24/01/2025

Kiếp ve chai: Những phận đời nổi trôi

Kiếp ve chai: Những phận đời nổi trôi

Rày đây mai đó, cuộc sống của không ít người lượm rác bấp bênh, vô định.
Vợ chồng bà Hai nhiều năm qua nương náu trong căn chòi xập xệ /// ẢNH: NHƯ LỊCH
Vợ chồng bà Hai nhiều năm qua nương náu trong căn chòi xập xệ ẢNH: NHƯ LỊCH
Gần 23 giờ, bà N.T.L (68 tuổi, thường gọi là bà Tư) nặng nhọc đẩy xe ve chai trên cầu Nhị Thiên Đường, Q.8, TP.HCM. Trong thùng xe, giữa đống phế liệu, một bé gái co ro ngủ mê mệt. Muốn đi nhanh hơn mà chân đau bước khập khiễng, bà Tư than: “Thằng anh con bé này tui nhốt trong nhà trọ, hồi nãy nó gọi điện giục: Bà cố ơi về lẹ lên! Con ở một mình buồn lắm”.

Tới đâu hay đó

Ngày ngày lượm ve chai, bà Tư nuôi hai đứa chắt là bé N. (8 tuổi) và bé T. (10 tuổi). Như lục bình lênh đênh, mấy bà cháu nhiều lần dời chỗ trọ. Gần đây, họ chuyển từ đường Tạ Quang Bửu sang một con hẻm thuộc đường Phạm Thế Hiển (Q.8).
Bà Tư cho hay bà từng có căn nhà ở Q.3 nhưng đã bị giải tỏa. Bà có chồng (không con), sau đó cũng chia tay. Từng nấu ăn cho nhà trẻ, bán trái cây, mua ve chai, cuối cùng bà “trụ lại” với việc… lượm rác.
Những phận đời nổi trôi

Nửa đêm, bà Tư lượm ve chai trở về

Đầu giờ chiều đến tận nửa đêm, bà Tư đẩy xe ve chai và bé gái đi lượm rác. Mỗi ngày, bà lội bộ hàng chục cây số, từ Q.8 qua Q.5, Q.6, Q.11, gần như kiệt sức với hai lần/ngày đẩy xe lên xuống hai cây cầu Chà Và, Nhị Thiên Đường… Khuya, trở về nhà trọ, bà lọ mọ dọn dẹp, giặt đồ đến 1 – 2 giờ mới nằm nghỉ.
“Bây giờ người lượm ve chai đông lắm, tui lượm không lại họ. Giá ve chai thì rẻ rề, tui chỉ kiếm mấy chục ngàn đồng/ngày, ít khi được 100.000 đồng”, bà Tư than.

Tổ trưởng… cái bang

Theo những người làm trong xóm bọc, mấy tháng trước, các lao động ở đây thất bát do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nhờ sự hỗ trợ gạo cơm của những nhà từ thiện, trong đó có quán cơm Nụ Cười, họ cũng cầm cự qua ngày.
Một chị bật mí: “Tổ trưởng cái bang của tụi mình là con nhỏ dưới xóm ghe. Biết sao bầu nó làm tổ trưởng không? Vì đầu tiên nó được phát quà từ thiện. Rồi người ta hỏi nó biết ai nghèo nữa không? Nó chỉ ra cả đám nghèo ở xóm ghe, xóm bọc và những xóm khác. Nói chung, ở đây tụi mình chỉ bị thất tiền chứ không thất tình” (cười).

Nói về hai đứa trẻ đang sống với mình, bà Tư trải lòng: “Bà ngoại của mấy đứa này kêu tui bằng cô ruột. Ngoại và mẹ nó đều chơi ma túy, nhiều lần báo hại tui. Tụi nhỏ không có cha, còn mẹ nó đang ở trại cai nghiện, bà ngoại sống lang thang. Tui nhất quyết không cho hai đứa nhỏ theo mẹ và bà ngoại, sợ tụi nó bắt chước đi vào con đường đó”.

Lúc T. và N. còn nhỏ xíu, bà để cả hai trong thùng xe rồi đẩy đi lượm ve chai. Nay hai đứa đã lớn trong khi bà già yếu hơn nên đành khóa cửa để bé T. trong phòng trọ. Đôi lúc T. năn nỉ ỉ ôi, bà Tư cầm lòng không đậu, phải cho hai anh em theo cùng. Trong thùng xe, hai đứa thấy chật chội, đòi xuống tự đi nhưng bà Tư sợ tụi nhỏ loi nhoi sẽ bị xe tông.
Vậy mà, đã vài lần bà cháu gặp tai nạn. Lần gần đây nhất, bà Tư đang đẩy xe ve chai trên cầu Chà Và thì bị một chiếc xe máy húc từ phía sau. Bà Tư khuỵu xuống, xe ve chai đổ úp. Nhiều người hoảng hồn khi thấy hai đứa trẻ nằm trong đống phế liệu. Cũng may, ba bà cháu chỉ bị trầy xước.
Hai hôm liền, bà Tư không đi lượm ve chai do bị cảm cúm. Khi đến thăm, tôi thấy bà hí hoáy múc cho bé T. tô bún bò. Bà Tư chép miệng: “Hôm nay tui ráng đi chợ mua 1 ký bún 10.000 đồng, 17.000 đồng thịt bò gân, thêm một ít hành ngò. Nồi bún bò 40.000 đồng, ba bà cháu ăn bữa trưa và bữa tối”. Đang ăn, bé T. thắc mắc: “Cố ơi cố, hình như em con cùng mẹ khác cha với con hả?”. Bà Tư la: “Ừ, mà thôi biết làm gì”. Mặc bà Tư nạt nộ, T. cười hì hì: “Khác ông ngoại luôn!”…
Điều bà Tư lo lắng nhất là hai đứa bé không có chỗ ở ổn định, không có giấy tờ. Mấy tháng nay, hai bé được học lớp tình thương (lớp 1) do một số sơ phụ trách. Bà Tư bộc bạch: “Một số người tốt bụng giúp đỡ bà cháu tui, được ngày nào hay ngày đó vậy. Dạo này sức khỏe tui sa sút, xương khớp đau nhức liên miên, có khi đứng không nổi. Tui cầu mong anh em nó khỏe mạnh, được đi học để biết chữ, mai mốt đi làm tự nuôi thân. Lúc đó tui chết cũng yên lòng”.
Những phận đời nổi trôi

Trong xe ve chai, bé N. nằm ngủ co ro

Xóm bọc… phập phồng

Từ đường Rạch Cát Bến Lức, rẽ xuống một đoạn đường đất dẫn đến mé sông, đập vào mắt tôi là bãi ni lông lớn. Một phụ nữ lớn tuổi đang lui cui giặt bịch ni lông. Ni lông được thải ra sau khi đựng cá, thịt, bốc mùi thum thủm. Cạnh đó, một người cắm cúi phân loại đống chai nhựa gom từ khu chợ gà…

Hy vọng cánh cửa khác mở ra

Trong khi nhiều đồng nghiệp tỏ ra bi quan khi hay tin “xóm bọc” dời đi thì bà Thủy (53 tuổi, quê Long An) có vẻ bình thản: “Mình nghĩ cánh cửa này khép lại thì cánh cửa khác mở ra. Giờ mình lo lắng cũng chẳng giải quyết được gì”. Theo bà Thủy, bà đã làm nhiều nghề như: mần ruộng, chăn nuôi, dệt chiếu, giúp việc nhà, công nhân… Rốt cục, bà chọn lượm ve chai vì tuy lem luốc hơn nhưng được tự do, thoải mái nhất. Bà Thủy tâm tình: “Mỗi lần ra bãi lượm rác, mình thấy vui và thanh thản, kiểu như không làm phiền đến ai. Mỗi ngày mình lượm mấy chục bao bọc mủ, giấy, thấy việc làm của mình cũng ích nước lợi nhà, góp phần làm sạch đường phố”.

“Xóm bọc” là một khu đất nằm ven sông, gần chợ Bình Điền (Q.8). Xóm có những cái lều và các khoảnh sân để phơi bọc ni lông cùng một số loại ve chai được gom từ chợ đầu mối này. Nơi đây có gần 10 lao động, tất cả đều là người miền Tây.

Được biết, khu đất này do chủ vựa ve chai thuê để phơi bọc từ nhiều năm nay. Chủ vựa thu mua ve chai từ chợ Bình Điền rồi đem về xóm bọc cho nhân công phơi phóng. Cũng có những người vừa làm thuê cho chủ vựa vừa tự đi lượm ve chai về bán.
Cầm con dao thoăn thoắt rọc bọc ni lông, chị Tám (quê Bến Lức, Long An) chia sẻ: “Tụi chị phơi bọc, đứng riết ngoài nắng dích từng cái bọc. Nắng quéo chân cẳng, nắng gần chết mà cũng thấy… khoái. Tụi chị hay cầu mưa đâu thì mưa, xin đừng mưa đây”.
Thông thường tiền công phơi khô ráo 1 ký ni lông là 2.000 đồng. Ngày nắng, chị Tám phơi được nhiều nhất là 100 ký, kiếm được 200.000 đồng. Nhưng nhằm ngày mưa thì “hẻo”, có khi chỉ được 40.000 – 50.000 đồng/ngày, thậm chí dồn cả tuần mới bán được một lần. Ngoài tính kiên nhẫn, chịu hôi dơ, công việc này còn đòi hỏi sức khỏe để kéo ve chai ra bãi phơi rồi dồn vô bao đẩy ra vựa.
Những phận đời nổi trôi

Người “xóm bọc” nhặt nhạnh ve chai ẢNH: NHƯ LỊCH

Hầu hết nhân công ở đây thuê chỗ trọ bên ngoài để ở. Riêng bà Hai (63 tuổi, quê Tiền Giang) và chồng bà sống trong chiếc ghe nhỏ mà bà gọi là cái chòi. Bà Hai có biệt danh là “khỉ ướt”, vì bà thường dầm mình dưới sông giặt bao ni lông. Bà xưng hô thân tình: “Hôm nào Hai ngủ sớm cũng 23 giờ khuya, tới 2 – 3 giờ sáng đã dậy ra lượm bọc”. Theo bà Hai, do hoàn cảnh gia đình quá nghèo nên hai đứa con gái của bà phải sớm bỏ học. Nhờ người quen cùng quê giới thiệu, bà Hai được gia nhập xóm bọc. Vài năm sau, ông chồng hay thả lưới cắm câu dưới quê cũng lên lượm bọc cùng bà. Bà Hai thân tình: “Tụi Hai già rồi, ở quê không có ruộng vườn và cũng đâu ai thuê mướn mình. Cho nên nếu không lượm bọc, lấy gì ăn!”.
Mới đây, chúng tôi hay tin xóm bọc đã dời đi, cách chỗ cũ không xa lắm. Người xóm bọc đùm túm nhau về nơi mới, thầm mong đó là chốn dừng chân lâu dài.
(còn tiếp)
NHƯ LỊCH
TNO