Học sinh đạt trình độ ngoại ngữ chuẩn quốc tế: Thách thức lớn từ chất và lượng của giáo viên
Học sinh đạt trình độ ngoại ngữ chuẩn quốc tế: Thách thức lớn từ chất và lượng của giáo viên
Mới đây, TP.HCM đưa ra định hướng phấn đấu đến năm 2025, 50% học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đạt được trình độ ngoại ngữ bậc 2 trở lên, 30% học sinh phổ thông có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế.
Để làm được điều đó cần những điều kiện gì? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hiếu – phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết: Theo thống kê, điểm trung bình môn tiếng Anh của học sinh TP trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 là gần 5,9 – cao hơn năm trước và cao nhất cả nước ở môn này.
Đây là năm thứ ba điểm thi môn tiếng Anh của học sinh TP đứng đầu cả nước – dù cho đó là kỳ thi THPT quốc gia hay kỳ thi tốt nghiệp THPT với mức độ đề thi khó dễ khác nhau, cách thức tổ chức khác nhau.
* Theo ông, kết quả này có được là do đâu?
– Có nhiều lý do, nhưng có thể kể như sau:
Thứ nhất, chủ trương của TP là rất chú trọng đầu tư cho môn tiếng Anh trong nhà trường phổ thông. Ngay từ năm 1998, tức cách đây 22 năm, TP đã xin phép Bộ GD-ĐT để bắt đầu mở lớp dạy tiếng Anh trong trường tiểu học dành cho học sinh lớp 1, trong khi theo đúng chương trình là lớp 6. Chương trình đó, chúng tôi gọi tên là tiếng Anh tăng cường và liên thông từ tiểu học đến trung học, học sinh được học 8 tiết tiếng Anh/tuần.
Đến thời điểm này, trong các trường tiểu học, trung học ở TP.HCM hiện có khá nhiều chương trình dạy tiếng Anh cho phụ huynh, học sinh chọn lựa: ngoài chương trình tiếng Anh tăng cường thì còn có chương trình tích hợp (dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam), chương trình tiếng Anh đề án (dạy theo chương trình đề án ngoại ngữ quốc gia), tất cả đều dạy cho học sinh từ lớp 1.
Tính đến cuối năm học 2019-2020 TP có 96,8% học sinh tiểu học được học tiếng Anh trong trường phổ thông, bậc THCS và THPT là 100%. Đặc biệt, các chương trình giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường hiện nay đều được sử dụng giáo trình của các nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới, chương trình theo định hướng chuẩn quốc tế, có chú trọng kỹ năng giao tiếp chứ không chỉ học viết, học ngữ pháp – nhược điểm của việc dạy tiếng Anh trong nhà trường ở thời kỳ trước. Không chỉ trường trung học mà ở hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn TP hiện nay đều có giáo viên bản ngữ để tăng cường khả năng nghe – nói cho học sinh.
Thứ hai chính là sự quan tâm và đầu tư của phụ huynh TP.HCM đối với việc học tiếng Anh của con em, tùy vào điều kiện của mỗi gia đình. Chính ý thức này đã giúp năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh TP được nâng lên…
* Nhưng định hướng “30% học sinh phổ thông có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế” lấy căn cứ từ đâu, thưa ông?
– Đầu năm 2020 Sở GD-ĐT TP đã tổ chức đợt khảo sát đối với hơn 140.000 học sinh lớp 9, 11 (đạt hơn 90% số học sinh khối 9, 11 của TP) về năng lực sử dụng tiếng Anh, đề khảo sát do Sở GD-ĐT TP biên soạn theo định dạng chuẩn quốc tế nhằm kiểm tra 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Kết quả khá khả quan và bước đầu chúng tôi xác định việc dạy và học tiếng Anh đang đi đúng định hướng của TP. Cũng cần lưu ý thêm là trong 4 kỹ năng thì kết quả của đợt khảo sát vừa rồi cho thấy học sinh TP yếu nhất là kỹ năng nghe. Điều này cũng sẽ giúp các trường điều chỉnh kế hoạch dạy học môn tiếng Anh trong năm học mới cho phù hợp.
Năm nay, TP có gần 20% học sinh lớp 12 lấy được các chứng chỉ tiếng Anh của các tổ chức khảo thí quốc tế và được miễn thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây chính là căn cứ để Sở GD-ĐT đưa ra hướng phấn đấu đến năm 2025, 30% học sinh phổ thông TP có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế.
* Để đạt được chỉ tiêu trên, theo ông, TP đang gặp những khó khăn nào?
– Thách thức lớn nhất đối với TP hiện nay là sĩ số học sinh/lớp ở một số quận huyện quá đông. 40 học sinh/lớp đã khó mà tại một số quận huyện tăng dân số cơ học quá nhanh thì có lớp đến 55 – 58 học sinh, giáo viên tiếng Anh thực sự khó khăn khi phải dạy học sinh từng câu, từng chữ.
Thách thức thứ hai là tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh diễn ra từ nhiều năm nay, đặc biệt là bậc tiểu học. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường chỉ được phép tuyển giáo viên tốt nghiệp ĐH sư phạm ngành tiếng Anh để làm giáo viên tiếng Anh (trước đây có thể tuyển những người tốt nghiệp các trường ĐH ngoài sư phạm, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm). Do đó, nguồn tuyển rất hạn chế. Sau đợt tuyển giáo viên cho các trường THPT, trung tâm GDTX của Sở GD-ĐT TP tổ chức vào cuối tháng 8, TP vẫn còn thiếu 20 giáo viên tiếng Anh và bây giờ lại tiếp tục tuyển đợt 2 mà không biết có tuyển được không.
Đến thời điểm này, các phòng GD-ĐT vẫn chưa có con số thống kê chính thức về việc tuyển giáo viên tiếng Anh cho bậc tiểu học, THCS. Nhưng năm học trước có quận ra thông báo tuyển 21 giáo viên tiếng Anh nhưng không có ứng viên dự tuyển, có quận vùng ven thì tuyển được một người nhưng cuối cùng người này bỏ nhiệm sở.
Nguồn tuyển đã hạn chế, thu nhập của giáo viên tiếng Anh không hấp dẫn như một số ngành nghề khác (đối với người biết tiếng Anh) nên càng khó hơn nữa. Tuyển được rồi cũng rất khó giữ chân những người giỏi. Ở nhiều trường, khi tuyển giáo viên về thì ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn bỏ công sức tập huấn, bồi dưỡng cho họ nhưng chỉ được vài năm là họ chuyển qua làm ngành nghề khác vì mức lương hấp dẫn hơn, công việc nhàn hạ hơn.
Ông Vũ Vạn Xuân (nguyên phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3; hiện là trưởng bộ môn tiếng Anh bậc trung học, hệ thống trường phổ thông Việt – Mỹ):
Cần 60% giáo viên đạt chuẩn quốc tế
Tôi cho rằng trước khi muốn chuẩn hóa năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh thì chúng ta cần chuẩn hóa năng lực sử dụng tiếng Anh của người thầy. Nếu mục tiêu là 30% học sinh phổ thông TP có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế thì chúng ta phải có ít nhất 60% giáo viên đạt chuẩn quốc tế. Chuẩn này phải do các tổ chức khảo thí quốc tế đánh giá mới là chất lượng thực tế. Việc cấp chứng chỉ cho giáo viên tiếng Anh hiện nay cũng có khá nhiều chuyện cần xem lại. Trình độ của người dạy phải hơn trình độ người học ít nhất 2 bậc.
Tiếp theo đó, các cấp quản lý cần quan tâm đến năng lực sử dụng tiếng Anh của những người làm công tác quản lý tại trường phổ thông. Hiện tại, đa số các trường phổ thông đều có giáo viên bản ngữ nhưng ở nhiều trường, hiệu trưởng giao hẳn các việc liên quan đến giáo viên bản ngữ cho… giáo viên tiếng Anh (người Việt). Nếu ban giám hiệu nhà trường không sử dụng được tiếng Anh thì làm sao dự giờ, đánh giá giáo viên bản ngữ, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường?
Ông Cao Huy Thảo (nguyên hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt Úc, TP.HCM):
Cần đánh giá, nắm rõ thực trạng trước
Tôi hiểu 30% học sinh phổ thông có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế tức là 30% này thi đậu các chứng chỉ do tổ chức khảo thí nước ngoài cấp. Hiện nay ở TP.HCM, nhiều phụ huynh cũng đã quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt các học sinh cũng đã có chí hướng thi IELTS để lấy điểm xin miễn thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhiều người đang đặt vấn đề học sinh TP giỏi tiếng Anh là do các em được đi học thêm ngoài nhà trường, trẻ em TP được học tiếng Anh từ rất sớm tại các trung tâm ngoại ngữ hoặc học với giáo viên giỏi. Tôi thì cho rằng học sinh TP giỏi tiếng Anh cũng có phần đóng góp của các nhà trường phổ thông. Bởi hiện tại, nhà trường phổ thông ở TP đang giảng dạy khá nhiều chương trình khác nhau.
Thế nhưng, TP vẫn chưa có sơ kết, đánh giá đối với các chương trình kể trên, những thông tin về ưu điểm, nhược điểm của mỗi chương trình vẫn chưa được công bố chính thức từ Sở GD-ĐT. Vì thế, trước hết ngành GD-ĐT TP cần nắm rõ thực trạng của việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường phổ thông rồi mới định hướng chiến lược, điều chỉnh những cái chưa làm được, phát huy những mặt tích cực trong việc dạy tiếng Anh…