23/12/2024

Hai lần xét nghiệm, âm tính rồi dương tính, vì sao?

Hai lần xét nghiệm, âm tính rồi dương tính, vì sao?

Trong số 14 bệnh nhân COVID-19 ở Đà Nẵng vừa được công bố lý lịch dịch tễ, có tới 11 người từng có kết quả âm tính trong lần đầu xét nghiệm.

Theo thông tin dịch tễ từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng, hầu hết các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi được công bố nhiễm đều đã lấy mẫu xét nghiệm dịch hầu họng lần 1 tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Thậm chí có người trong cả 2 lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính trước khi được xác định nhiễm virus corona.

Trả lời Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Khoa – phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế – cho rằng có hai lý do.

Thứ nhất, thời điểm các bệnh nhân lấy mẫu dịch hầu họng lần đầu vẫn nằm trong khoảng thời gian Bệnh viện Đà Nẵng đang cách ly. Trong khi đó, ca dương tính gần đây nhất ở Bệnh viện Đà Nẵng cũng mới phát hiện cách đây ít ngày.

Thứ hai, thời điểm lấy mẫu xét nghiệm, các bệnh nhân vẫn còn trong giai đoạn ủ bệnh.

“Lần đầu có thể âm tính nhưng lần sau có thể dương tính. Vì vậy chúng ta mới phải tổ chức cách ly 14 ngày và lấy xét nghiệm từ 2 đến 3 lần. Chúng tôi nghĩ việc này là bình thường và việc hoàn toàn có thể xảy ra” – ông Khoa nói.

Hai lần xét nghiệm, âm tính rồi dương tính, vì sao? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trọng Khoa – phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế – trao đổi một số vấn đề với báo chí sáng 16-8 – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Liên quan một số ca bệnh được phát hiện mới ở Đà Nẵng, sau khi khai thác lý lịch dịch tễ mới phát hiện có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, ông Khoa cho rằng ngoài nỗ lực rất lớn từ cơ quan chức năng thì cần phải có sự chung tay của người dân.

Ông kêu gọi người dân phải có ý thức, phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế trong giai đoạn này để mau chóng phát hiện ca nhiễm và dập dịch.

“Nếu vẫn còn những trường hợp tiếp xúc mà không khai báo, không tự cách ly thì nguy cơ nhiễm và lây lan cho người khác là hoàn toàn có thể xảy ra. Giải pháp cách ly y tế trong vùng cách ly xã hội ở một số khu dân cư trong thành phố là giải pháp cần thiết để dập dịch” – ông Khoa nói.

TRƯỜNG TRUNG
TTO