Gần 50% máy móc nhập khẩu vào Việt Nam là từ Trung Quốc
Gần 50% máy móc nhập khẩu vào Việt Nam là từ Trung Quốc
Gần 50% máy móc, thiết bị của Việt Nam nhập khẩu trong nửa đầu năm nay là từ Trung Quốc.
Nhập từ Trung Quốc vẫn tăng
Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng tăng lên gần như liên tục qua các năm. Năm 2019 so với năm 2010 tăng cao gấp 2,44 lần, tương ứng 11,8%/năm. Đó là tốc độ tăng khá cao, ở mức 2 chữ số trong gần một thập kỷ.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong 7 tháng đầu năm nay đã giảm 4,2%. VN nhập khẩu máy móc thiết bị, phụ tùng từ khoảng 43 thị trường, trong đó có 17 thị trường đạt trên 100 triệu USD (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Ý, Mỹ, Ấn Độ, Singapore, Anh, Hồng Kông, Indonesia, Pháp). Đặc biệt, có 3 thị trường đạt trên 1 tỉ USD (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản); riêng Trung Quốc đạt 8.375 triệu USD, chiếm 42,1% tổng kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng của cả nước, tăng trên 4,3% (ngược chiều với tốc độ giảm nhập khẩu chung nhóm hàng này của cả nước), hay tăng 347 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước bị giảm 881 triệu USD. Việc chiếm tỷ trọng cao và có tốc độ tăng/mức tăng lớn từ Trung Quốc là điểm rất đáng lưu ý về nhiều mặt.
Đầu tiên, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng của Trung Quốc hầu hết không phải là kỹ thuật – công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn, thậm chí không ít trong số đó còn là hàng thải loại trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước này. Tham rẻ nhập các loại máy móc này sẽ làm cho sản phẩm sản xuất ra có sức cạnh tranh kém, thua xa so với sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, tiếp tục bị thua trên sân người khi xuất khẩu và thua trên sân nhà khi nhập khẩu.
Nguy cơ thành “bãi thải công nghệ”
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung xảy ra từ hơn 2 năm trước nhưng tới giờ không có dấu hiệu kết thúc mà thậm chí ngày càng bất định về thời gian, quy mô và phạm vi (chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ, chiến tranh tài chính – tiền tệ, chiến tranh kinh tế và địa vị siêu cường…). Trong bối cảnh này, việc Trung Quốc gia tăng xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng sang Việt Nam là xu hướng dễ đoán. Cùng với xu hướng này là sự gia tăng đầu tư trực tiếp sang Việt Nam (lượng vốn đăng ký của các dự án được cấp mới trong 7 tháng đầu năm của Trung Quốc đứng thứ ba; nếu tính cả các hình thức khác như điều chỉnh vốn, mua cổ phiếu, góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam thì đứng thứ 2; nếu tính từ 1988 đến nay thì đứng thứ 8). Các cảnh báo về “bãi thải công nghệ”, “tiêu thụ giùm”, “xuất khẩu hộ” lâu nay là rất cần thiết và vào thời kỳ này lại càng cần thiết.
Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng trong những tháng còn lại của năm 2020 nếu duy trì được tốc độ như 7 tháng đầu năm, thì cả năm 2020 quy mô dự báo như sau. Tổng kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 4,2%, thì cả năm sẽ đạt khoảng 31,5 tỉ USD. Trong đó, nhập từ Trung Quốc tăng 4,3%, tương đương khoảng 13,3 tỉ USD.
Nếu dự đoán trên là đúng thì tỷ trọng nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng từ Trung Quốc là vấn đề rất đáng quan tâm, không chỉ đối với các doanh nghiệp mà còn cần phải có giải pháp giám sát cần thiết của các cơ quan nhà nước. Vì như nói trên, máy móc, thiết bị của Trung Quốc không phải là công nghệ nguồn, trong đó nguy cơ nhập công nghệ thải loại là rất lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
HIỂU MINH
TNO