Câu chuyện giáo dục: Điểm số – áp lực vô hình

Câu chuyện giáo dục: Điểm số – áp lực vô hình

Xem bộ phim hoạt hình quà tặng cuộc sống mang tên Áp lực vô hình, tôi thấy câu chuyện là một bài học quý đối với phụ huynh.
Phụ huynh đừng vì điểm số hào nhoáng mà làm tổn thương đến con, khiến cho con mệt mỏi, trầm cảm /// Đào Ngọc Thạch
Phụ huynh đừng vì điểm số hào nhoáng mà làm tổn thương đến con, khiến cho con mệt mỏi, trầm cảm ĐÀO NGỌC THẠCH
Câu chuyện như sau: Bài kiểm tra môn vậy lý của Nam được 5 điểm nên cậu buồn và lo lắng vì sợ về nhà bị mẹ mắng (Nam vốn điểm toàn 9, 10).
Người mẹ thì quá kỳ vọng và tự hào vì con mình “học giỏi nhất họ” nên thường gây áp lực cho con. Nam đã giấu bài kiểm tra, người mẹ phát hiện được, Nam càng bị áp lực nặng nề hơn. Nam hứa với mẹ sẽ làm bài kiểm tra thật tốt trong tuần tới để gỡ lại điểm. Thế nhưng áp lực điểm số khiến Nam căng thẳng, không nhớ được công thức nên đành mở tài liệu. Hậu quả, Nam bị hủy bài thi giữa kỳ. Vì sợ mẹ nên đi lang thang, Nam không dám về nhà. Khi tìm được con, người mẹ đã nói cho con hiểu rằng mẹ đã sai khi đặt gánh nặng lên vai con.
Câu chuyện tương tự như vậy không phải là cá biệt. Thậm chí có những cái kết không có hậu như trong phim.
Một đồng nghiệp đang dạy bậc THCS, kiêm chủ nhiệm kể với tôi câu chuyện khiến tôi giật mình về cậu học sinh (tạm gọi tên A) gian lận điểm số mà mười mấy năm trong nghề tôi chưa từng biết.
Vì điểm kiểm tra thấp (nói thấp nhưng cũng xếp loại khá) nên A. đã làm lại bài và… tự chấm điểm cao. Khi điểm được nhà trường báo, phụ huynh mới gọi cho giáo viên nói đã vào nhầm điểm. Trong khi đó giáo viên bộ môn khẳng định không nhầm nhưng A. vẫn quả quyết… nhầm. Thầy đành nói A. hôm sau đưa bài kiểm tra để đối chứng. Hôm sau A. đưa bài kiểm tra thì phát hiện A. đã làm lại bài và kiêm luôn… người chấm điểm.
Vài tuần sau, chuyện gian lận điểm số càng tinh vi hơn. Kết quả bài kiểm tra thấp, A. đã giấu bài kiểm tra. Khi nhà trường báo điểm, phụ huynh tá hỏa vì điểm con mình dưới trung bình. Khi phụ huynh hỏi thì A. nói thầy chưa trả bài. Giáo viên khẳng định đã trả bài và nhiều bạn cũng khẳng định thấy thầy đã trả bài cho A. Cuối cùng “nỗi oan” của thầy cũng được “nhân chứng” giải quyết, đó chính là camera gắn trong lớp. Thầy đã trích xuất camera. Trước “nhân chứng” này, A. không thể nào chối cãi.
Giáo viên cũng chia sẻ với phụ huynh rằng đừng vì điểm số mà gây áp lực cho con khiến con có những suy nghĩ và hành động dại dột. Còn với học sinh, giáo viên cũng đã dạy dỗ, phân tích cho A. hiểu những sai lầm của mình, đồng thời tha thứ cho A.
Điểm số không phải là tất cả, điểm số chưa hẳn là năng lực thực sự của học sinh, kiến thức thực tế mới là điều quan trọng. Phụ huynh đừng vì bệnh thành tích, đừng vì điểm số hào nhoáng mà làm tổn thương đến con, khiến cho con mệt mỏi, trầm cảm, thậm chí dẫn đến những hành động dại dột. Khá nhiều phụ huynh đánh mất con (con bị thần kinh, tự tử) cũng vì áp lực vô hình từ điểm số.
THÁI HOÀNG
TNO