Gần 20 tỉ USD vốn ngoại đổ vào Việt Nam
Gần 20 tỉ USD vốn ngoại đổ vào Việt Nam
Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều kế hoạch của nhà đầu tư trong và ngoài nước buộc phải chững lại, thế nhưng đã có gần 20 tỉ USD vốn ngoại đổ vào Việt Nam trong 8 tháng qua.
Theo các chuyên gia, đây thực sự là con số rất tích cực trong bối cảnh hiện nay. Báo cáo mới cập nhật của Bộ KH-ĐT cho thấy, tính đến hết ngày 20.8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,54 tỉ USD. Tuy giảm gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tổng vốn đầu tư mới lại đạt 9,73 tỉ USD, tăng 6,6% so cùng kỳ, vốn điều chỉnh tăng thêm đạt gần 4,88 tỉ USD tăng hơn 22%. Phần giảm thuộc về vốn góp, mua cổ phần đạt 4,93 tỉ USD, bằng 52% so cùng kỳ năm ngoái. Điều này phần nào cho thấy, lo ngại về việc các doanh nghiệp (DN) trong nước bị thâu tóm do khó khăn trong đại dịch thực sự đã không xảy ra.
Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… dẫn đầu
Cụ thể, vốn đầu tư tăng chủ yếu là nhờ dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Bạc Liêu của nhà đầu tư Singapore được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn 4 tỉ USD trong tháng đầu năm, chiếm hơn 41% tổng vốn đăng ký mới và hơn 20% tổng vốn ngoại trong 8 tháng qua. Ngoài ra, có thể kể đến dự án làm lốp xe toàn thép TBR của nhà đầu tư Trung Quốc trị giá 300 triệu USD tại Tây Ninh; dự án nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao Victory tại Đồng Văn, Hà Nam của Đài Loan 273 triệu USD…
Đáng nói, vốn điều chỉnh cũng tăng mạnh tới hơn 22%. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), trong tháng 8, dự án tổ hợp hóa dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu của nhà đầu tư Thái Lan đã được điều chỉnh tăng thêm 1,386 tỉ USD; dự án Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây của nhà đầu tư Hàn Quốc điều chỉnh tăng vốn thêm 774 triệu USD; dự án Công trình văn phòng tại 29 Liễu Giai của Singapore điều chỉnh tăng thêm 246 triệu USD. Chỉ 3 dự án tăng vốn đầu tư này đã chiếm 50% tổng vốn tăng thêm từ đầu năm đến nay.
Trong 8 tháng qua, Singapore dẫn đầu trong số 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 6,54 tỉ USD, chiếm hơn 33% tổng vốn ngoại tại Việt Nam. Vị trí thứ 2 là Hàn Quốc với gần 3 tỉ USD, chiếm hơn 15% và thứ 3 là Trung Quốc với 1,75 tỉ USD, chiếm 9% tổng vốn đầu tư.
|
Đã có dấu hiệu chuyển dịch vốn
Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài, dù vốn đầu tư giảm sút so với cùng kỳ, nhưng xét trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì kết quả này theo Cục Đầu tư nước ngoài là “tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế”.
Nhận định của Bộ KH-ĐT hoàn toàn có cơ sở khi cuối tháng 7 vừa qua, trong thời điểm Việt Nam bị tái dịch Covid-19, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Chân Mây LNG thực hiện dự án điện khí hóa lỏng tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô với tổng vốn đầu tư 6 tỉ USD liên doanh giữa Mỹ và Việt Nam theo tỷ lệ góp vốn 6/4. Ông Trần Sĩ Chương, Việt kiều Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Chân Mây LNG, cho biết dự án này đã được giới truyền thông Mỹ đặc biệt quan tâm là vì đã nhận được sự cam kết cho toàn bộ vốn và vay từ các nhà đầu tư Mỹ, bộ phận đầu tư tài chính IFC thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), và các cơ quan của chính phủ Mỹ có trách nhiệm hỗ trợ công dân và DN Mỹ đầu tư ở nước ngoài. Cũng liên quan đến đầu tư điện khí, Tập đoàn Millennium (Mỹ) cũng đang khảo sát, nghiên cứu tổ hợp dự án điện khí tại khu vực Vân Phong (Khánh Hòa) với vốn đầu tư dự kiến 8 tỉ USD. Hay dự án điện gió có vốn dự kiến lên đến 10 tỉ USD cũng vừa được Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners của Đan Mạch ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Bình Thuận.
Theo chuyên gia đầu tư Nguyễn Nam Sơn, đã có sự dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam khá rõ rệt trong năm nay. Đặc biệt, rất nhiều nhà đầu tư chuyển vốn mua cổ phần, góp vốn vào các công ty Việt Nam qua quỹ đầu tư. “Con số 15 công ty của Nhật rời Trung Quốc về Việt Nam được truyền thông quốc tế đưa tin cũng là tín hiệu tốt, rất tốt cho thu hút đầu tư nước ngoài trong thời điểm này. Tôi nghĩ những tin này rất tốt và đáng trân trọng. Việt Nam chưa có “đại bàng” bay về, nhưng nhiều con chim nhỏ chọn Việt Nam làm tổ trong lúc này cũng là điều đáng quý”, ông Sơn phân tích.
Chưa khai thác được “đại bàng”
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định chưa bao giờ Việt Nam đối diện nhiều yếu tố thuận lợi lớn trong thu hút vốn ngoại như lúc này. Đó là khi nhiều nước chao đảo vì đại dịch, thương chiến Mỹ – Trung vẫn tiếp tục leo thang, cái nhìn thiện cảm của nhà đầu tư đối với Việt Nam là rất đáng quý. Bên cạnh đó, Chính phủ đã lập tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài vào thể hiện quyết tâm, chiến lược thu hút vốn FDI mang tính đột phá và nhắm đến những “đại bàng” thực sự. Thế nhưng, quyết tâm mãnh liệt của Chính phủ là một phần, phần quan trọng nhất là phối hợp đồng bộ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Đó là chính sách đất đai, quỹ đất đai tại các địa phương. Thực tế có không ít dự án đầu tư lớn Chính phủ hoan nghênh nhưng về địa phương gặp trở ngại trong tìm kiếm mặt bằng đủ lớn, hạ tầng tốt để triển khai.
Nhắc lại dự án Việt Nam mời gọi thành công là Intel từ 13 năm trước, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết, lúc đó Intel đã cân nhắc giữa các quốc gia là Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ… và cuối cùng họ chọn Việt Nam. Nếu Việt Nam để vuột mất cơ hội đón Intel vào Việt Nam sẽ để lại sự hối tiếc vô cùng lớn. Thế nhưng, chúng ta đã thành công để rồi sau đó có làn sóng các tập đoàn công nghệ lớn nước ngoài vào Việt Nam như Samsung, Bosch, Microsoft, LG, Nidec, Fuji Xerox… Song thử hỏi hơn 10 năm qua, chúng ta đã làm gì để phát triển chuỗi cung ứng, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm? TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nói thẳng: “Chúng ta làm quá ít, thậm chí không làm gì cả khi giá trị gia tăng chúng ta thu về từ Intel chỉ khoảng 3% với lượng việc làm hạn chế là 1.300 người. Samsung vào Thái Nguyên xây dựng đại bản doanh lớn nhất toàn cầu, nhưng nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy, giá trị gia tăng tập đoàn này đóng góp cho Việt Nam chỉ đạt 7 – 8% trong chuỗi cung ứng. Bây giờ, chúng ta đang “sốt xình xịch” chuyện Apple có vào Việt Nam hay không. Nên nhớ Samsung đầu tư trực tiếp vào Việt Nam mà giá trị gia tăng chúng ta thu về khiêm tốn như vậy, trong lúc Apple chỉ qua các nhà gia công lắp ráp, linh kiện phụ tùng vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn. “Made in Vietnam” (xuất xứ Việt Nam) trong các sản phẩm này có ý nghĩa rất giới hạn, và đóng góp của người Việt trong chuỗi giá trị này vô cùng hạn chế. Linh hồn của sản phẩm nằm ở khâu “thiết kế và kỹ thuật” mà bao năm qua chúng ta không làm được, nhưng Ấn Độ làm được”.
NGUYÊN NGA
TNO