kỹ thuật Trung Quốc do nhà thầu Thành Hưng thuê sẽ sang Việt Nam để vận hành thiết bị đổ bê tông. Đây là nhóm chuyên gia đi kèm thiết bị nhập từ Trung Quốc nhưng chưa thể sang Việt Nam do dịch bệnh và đang phải họp trực tuyến với nhà thầu. Sau khi sang Việt Nam và cách ly 14 ngày, dự kiến sau 15.9 những người này mới có thể làm việc tại công trường.
Ngoài ra, toàn bộ đinh neo phục vụ dự án nhập khẩu từ Trung Quốc cũng chậm về Việt Nam, dự kiến 11.9 mới về đến công trường, việc hàn đinh neo sẽ do công nhân Việt Nam thực hiện.
Để đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, kịp thời với dự án cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long vận hành, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể tại buổi kiểm tra công trường hôm 31.8 đã yêu cầu phải tiến hành ngay, không thể vì chờ đợi chuyên gia nước ngoài để ảnh hưởng đến tiến độ. “Theo kế hoạch, cầu Thăng Long phải thông xe trước 31.12 năm nay, không thể phụ thuộc vào lịch phía họ là 5.9 hoặc sau đó, như vậy công việc sẽ khó khăn, gây chậm tiến độ dự án”, ông Thể chỉ đạo.
Lỡ tiến độ vận hành
Nhiều dự án lớn sử dụng vốn vay, chuyên gia nước ngoài cũng đang bị ảnh hưởng trầm trọng. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đang ở trong giai đoạn triển khai gấp rút để vận hành thử toàn hệ thống, thực hiện công tác nghiệm thu, hoàn công, bàn giao vận hành khai thác thương mại. Tuy nhiên, từ Tết Nguyên đán 2020 tới nay, tiến độ dự án rất chậm, do cán bộ, nhân viên của tổng thầu, tư vấn giám sát Trung Quốc không sang được Việt Nam sau khi về nước ăn tết do dịch Covid-19.
Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ cho phép 150 nhân sự Trung Quốc đang làm việc tại dự án được nhập cảnh vào Việt Nam. Tuy nhiên, tới nay mới có khoảng gần 40 nhân sự Trung Quốc vào Việt Nam và đang phối hợp với phía Việt Nam làm thủ tục nghiệm thu, kiểm tra thiết bị.
Đáng chú ý, chuyên gia của Công ty tư vấn ACT (Pháp) – tư vấn đánh giá an toàn độc lập dự án Cát Linh – Hà Đông cũng chưa thể sang Việt Nam. Trong khi đó, dự án chỉ có thể vận hành thử nghiệm phụ thuộc vào kết quả đánh giá của tư vấn ACT. Trước đó, dự án Cát Linh – Hà Đông đã ì ạch hơn 1 năm (năm 2019) nhưng chưa thể nghiệm thu – chạy thử, việc chờ thêm hơn nửa năm 2020 vì chuyên gia Trung Quốc chậm sang khiến dự án này khó khai thác thương mại vào cuối năm 2020 như dự kiến.
Dự án metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) của TP.HCM cũng đang lo vỡ các mốc tiến độ do hơn 90 chuyên gia thuộc nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) chưa thể nhập cảnh để lắp đặt đường ray, vận chuyển, tiếp nhận đoàn tàu metro tại Việt Nam, thử nghiệm hệ thống thông tin, tín hiệu, kiểm tra kỹ thuật, bảo dưỡng… Điều này dẫn tới việc chưa thể đưa đoàn tàu metro đầu tiên của tuyến về nước chạy thử vào quý 3 năm nay như dự kiến.
MAI HÀ
TNO