Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Việt Nam đối mặt thách thức an ninh biển đảo
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Việt Nam đối mặt thách thức an ninh biển đảo
Tại hội thảo 75 năm ngoại giao Việt Nam ngày 24-8, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định môi trường đối ngoại đang biến động khó lường, bao gồm thách thức về an ninh biển đảo.
Đánh giá tình hình khu vực và quốc tế đang biến khó lường, đặc biệt là tác động của đại dịch COVID-19 gây ra từ đầu năm tới nay, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh kêu gọi nhiều nỗ lực hơn nữa để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, đồng thời củng cố vững các môi trường an ninh và nâng cao vị thế đất nước.
Theo phó thủ tướng, cùng với quốc phòng và an ninh, lĩnh vực đối ngoại hiện nay là nhiệm vụ quan trọng cần sự tham gia của không chỉ bộ ngành từ trung ương đến địa phương mà còn cả doanh nghiệp và người dân.
“Làm sao biến nguy thành cơ và định vị đất nước một cách thuận lợi nhất trong cục diện mới là yêu cầu cấp thiết của hoạt động đối ngoại”, ông Phạm Bình Minh nói.
Dẫn nhận định của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rằng Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng với sự đóng góp của ngành ngoại giao, Việt Nam đã có một bước tiến dài trong 75 năm qua.
Phó thủ tướng nhắc lại rằng “từ một nước không có tên trên bản đồ thế giới, nay Việt Nam đã sẵn sàng vươn lên đóng vai trò nòng cốt dẫn dắt, đóng góp có trách nhiệm vào công việc của thế giới với vị thế ngày càng cao”.
Theo đó, Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA)…, qua đó tạo động lực mới cho sự phát triển.
Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng phải đối diện với tình hình cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và sự nổi lên của các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, an ninh nguồn nước và môi trường.
Điều này buộc Việt Nam phải xác định mục tiêu và nâng cao năng lực trong hoạt động đối ngoại, phó thủ tướng nhấn mạnh.
Hội thảo có sự tham gia đóng góp ý kiến của các cựu bộ trưởng ngoại giao và các nhà ngoại giao kỳ cựu như ông Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Dy Niên và ông Vũ Khoan để cùng nhìn lại các thành tựu trong quá khứ và phân tích tình hình đối ngoại sắp tới của Việt Nam.