23/01/2025

Cục Bảo vệ thực vật sẽ làm việc với hải quan Trung Quốc về chuyện trái cây mạo danh

Cục Bảo vệ thực vật sẽ làm việc với hải quan Trung Quốc về chuyện trái cây mạo danh

Cục Bảo vệ thực vật sẽ làm việc với hải quan Trung Quốc để cùng thảo luận các biện pháp phối hợp trao đổi thông tin trong quản lý các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

 

Cục Bảo vệ thực vật sẽ làm việc với hải quan Trung Quốc về chuyện trái cây mạo danh - Ảnh 1.

Nhà máy đóng gói của bà Nhung được cấp mã số nhà đóng gói xuất sang Trung Quốc rất sớm nhưng bị “xài chùa” quá nhiều, hậu quả là bị “gạch tên” khỏi danh sách một cách oan ức – Ảnh: NGỌC TÀI

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh câu chuyện “xoài Cao Lãnh bị mạo danh” (Tuổi Trẻ ngày 17-8), ông Nguyễn Quang Hiếu – trưởng Phòng hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) – cho biết sẽ phối hợp tỉnh Đồng Tháp và các địa phương để tập huấn, phổ biến về những quy định của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc.

Theo đó, các địa phương cần xây dựng kế hoạch cho việc cấp mã số vùng trồng với cây trồng xuất khẩu và tăng giám sát với các mã đã được cấp, đồng thời chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật giám sát các mã số đã cấp. Với các doanh nghiệp “mượn” mã số, cơ quan này sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện.

Cục Bảo vệ thực vật cũng sẽ làm việc với hải quan Trung Quốc để cùng thảo luận các biện pháp phối hợp trao đổi thông tin trong quản lý các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Trước đó, từ năm 2018, Bộ NN&PTNT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương khai báo các vùng sản xuất và cơ sở đóng gói có nhu cầu được cấp mã số theo yêu cầu của hải quan Trung Quốc.

Trên cơ sở đề nghị của các địa phương, Cục Bảo vệ thực vật sẽ cấp mã số cho các vùng trồng, cơ sở đóng gói và gửi danh sách này cho Trung Quốc xác nhận và đồng ý. Việc cấp mã số dựa trên xác minh thông tin của địa phương, khi có đề nghị từ phía các tổ chức và cá nhân có nhu cầu, nhưng chỉ có thể sử dụng được sau khi hải quan Trung Quốc xác nhận.

Cũng theo ông Hiếu, việc sử dụng sai mã số, “mượn” mã số không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến chủ sở hữu mã số mà còn làm mất uy tín của xoài VN, có nguy cơ bị phía Trung Quốc áp đặt các quy định chặt chẽ hơn với hoạt động nhập khẩu xoài VN thời gian tới.

Giải thích lý do xoài mạo danh “lọt” thông quan, ông Hiếu cho rằng do chưa có sự liên kết từ nơi sản xuất tới nơi xuất khẩu, đơn vị kiểm tra chỉ ghi đúng mã số do nhà xuất khẩu cung cấp.

Như Tuổi Trẻ thông tin, tháng 6-2020, Trung Quốc thông báo về 220 lô xoài vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật như hồ sơ giấy tờ ghi sai thông tin, thiếu thông tin, giấy chứng nhận…, đồng thời yêu cầu tạm ngưng nhập xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan (Đồng Tháp có 2/82 vùng trồng xoài và 1/12 cơ sở đóng gói) để phối hợp điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý.

Sau khi điều tra, Sở NN&PTNT Đồng Tháp phát hiện có việc một số đơn vị “mượn” mã số của xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp).

CHÍ TUỆ
TTO