Tại sao Trung Quốc “siết” xoài Việt Nam ?
Tại sao Trung Quốc “siết” xoài Việt Nam ?
Trung Quốc vừa có lệnh tạm ngưng nhập khẩu xoài từ 2 vùng trồng xoài ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) gây không ít lo lắng, bức xúc cho nhiều nhà vườn, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây.
“Mượn” mã số các cơ sở để đóng gói
Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), liên quan đến thông tin 220 lô xoài (khoảng 3.300 tấn trong tổng số 750.000 tấn) xuất khẩu sang Trung Quốc từ năm 2019 đến nay, phía Trung Quốc có lệnh tạm ngừng nhập khẩu xoài từ Hợp tác xã (HTX) Mỹ Xương (H.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) vì vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo phía Trung Quốc, việc tạm ngừng xuất khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý.
Thị trường lớn nhất của Việt Nam
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam, có 9 loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, vải, mít, măng cụt, chuối, dưa hấu.
Trước đó, trong tháng 6, phía hải quan Trung Quốc cho biết phát hiện 220 lô xoài tươi nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn 2019 – 2020 bị nhiễm sâu gây hại, thông tin trên bao bì và chứng nhận lại không khớp nhau, trong đó nhiều lô gắn xoài từ HTX Mỹ Xương.
Thực tế, có 2/82 vùng trồng xoài và 1/12 cơ sở đóng gói của Đồng Tháp trong danh sách vi phạm này. Điều đáng nói là, ngay sau khi Trung Quốc công bố việc ngưng nhập khẩu xoài từ HTX Mỹ Xương, đại diện của HTX này đã có phản hồi cho rằng, HXT chưa từng xuất lô hàng nào sang Trung Quốc. Chưa hết, 2 mã vùng trồng xoài của HTX vốn đã được cấp trước đây nay bị loại khỏi danh mục cập nhật trên trang web của Cục Bảo vệ thực vật.
Về việc này, Cục Bảo vệ thực vật giải thích, báo cáo từ phía Đồng Tháp là do doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số, “mượn” mã số của nhau để xuất khẩu nên xảy ra hệ lụy trên. Hành vi này rõ ràng ảnh hưởng đến uy tín của xoài Việt Nam và có thể ảnh hưởng đến các đơn vị chủ sở hữu mã số này ngay trong vụ xuất khẩu tới.
Có sự tiếp tay của thương lái Trung Quốc ?
Ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương, nhận định tình trạng này không phải từ trên trời rơi xuống mà đâu đó đang tồn tại lối làm ăn giả tạo, không trồng xoài nhưng lại mua xoài, mạo danh HTX để bán hàng. Hành vi “mượn” xuất xứ này đáng lên án và gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu xoài của HTX sang các thị trường khác.
Một số nhà xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch đi Trung Quốc cho biết việc “mượn” mã hàng để đóng gói xuất đi này có sự “tiếp tay” không nhỏ giữa thương lái Trung Quốc và nhà xuất khẩu. Ông N.Đ.L (Ninh Thuận), chuyên xuất trái thanh long sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, cho hay đã từng có thương lái Trung Quốc vào tận vườn trồng mua hàng và đưa ra mã số cơ sở họ muốn đóng để xuất hàng đi. Tuy nhiên, nhà vườn từ chối vì chính họ có mã số được cấp rõ ràng. Ông N.Đ.L nói: “Dân làm hàng xuất đi Trung Quốc quá rành vụ này. Với xoài, tôi nghĩ do trái mùa, lợi nhuận mang lại cao nên nhà xuất khẩu thu mua các nơi “mượn” mã vùng để xuất hàng đi. Người Việt hay người Trung Quốc việc này chưa rõ, nhưng rất đáng lên án và quy tội phá hoại ngành trồng trọt xuất khẩu trong nước”.
Ngoài nêu đích danh 2 vùng trồng xoài của Đồng Tháp, có một cơ sở đóng gói trong vùng cũng bị vạ lây từ việc mạo danh này. Đại diện công ty chuyên xuất khẩu trái cây ở Đồng Tháp K.N là một trong số ít doanh nghiệp được cấp mã số là nhà đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng phía công ty đã không ít lần phát hiện mã số của mình được đóng gói “vô tội vạ” trên bao bì trái cây xuất sang Trung Quốc tại một cơ sở phía bắc. “Hỏi ra mới biết là chính thương lái Trung Quốc đặt hàng, đưa cho mã số để đóng lên hàng, họ đưa đúng mã số cơ sở của chúng tôi”, đại diện doanh nghiệp này thông tin.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, chuyên xuất khẩu trái cây, cho rằng tuy lượng xoài bị Trung Quốc phát hiện vi phạm ít, chỉ chiếm 0,43% tổng lượng hàng xuất khẩu, nhưng thông tin này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến xoài Việt Nam xuất sang Trung Quốc do 70% xoài Việt đang bán sang thị trường này. Hành vi mạo danh, gian lận này cần phải xử lý mạnh tay. Việc gian lận mã số xuất hàng chính ngạch chưa bao giờ xảy ra, nhưng gian lận mã số xuất hàng tiểu ngạch đi Trung Quốc khó lường. Khi làm việc với cơ quan quản lý Trung Quốc, cơ quan quản lý Việt Nam cũng cần lưu ý vấn đề này.
NGUYÊN NGA
TNO